Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

“Số hóa” trên cây trồng thực nghiệm ở Đà Lạt

VĂN VIỆT
Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm nông nghiệp Đà Lạt đang “số hóa” nhiều loại cây trồng thực nghiệm để tiện việc theo dõi, chọn lọc các giống loài phù hợp với điều kiện canh tác tiết kiệm vốn đầu tư, công lao động, sản phẩm đạt năng suất và chất lượng cao.

Với 1,7ha đất nông nghiệp nằm ở địa hình bậc thang thuộc thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt, Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm nông nghiệp Đà Lạt đã bố trí cả ngàn mét vuông xây dựng nhà kính công nghệ cao của Israel với kết cấu khung sắt không rỉ sét, hệ thống tự động điều hòa ánh sáng, nhiệt độ, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động…để trồng thực nghiệm trước mắt hàng chục giống cà chua khác nhau trên giá thể tự phối trộn, phủ kín tấm bạt trên nền đất để ngăn cỏ dại sinh trưởng. Một sáng đầu tháng 6/2015, vào tham quan trong khu nhà kính được hít thở không khí “sạch” tỏa ra từ những hàng cây cà chua xanh ngát, trĩu quả. Giám đốc Trung tâm, anh Võ Thành Sang cho biết: “ Trung tâm “số hóa” từng hàng cây cà chua công nghệ cao trong nhà kính nhằm theo dõi, kiểm soát quá trình sinh trưởng đến nay đã gần 3 tháng. Sau khi kết thúc lứa cà chua này, Trung tâm sẽ bình tuyển những “mã số” nhận diện giống cây phát triển đạt yêu cầu “đầu bảng” để đưa ra nhân giống và nhân rộng quy trình kỹ thuật canh tác cho nông dân Đà Lạt….”
Tương tự với cà chua trồng thực nghiệm ngoài trời ở đây (tổng diện tích 0,4ha), qua 3 tháng chăm sóc hàng trăm loại giống sinh trưởng trên từng chậu giá thể theo phương pháp phủ màng ni lông, dựng giàn, giăng dây cho cây leo bám không bị ngã đổ, tưới nước và bón phân nhỏ giọt, Trung tâm cho biết đã xác định ban đầu những “mã số” có khả năng đề kháng các loại sâu bệnh phát sinh vào mùa mưa Đà Lạt, nhất là bệnh sương mai thường gây hậu quả cây, cành, lá héo rũ và “chết xanh” rất nhanh, luôn là nỗi lo ngại của người nông dân.
Cũng vào thời điểm đầu tháng 6/2015, trong một căn nhà kính vật liệu sắt thép, ni lông thông thường với diện tích cả ngàn mét vuông của Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm nông nghiệp Đà Lạt, các luống hoa cúc và các luống rau bắp cải cùng sinh trưởng tốt tươi giữa môi trường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học chiếm hầu hết. Hoa cúc đang vươn cành lên cao từ 0,8- 1m, phủ tán với chi chít nụ hoa. Và cây cải bắp đang cuộn tròn lớp lớp bẹ lá to bè, chắc nịch, ước cân nặng mỗi “búp” thành phẩm trên dưới 5kg. Điều đặc biệt của quy trình sản xuất theo hướng đạt chuẩn VietGAP ở đây đã tiết kiệm nguồn vốn đầu tư khoảng 20% so với phương pháp canh tác sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, nhưng năng suất và chất lượng đạt cao hơn, có thể xuất khẩu sang các thị trường châu Á nên mức lợi nhuận theo đó chắc chắn được tăng lên. “Tính riêng hoa cúc được trồng với tỷ lệ diện tích chiếm khá lớn trong cơ cấu các loại hoa Đà Lạt, nhưng thực tế nông dân chưa được tiếp cận đầy đủ kỹ thuật mới để chuyển đổi canh tác từ biện pháp hóa học sang biện pháp sinh học thân thiện với môi trường…”- anh Sang nhận định.

Đáng nói thêm ở Xuân Thọ, Đà Lạt - nơi Trung tâm tọa lạc là một vùng nông nghiệp truyền thống về sản xuất hoa lay ơn các loại. Tuy nhiên theo thời gian nhiều giống hoa lay ơn do nông dân tự sản xuất đã thoái hóa, giảm khả năng thích ứng với các điều kiện khí hậu có nhiều biến đổi, khiến cho sản lượng và chất lượng hoa thu hoạch quanh năm vẫn còn gặp nhiều hạn chế, không bắt kịp với nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu. Để chung tay cùng nông dân thay thế các giống hoa lay ơn mới đạt giá trị thương phẩm cao hơn, Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm nông nghiệp Đà Lạt đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt trồng thử nghiệm 8 giống hoa lay ơn trên diện tích 800 mét vuông ngoài trời. Tính đến đầu tháng 6/2015, vườn hoa lay ơn đã qua hơn 60 ngày chăm sóc với hình thức tưới phun tự động, bón phân cân đối…đang phát triển đạt các chỉ tiêu sinh trưởng đặt ra. Trong vòng một tháng tới - khi cả vườn hoa lay ơn đều nở  rộ, Trung tâm dự kiến chọn ra 2- 3 “mã số giống” phù hợp nhất để giới thiệu rộng rãi cho nông dân Xuân Thọ, Đà Lạt và các vùng phụ cận có kế hoạch cân đối diện tích, định hướng chuyển đổi trong cơ cấu cây trồng của mình.
    Từ nay đến năm 2016, Trung tâm sẽ liên kết với nông dân Đà Lạt để xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống rau, hoa mới đã khảo nghiệm thành công tại Lộc Quý, Xuân Thọ, từ đó góp phần tạo ra những chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp ổn định và bền vững trên địa bàn./.    
THÁNG 6/2015