VĂN VIỆT
Vườn
cà phê moka 2,4 ha ở Trại Hầm, Đà Lạt được chủ nhân giữ lại để thu hoạch hàng
năm vài, ba trăm ký hạt nhân. Sau năm đầu đưa chồn về ăn trái tươi và đưa ngỗng
về ăn cỏ, cho phân, vườn moka đã tăng giá trị lên hàng trăm lần.
Moka sinh trưởng tự nhiên
Cà phê moka thuộc dòng cà phê Arabica, được người
Pháp đưa về vùng Cầu Đất, Đà Lạt trồng từ những năm 30 của thế kỷ trước. Trải
qua hành trình chuyển đổi giống mới trên cao nguyên Đà Lạt, cà phê moka đã phải
nhường chỗ gần hết diện tích cho giống cà phê catimor phát triển với năng suất
cao hơn gấp nhiều lần. Cách đây hơn mười năm, ông Nguyễn Quốc Minh ( hành nghề
luật sư ở thành phố Hồ Chí Minh) lên khu vực Trại Hầm mua 2,4ha đất để mong góp
phần khôi phục, giữ lại nguồn giống cà phê moka khá đặc trưng của Đà Lạt. Khu đất
mua với địa hình bậc thang, giáp ranh khu đồi thông xanh mát, dưới chân thung
lũng có con suối trong vắt chảy ngang qua.
Đầu tiên, ông Minh chọn mua giống moka đầu dòng ươm
bằng hạt từ vùng Cầu Đất rồi đào hố trồng trên đất Trại Hầm theo phương pháp cho
cây đâm chồi, xanh lá trong môi trường không thuốc trừ sâu, không phân hóa học,
không thuốc diệt cỏ. Cụ thể, ông Minh trồng theo tỷ lệ 5 hàng cây cà phê moka
xen với 1 hàng cây hồng ăn trái để tạo bóng mát, làm nơi che chắn gió, dẫn dụ
các loài sâu bệnh gây hại. Bên cạnh đó còn trồng những cây hoa loa kèn phát tán
hương thơm lôi cuốn, đánh lạc hướng sinh tồn của các loài dịch hại khác nhằm bảo
vệ “sức khỏe” an toàn cho cà phê moka.
Các công đoạn còn lại cho moka gồm cung
cấp dinh dưỡng phân bò, phân dê đã ủ hoai mục; dọn sạch cỏ hàng ngày bằng các
nông cụ thông thường như cuốc, xẻng, dao…Kết quả sau 3 năm canh tác sạch, cà
phê moka thu bói với khoảng 200 kg trái tươi/ha. Đến năm thứ 4 trở đi, năng suất
đạt cao hơn, nhưng cũng chỉ ở mức từ 1 -1,5 tấn trái tươi/ha ( đạt tương ứng
200- 300kg hạt nhân/ha), mới bằng 1/10
so với năng suất cà phê catimor và các giống cà phê vối. Ở mặt bằng thị trường
thời điểm đó, giá cà phê moka cao gấp rưỡi so với giá của các giống cà phê
khác, nhưng vì năng suất quá thấp như vậy, nên doanh thu không đáng bao nhiêu–
nếu chưa muốn nói là phải chịu thua lỗ không nhỏ.
Moka “hạt vàng”
Đến năm 2008, ông Minh mua về 20 con chồn Indonesia
nuôi để “tiêu thụ thử nghiệm” cà phê moka Trại Hầm. Mùa moka năm sau đó, chồn
ăn trái chín rồi thải ra vài chục ký hạt nhân, ông mời những người hoạt động sản
xuất, kinh doanh cà phê lâu năm trong nước đến pha chế và ‘nếm” để kiểm tra. Họ
cảm nhận ngay hương thơm cà phê chồn moka Đà Lạt rất khác lạ so với cà phê chồn
ở các vùng nông nghiệp nổi tiếng của Đài Loan, Indonesia, đặc biệt trong đó có
vị chua không đậm, không nhạt mà lại rất thanh thoát, lâng lâng. Từ năm 2012 đến
nay, ông Minh huy động được số vốn hàng chục tỷ đồng để xây dựng và nâng cấp vườn
cà phê moka 2,4ha tại số 135E, Hoàng Hoa Thám, Đà Lạt thành Trang trại Cà phê
chồn Trại Hầm với một quy trình sản xuất sạch và tiêu thụ “giáp vòng”. Trong
đó, Trang tại nuôi thêm đàn ngỗng Hungary hơn 50 con để vừa dọn sạch cỏ vừa bón
thêm phân hữu cơ thải ra cho cà phê moka. “Phó Trang trại”, anh Lê Xuân Nam cho
biết thêm: “ Đàn ngỗng hàng ngày được cho thức ăn lúa, bắp sạch…rồi bao lưới cuốn
chiếu theo từng khu vực để ngỗng ăn thêm cỏ, côn trùng và giẫm đạp cho sạch hết
cỏ dại dưới gốc từng hàng cà phê moka…”
Niên vụ 2013- 2014, đàn chồn mua về từ Đắk Lắk (cộng
với đàn chồn Indonesia trước đó) gần 140 con trong Trang trại cà phê Trại Hầm đã
“tiêu thụ” khá “ngon miệng” hơn 1 tấn trái cà phê moka chín mọng, thải ra khoảng
200 kg hạt nhân, sau đó áp dụng những kỹ thuật ủ tự nhiên từ 3- 6 tháng mới đưa
ra sử dụng. Đem mẫu đi phân tích, kiểm nghiệm bởi các cơ quan khoa học trong nước
đều cho ra kết quả đạt ngưỡng thực phẩm an toàn. Gần 4 tháng đầu năm 2014 đến
nay, với giá 20 triệu đồng/kg, Trang trại đã bán hơn 100kg cà phê chồn moka Trại
Hầm bằng hình thức pha chế tại chỗ và đóng gói giao hàng cho khách du lịch
trong và ngoài nước; còn lại gần 100kg dự kiến sẽ bán hoàn thành đến cuối năm
2014. Trước đó - năm 2013, cũng với giá 20 triệu đồng/kg, Trang trại cũng đã
bán 200kg cà phê chồn thu hoạch được từ niên vụ 2012- 2013. Thành công này của
Trang trại đã được Hội Khoa học và Công nghệ lương thực – thực phẩm Việt Nam cấp
Chứng nhận đạt “Thương hiệu thực phẩm
năm 2013 ”. Được biết đã có nhiều hộ nông dân ở Đà Lạt đến tìm hiểu quy trình sản
xuất cà phê moka sạch đạt năng suất thấp, giá trị cao vừa nêu, Trang trại cà
phê moka Trại Hầm cũng đã nhiệt thành chia sẻ kinh nghiệm. /THÁNG 4/2014