Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Giải pháp phát triển bền vững cây điều ở Lâm Đồng

VĂN VIỆT
Lâm Đồng vừa bình tuyển gần 20 cây điều cao sản đầu dòng ở 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên để áp dụng các chế độ quản lý, chăm sóc đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân giống tái canh và ghép cải tạo theo hướng phát triển ổn định, bền vững vùng nguyên liệu 18.500ha điều đến năm 2020.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, diện tích cây điều canh tác trên đất nông nghiệp toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 19.700ha, chiếm nhiều nhất ở huyện Đạ Huoai (gần 8.150ha), tiếp theo là huyện Đạ Tẻh (hơn 5.630ha) và huyện Cát Tiên (gần 5.550ha), cuối cùng là huyện Đam Rông (hơn 370ha). Từ năm 2009 đến nay, nông dân Lâm Đồng đã chuyển đổi hơn 5.250ha cây điều kém năng suất sang các loại cây trồng khác như cao su, ca cao, cà phê, cây ăn trái…Những diện tích cây điều tiếp tục canh tác bước vào thời kỳ kinh doanh đã tăng năng suất thu hoạch mỗi năm từ gần 4,9 tạ/ha lên 7,2 tạ/ha. Tuy nhiên, nếu so với năng suất điều bình quân cả nước thì năng suất điều Lâm Đồng hiện vẫn thấp hơn từ 1,2 – 1,5 tạ/ha.  
Nguyên nhân dẫn đến năng suất điều Lâm Đồng còn thấp, trước hết do nguồn giống điều chiếm đến gần 34% trồng bằng cây thực sinh không được chọn lọc, chất lượng kém, khi gặp thời tiết biến đổi rất  dễ nhiễm nhiều loại sâu bệnh gây hại ở mức độ nặng, khó phòng trừ như: bọ xít muỗi, sâu róm đỏ, sâu đục ngọn, xén tóc đục thân cành, thán thư, khô cành…Trong khi đó, những diện tích điều ghép chất lượng cao trước đây, nay đã có biểu hiện thoái hóa; phần lớn diện tích điều còn lại đang vào thời điểm già cỗi, nhưng việc đầu tư thâm canh không đúng theo quy trình kỹ thuật và nhu cầu phát triển của cây. Như thiết kế vườn cây thiếu các biện pháp bảo vệ đất chống xói mòn, mật độ cây trồng không đồng đều –trên cùng một diện tích đất vườn của nông hộ, nhưng khu vực này thì trồng quá dày (hơn 400 cây/ha), còn khu vực kia lại trồng quá thưa (70- 80 cây/ha). Ngoài ra, việc tỉa cành, tạo tán, bón phân và tưới nước thiếu cân đối, chưa phù hợp trong từng điều kiện đất đai canh tác…đã dẫn đến nhiều vườn cây điều bị suy kiệt nhanh, hiệu quả kinh tế giảm xuống thấp. 
Chưa kể do sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, chưa hình thành các mối liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, nên trong quá trình sản xuất sản phẩm điều hàng hóa, người nông dân thường xuyên gặp tình trạng mất cân đối cung- cầu, làm giảm khả năng cạnh tranh giữa cây điều với các cây trồng khác.
Dự kiến mục tiêu phát triển ổn định, bền vững trên 18.500ha điều đến năm 2020, Lâm Đồng chỉ chuyển đổi gần 1.200 ha/5.550ha điều ở huyện Cát Tiên sang cây trồng khác. Ở các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Đam Rông đều giữ nguyên diện tích điều trên đất nông nghiệp để đầu tư áp dụng các biện pháp kỹ thuật tái canh, ghép cải tạo, thâm canh, tăng năng suất đạt trung bình 1,2 tấn/ha/năm. Với gần 20 cây điều được bình tuyển đầu dòng nêu trên, Lâm Đồng sẽ nhân giống trên 3 vườn chồi, mật độ trồng 2.200 cây/ha. Sau 3 năm đầu thu hoạch mầm chồi và cây giống sản xuất ở đây, Lâm Đồng sẽ thực hiện trồng tái canh trên diện tích 2.550ha và ghép cải tạo trên diện tích 2.760ha. Những năm sau đó được tiếp tục nhân rộng kinh nghiệm tái canh, ghép cải tạo trên từng phần diện tích cây điều già cỗi, kém năng suất còn lại. Các giải pháp kỹ thuật chính áp dụng đối với tất cả vườn điều Lâm Đồng là: tỉa thưa để đạt mật độ khoảng 100- 120 cây/ha, tạo tán được tiến hành 2 đợt/năm trên vườn điều từ 2 năm tuổi trở lên; phối trộn bón phân cân đối các liều lượng lân, urê, kali…trên từng diện tích, phù hợp với từng lứa tuổi cây điều. Đồng thời sử dụng phân bón lá và các chất điều hòa sinh trưởng nhằm giúp cây ra hoa đậu quả đạt năng suất, chất lượng cao.
   
Giải pháp thị trường và giải pháp chính sách phát triển bền vững cây điều cũng đã được ngành nông nghiệp Lâm Đồng đặt vấn đề thực hiện cụ thể. Đó là những khoản ưu đãi mà người trồng điều tái canh và ghép cải tạo cần được thụ hưởng như vay vốn thời hạn 5 năm, trong đó từ năm thứ 3 trở đi mới bắt đầu hoàn trả vốn và lãi;  đồng thời được nguồn vốn nhà nước hỗ trợ từ 60- 100% kinh phí mua cây điều giống và mầm chồi đầu dòng. Và đó là những cơ chế, môi trường thuận lợi được các cơ quan chức năng tạo ra để giúp người sản xuất liên kết lâu dài thành nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm điều cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tin rằng những giải pháp trên luôn được triển khai đồng bộ, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, đạt mục tiêu ổn định vùng nguyên liệu 18.500ha điều Lâm Đồng trong 5 năm tới như đã đề ra./.    
THÁNG 6/2015