VŨ VĂN
5 năm triển khai thiết thực các giải
pháp thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, Chi cục Bảo vệ thực vật
Lâm Đồng đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
VỪA NGHIÊN CỨU, VỪA QUẢN LÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
Kết thúc quý 1/2015, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng
đã nhân nuôi thành công ong ký sinh sâu tơ hại rau họ thập tự và triển khai ứng
dụng trên 1.500ha, giảm phun thuốc mỗi vụ sản xuất từ 13- 15 lần xuống còn 4- 5
lần. Trước đó, Chi cục cũng đã hoàn thành 01 đề tài cấp tỉnh và 01 đề tài cấp
cơ sở được Hội đồng Khoa học đánh giá cao. Đó là “Nghiên cứu biện pháp quản lý
tổng hợp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại lúa tại Lâm Đồng”
đã xác định 11 giống lúa kháng rầy, thành lập 2 nhóm sản xuất 55,5kg nấm xanh
M.a phòng trừ rầy nâu. Và “Hoàn thiện quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại
ca cao và chuyển giao cho nông dân Lâm Đồng” đã góp phần nâng cao năng suất,
chất lượng của vùng nguyên liệu ca cao Lâm Đồng. Chưa kể Chi cục đang triển
khai 01 đề tài cấp tỉnh tên là “Nghiên cứu các giải pháp phòng trừ tổng hợp
bệnh thối rễ, vàng lá cà phê Lâm Đồng”. Đồng thời xây dựng khoảng 65 mô hình ứng
dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ các bệnh rầy nâu hại lúa, biến dạng củ cà
rốt, rụng lá cao su, thối rễ dâu tây, héo rũ hoa cúc, tuyến trùng và nấm hại
trong đất canh tác cà phê, các loại sâu bệnh gây hại trên cây thông 3 lá và keo
lá tràm…
Việc chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng và nâng
cao kiến thức thức pháp luật về quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 5 năm
qua, Chi cục đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo, thu hút hàng ngàn
lượt nông dân và cán bộ khuyến nông viên cơ sở tham gia tiếp cận những nội dung
chính như: bảo vệ thiên địch tại các vùng rau; tăng cường sử dụng thuốc có
nguồn gốc sinh học để sản xuất rau, chè an toàn; phòng trừ tổng hợp sâu bệnh
hại trên cây điều, dâu tây, chanh dây; phương pháp điều tra đối tượng gây hại
cây lâm nghiệp; buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định pháp
luật; thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 125 công ty và
khoảng 800 đại lý kinh doanh gần 1.500 loại thuốc bảo vệ thực vật. 5 năm qua,
Chi cục tiến hành 16 đợt thanh, kiểm tra ( định kỳ, đột xuất), phát hiện và xử
lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc không đảm bảo chất lượng như công bố,
sai quy định về nhãn mác; kịp thời ngăn chặn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
không theo nguyên tắc “4 đúng”…Bên cạnh đó, qua công tác quản lý dư lượng thuốc
bảo vệ thực vật, Chi cục đã thu thập gần 11.550 mẫu của 20 loại rau, quả, chè
tại các chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, kinh doanh rau an toàn và hộ nông dân, kết
quả phân tích tỷ lệ mẫu có dư lượng thuốc vượt mức cho phép đã giảm từ 5,5% (
năm 2009) xuống còn 3,07% (cuối năm 2014). Đáng chú ý, Chi cục còn phối hợp với
các cơ quan, ban ngành liên quan lấy 31 mẫu khoai tây Trung Quốc tại Lâm Đồng (
624 tấn), xác định 01 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho
phép, đề xuất tiêu hủy 26 tấn. Ngoài ra, Chi cục đã kiểm tra cấp Giấy Chứng
nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu cho hơn 27.000 tấn rau và gần 25,6 triệu cành
hoa các loại; theo dõi 81 đối tượng dịch hại trên 53 giống cây trồng nhập nội
đang sản xuất trên diện tích 4.042ha…
CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ CÙNG TRIỂN KHAI THI ĐUA
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực
vật Lâm Đồng nhấn mạnh những kinh nghiệm đạt nhiều thành tích trong nhiệm vụ
chuyên môn 5 năm qua là: Ngay từ đầu năm kế hoạch, Chi bộ đã chỉ đạo chính
quyền, công đoàn, chi đoàn và các đoàn thể chính trị khác trong Chi cục phát
động phong trào thi đua đến toàn thể công chức, viên chức. Hàng tháng, hàng
quý, hàng năm đều đánh giá kết quả thực hiện, biểu dương những tấm gương điển
hình để nhân rộng, đồng thời chỉ ra những tồn tại, vướng mắc để thông qua biện
pháp khắc phục, tháo gỡ phù hợp trong thời gian tiếp theo. Việc giao ban duy
trì hàng tuần đối với ban lãnh đạo, 2 tuần đối với trưởng, phó phòng và hàng
tháng đối với toàn thể công chức của Chi cục. Vận hành nhịp nhàng, khép kín quy
trình hoạt động như vậy, Chi cục đã không ngừng thúc đẩy phong trào thi đua
trong cơ quan ngày càng đi vào thực chất hơn, đạt hiệu quả cao. Để có được vinh
dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba kể trên, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng
đã gặt hái 5 năm liên tục (2009- 2014) được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt
danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cùng nhiều bằng khen và cờ thi đua./.
THANG 4/2015