VĂN VIỆT
16 hộ nông dân ở thôn Huỳnh Châu Đông và
thôn Hải Hưng ở xã Lạc Lâm, Đơn Dương đã đồng thuận chuyển đổi từ hình thức sản
xuất cá thể sang hình thức sản xuất hợp tác, cùng giúp nhau ổn định sản phẩm
đầu ra, góp phần nâng cao đời sống nông thôn mới ở địa phương
Nông dân đi buôn rau
Cuối tháng tư, mùa hè “chạm ngõ”, nhưng đồng rau 8ha của Tổ Hợp tác Đông
Hưng, xã Lạc Lâm, Đơn Dương vẫn xanh mát như thường ngày. Bên cạnh bắp sú, hành
tây, xà lách…còn có pó xôi, ớt cay, hành hương…cùng liên canh sản xuất theo nông
lịch trên từng thửa vườn. Nhà buôn, nhà nông Nguyễn Hữu Đoàn đưa tôi “tiếp cận”
với 2.000m2 vườn ớt cay đang thu hoạch và nói: “ Đây là diện tích ớt sản xuất
theo đơn đặt hàng của một công ty Nhật tại huyện Đơn Dương. Theo quy trình canh
tác an toàn, từng luống đất được phủ màng ni lông để giữ độ ẩm cho cây, khống
chế cỏ dại phát triển, ngăn chặn các mầm bệnh dịch hại phát sinh từ mặt đất…” Hiện
tại ớt cay của anh Đoàn đã qua một tuần thu hoạch ( sau khi trồng, chăm sóc hơn
3 tháng), mỗi ngày thu trên dưới trăm ký, giá bán mỗi ký đã được ấn định trước
theo hợp đồng là 27.000 đồng. Vụ ớt này sẽ tiếp tục thụ hoạch đến cuối tháng
6/2014. Tính chung trên 0,8ha “đất hợp tác” còn lại của hộ gia đình anh Đoàn
trong vụ Đông – Xuân 2013- 2014 vừa qua đều được tiêu thụ theo hợp đồng gồm: 20
tấn pó xôi, 16 tấn hành tây… Trung bình tỷ lệ lãi đạt từ 40% trên tổng doanh
thu trở lên.
Nhà nông Nguyễn Hữu Đoàn bắt đầu vào nghề nhà buôn từ năm 1998, chuyên
làm đầu mối thu mua các loại rau pó xôi, hành hương, cải thảo, bí ngồi… của
nông dân xã Lạc Lâm, Đơn Dương với gần 100 tấn/năm, sau đó cung ứng cho một
doanh nghiệp Nhật Bản để xuất khẩu. Nhưng từ giữa năm 2013 đến nay, khi Tổ Hợp
tác Đông Hưng thành lập và đi vào hoạt động, anh “Đoàn nhà buôn” phải tập trung nhiều thời gian, công sức, vốn
liếng…để cùng với 16 tổ viên tổ chức, điều hành sản xuất sát hợp với điều kiện
về đất đai, về nguồn vốn đầu tư. Thời gian đầu làm việc trong Tổ Hợp tác Đông Hưng,
anh Đoàn phụ trách khâu kỹ thuật sản xuất và khâu liên kết tiêu thụ, từ tháng
12/2013 đến nay, được tổ viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng.
Cánh đồng 16 hộ dân
Trên đồng rau Đông Hưng, tôi gặp nông dân Nguyễn Đức Cường đang đắp lên những
luống đất để trồng vụ rau hành hương mới theo kế hoạch chung của Tổ Hợp tác. Năm
2012 và năm 2013 kết thúc, anh Cường đã mạnh dạn xây dựng 2.000m2 nhà kính
trồng ớt ngọt, đến 4 tháng đầu năm 2014, chuyển sang trồng luân canh các loại
rau ngắn ngày khác, thu nhập được cải thiện đáng kể. “ Giá rau Lâm Đồng ở thị
trường mùa xuân vừa qua có nhiều biến động, nhưng nhờ liên kết sản xuất và liên
kết tìm đầu ra, phần lớn giá rau ở Tổ Hợp tác Đông Hưng vẫn giữ ở mức an toàn..”-
Anh Cường nói.
Tương tự với 15 hộ gia đình còn lại trong Tổ Hợp tác đã tự
nguyện “nhìn nhau” để sản xuất theo từng loại rau xanh mà thị trường cần đến. Trung
bình mỗi hộ dân có diện tích đất từ 4 – 5.000m2, trước đây sản xuất theo phương
thức cá thể, tự cạnh tranh với nhau để tìm kiếm đầu ra, nên thu nhập thường thiếu
ổn định, hễ được mùa thì mất giá và được giá thì mất mùa. Gần 1 năm qua, khi 16
hộ dân tham gia vào Tổ Hợp tác sản xuất theo kế hoạch thời vụ và theo khối
lượng hợp đồng, cơ bản tình trạng sản xuất manh mún đã được khắc phục. Hàng
trăm triệu đồng thu nhập mỗi năm trên mỗi “hộ gia đình hợp tác” là điều không
khó khăn nữa.
“Bước đầu, Tổ Hợp tác chúng tôi đã chọn ra các loại rau sản xuât, tiêu
thụ được giá trong trong mùa khô như pó xôi, hành tây… và trong mùa mưa gồm cải
bắp, cải thảo, ớt cay, hành hương…”- Tổ trưởng Tổ Hợp tác Đông Hưng, anh Nguyễn
Hữu Đoàn cho biết thêm.
Ngoài ra, anh Đoàn đang triển khai cho tổ viên sản xuất
theo đơn đặt hàng từ một doanh nghiệp ở Đồng Nai gồm gừng tươi, tỏi tươi, nghệ
tươi…với quy trình chăm sóc bằng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, đảm bảo thân
thiện với môi trường. Mục tiêu đến cuối năm 2014, Tổ Hợp tác Đông Hưng sẽ thông
qua đề án xây dựng, nâng cấp quy mô hoạt động lên thành Hợp tác xã Nông nghiệp
Đông Hưng, mở rộng sản xuất, kinh doanh, ký kết những hợp đồng liên kết có giá
trị lớn hơn và thời gian dài hơn. “Đây là bước đi khá tích cực, thể hiện vai
trò chủ thể của người nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới ở xã Lạc Lâm,
Đơn Dương… ”- Bí thư Đảng ủy xã Lạc Lâm, ông Huỳnh Văn Quang nhấn mạnh./.
THÁNG 4/2014