VĂN VIỆT
Khối
nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân cùng với các tổ chức tài chính, hiệp hội trong
và ngoài nước đã hợp tác xây dựng 16 vườn mẫu cà phê “công- tư” ở Lâm Đồng, bước
đầu nâng cao nhận thức và kỹ thuật thực hành về sản xuất cà phê bền vững cho
nông dân.
Lâm Đồng và Đắk Lắk là 2 tỉnh trong cả nước được Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm thí điểm sản xuất cà phê theo mô
hình hợp tác “công- tư” từ đầu năm 2012. Theo đó, Lâm Đồng đi vào triển khai với
nhiệm vụ Điều phối viên được giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Đến nay, qua
các giai đoạn triển khai hơn 2 năm, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã phối hợp
với Trung tâm Nông nghiệp các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc
để xây dựng 16 vườn cà phê mẫu, mỗi vườn có diện tích tối thiểu 0,8ha, tuổi cây
cà phê từ 8- 15 năm tuổi. Người được chọn sản xuất trên vườn cà phê mẫu vừa là
những khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông tích cực ở cơ sở, vừa là hộ
gia đình sản xuất giỏi, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm canh tác cà phê, có nhiều
uy tín trong việc tập hợp nông dân cùng chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê bền
vững. Ngoài ra với vườn mẫu cà phê đưa vào hợp tác “công- tư” phải hội đủ các
điều kiện khác như: đảm bảo nguồn nước tưới và hệ thống mương thoát nước; hàng
năm tỷ lệ dịch bệnh gây hại trên cây cà phê dưới 5%; năng suất đạt từ mức trung
bình trở lên so với các vườn cà phê đối chứng trong cùng khu vực…
Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến
nông kiêm Điều phối viên chương trình hợp tác sản xuất cà phê “công- tư” của
Lâm Đồng cho biết: Trong hơn 2 năm qua, tất cả 16 chủ vườn cà phê mẫu được thường
xuyên tham dự tập huấn kỹ thuật sản xuất và kỹ năng tập hợp nhóm hộ nông dân canh
tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, UTZ … ở địa bàn Đắk Lắk và địa bàn Lâm
Đồng. Riêng với diện tích 16 vườn cà phê hợp tác “công- tư” đều được lấy mẫu đất
và mẫu lá cây cà phê đưa về Na Uy phân tích, từ đó áp dụng chế độ bón phân, bơm
thuốc bảo vệ thực vật thích hợp, hiệu quả trên từng khu vườn. Công ty TNHH Ya
Ra và Công ty TNHH Syngenta của Việt Nam
hỗ trợ phân bón và thuốc trừ sâu trên 16 khu vườn cà phê mẫu này. Bên cạnh đó,
từng khu vườn mẫu đã áp dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán mới; tưới nước tiết kiệm,
sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”…đã giảm xuống đáng kể
ngày công lao động, đồng thời giúp cho vườn cây cà phê tăng thêm sức đề kháng
trước thời tiết thay đổi thất thường.
Đến nay, thông qua 16 chủ vườn cà phê mẫu (16 trưởng
nhóm) đã thu hút được 800 nông hộ ở các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành
phố Bảo Lộc của Lâm Đồng, mỗi hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững từ 0,3-
01ha. Với hàng chục lớp tập huấn được tổ chức, 16 chủ vườn cà phê mẫu đã trực
tiếp tư vấn, hướng dẫn và “cầm tay chỉ việc” cho từng nông hộ triển khai theo
quy trình sản xuất cà phê bền vững hàng tuần, hàng tháng, hàng quý rồi tiến
hành đúc kết kinh nghiệm cho cả một vụ mùa. Trong mỗi giai đoạn này, Điều phối
viên của Lâm Đồng luôn kịp thời tổ chức “giao ban” với 16 trưởng nhóm để giải
quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh, thống nhất đề ra những biện pháp mới hữu
hiệu hơn.
Với những giải pháp chuyển giao kỹ thuật canh tác cà
phê bền vững một cách đồng bộ, đúng kế hoạch, vụ mùa cà phê vườn mẫu hợp tác
“công- tư” năm đầu tiên đạt năng suất cao hơn vườn đối chứng từ 6- 20,7%; con số
này đến vụ mùa năm thứ 2 là từ 4,4 – 38,8%; giá cà phê cả 2 vụ mùa được nông
dân bán ra cao hơn giá bình quân thị trường từ 300 – 400 đồng/kg. Từ cơ sở này,
Điều phối viên của Lâm Đồng đã tổ chức tập hợp 5 nhóm hộ gia đình ( 50 hộ/nhóm)
thành lập 1 HTX Nông nghiệp tại xã Lộc Quảng ( Bảo Lâm). Bước đầu, HTX này đi
vào hoạt động sản xuất, bao tiêu sản phẩm cà phê cho xã viên, đồng thời mở rộng
kinh doanh tổng hợp các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mục tiêu
từ nay đến cuối năm 2014, Lâm Đồng tiếp tục khai trương 1 HTX nông nghiệp mới tại
xã Nam Hà ( Lâm Hà) từ mô hình hợp tác “công- tư” nêu trên./.
THÁNG 4/2014