Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Nơi dẫn đầu cụm khối thi đua toàn tỉnh Lâm Đồng

VĂN VIỆT
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn trên địa bàn, 5 năm qua, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã xứng đáng liên tục đạt tập thể lao động tiên tiến và xuất sắc. Riêng năm 2014, Chi cục được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Cờ thi đua với thành tích xuất sắc, dẫn đầu cụm khối thi đua toàn tỉnh. Đóng góp cho thành tích chung trong năm 2014 này, Chi cục trưởng Nguyễn Văn Châu đã được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”
10 CHƯƠNG TRÌNH, 5 ĐỀ ÁN ĐẠT VÀ VƯỢT KẾ HOẠCH
Thực hiện nhiệm vụ chức năng được giao, trong 5 năm qua, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã tiếp tục triển khai các chương trình và đề án đạt và vượt kế hoạch được giao, góp phần tạo những chuyển biến mới trong đời sống nông thôn. Nếu như trong năm 2013, Chi cục hướng dẫn lập đề án xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 đối với huyện Đơn Dương và năm 2016 đối với huyện Đức Trọng thì đến năm 2014, đã “cụ thể hóa” đến 17 xã điểm xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh Lâm Đồng để rà soát, tham mưu các quy trình thẩm định cho Hội đồng ở cơ sở trước khi trình lên UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, công nhận. Đặc biệt cũng trong năm 2014, Chi cục đã hoàn thành 100% kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng về tổ chức tập huấn chuyên đề cho gần 1.300 cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới. Riêng việc tuyên truyền Luật Hợp tác xã năm 2012, Chi cục đã tham gia góp ý cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành, Đề án “Đổi mới, phát triển Hợp tác xã và các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp” do Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn xây dựng. Hiện Chi cục đã thông qua kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về Hợp tác xã cho cán bộ quản lý, đồng thời hướng dẫn các Hợp tác xã lập phương án chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã mới.
Với chương trình bố trí dân cư trong năm vừa qua, Chi cục đã thực hiện trên tổng nguồn vốn 7 tỷ đồng, phân bổ cho 7 dự án. Trong đó 3 tỷ đồng vốn sự nghiệp kinh tế, phân bổ cho 4 dự án là: Quy hoạch sắp xếp dân di cư tự do xã Hòa Bắc và Hòa Nam (Di Linh); di dời khẩn cấp 60 hộ dân ra khỏi vùng lũ quét xã Liên Hà ( Lâm Hà); hỗ trợ khai hoang, cấp phát phân bón cho hơn 40 hộ dân xã Phi Liêng ( Đam Rông) sản xuất 50 ha lúa nước; quy hoạch chi tiết điểm dân cư thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais ( Lạc Dương) để hỗ trợ di dời cho 50 hộ dân. Còn lại 4 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, phân bổ cho 3 dự án gồm: xây dựng 20km đường điện trung và hạ thế ở khu quy hoạch dân di cư tự do xã Hòa Bắc và xã Hòa Nam (Di Linh); xây dựng đường giao thông nông thôn vào khu quy hoạch dân di cư tự do xã Tân Thanh ( Lâm Hà); xây dựng 05 phòng học, 01 trạm y tế xã Phước Cát 2 (Cát Tiên).
Đáng kể trong nguồn vốn 12,45 tỷ đồng theo Chương trình 135, Chi cục đã hướng dẫn 29 xã và 75 thôn đặc biệt khó khăn trong tỉnh xây dựng xong dự toán định mức hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2014- 2015. Chi cục còn tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân ở huyện Đam Rông; quyết định công nhận làng nghề dệt thổ cẩm thôn 3, xã Lộc Tân ( Bảo Lâm) và tiếp tục hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ xã Đạ Kho ( Đạ Tẻh). Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp hoàn thành quy hoạch ngành nghề nông thôn đến năm 2020, tổng nguồn vốn thực hiện gần 700 triệu đồng. Ngoài ra, Chi cục đã tổ chức 44 lớp đào tạo các nghề nông thôn như: kỹ thuật khai thác mủ cao su; chăm sóc và tạo dáng cây cảnh; trồng và chăm sóc cà phê, chè, điều, rau, nấm mèo; sấy hồng khô theo quy trình Nhật Bản; trồng rau công nghệ cao; trồng dâu nuôi tằm; sửa chữa máy nông nghiệp; chăn nuôi heo, bò, gà…
Các chương trình còn lại như chế biến lâm sản, nông sản, phòng chống ma túy đều được Chi cục tích cực tham mưu xây dựng quy hoạch, phối hợp tuyên truyền, đấu tranh phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Và Chi cục đã thực hiện khá hiệu quả 5 đề án phát triển nông thôn gồm: Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể; kinh tế trang trại; giảm tổn thất sau thu hoạch chè, rau và hoa; bảo quản, chế biến cà phê sau thu hoạch; bảo tồn và phát triển làng nghề, từ đó xây dựng hơn cả trăm mô hình, tổ chức hàng chục lớp tập huấn sâu rộng trong cộng đồng…   
CHỦ ĐỘNG THAM MƯU, TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP

Ông Nguyễn Văn Châu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng phân tích những nguyên nhân đạt được thành tích xuất sắc nêu trên là: Chi cục đã phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí cao trong ban lãnh đạo và tập thể cán bộ công chức; thường xuyên sâu sát với thực tiễn ở địa bàn, làm cơ sở để chủ động tham mưu kịp thời và phối hợp đồng bộ với các cấp thẩm quyền, các ngành chức năng trong tỉnh ban hành và tố chức thực hiện các chính sách phù hợp đặc điểm sản xuất trên từng địa bàn dân cư./.  
THÁNG 4/2015