Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

“Trái cây vàng” ở đất bồi vùng xa

VĂN VIỆT
Tọa lạc ở thung lũng đầu nguồn thủy lợi xã Pró, Đơn Dương, từ giữa tháng 2/2016 đến nay, vườn quýt 5.000m² của nông dân Đinh Trọng Tuệ đua nhau chín rực vàng những chùm trái trĩu cành, hàng ngày thu hoạch hàng trăm ký. Năm nay, dự kiến sản lượng “trái cây vàng” của hộ gia đình anh Tuệ tăng hơn năm ngoái khoảng 30% và tăng hơn năm đầu tiên thu bói ( năm 2013) khoảng hơn 70%, trở thành một nguồn thu nhập vượt trội so với các loại cây trồng khác nơi vùng đất bồi này.

Mỗi cây thu hoạch từ 35- 40kg “trái vàng”
Từ trung tâm xã Pró, Đơn Dương đi hơn ba cây số đường nhựa, rồi rẽ qua gần một cây số đường đất được san gạt bằng phẳng, nên hàng ngày khá thuận tiện cho xe tải vào thu mua trái quýt thu hoạch tại vườn của hộ gia đình anh Đinh Trọng Tuệ để chuyển đi cung cấp đến người tiêu dùng địa phương và người tiêu dùng nhiều nơi trong nước. Tôi đến vườn quýt của anh Tuệ vào giữa tháng chạp năm Ất Mùi 2015 - đang ở giai đoạn bắt đầu chín rộ, nên dự báo sẽ thu hoạch liên tục cho đến thời điểm 5 ngày trước và sau tết. Bên cạnh những chuyến xe tải của khách hàng trực tiếp đến vườn thu mua, anh Tuệ đã trang bị riêng một xe tải để chở từng thùng quýt (loại 20kg/thùng xốp) đến từng chợ xã, chợ huyện trong tỉnh Lâm Đồng phân phối cho quày bán lẻ. Sau mỗi chuyến hàng giao xong, anh Tuệ cùng với những nhân công của mình nhanh tay thu hái những chùm quýt vừa đủ độ chín vàng đều, nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ rơi rụng vì “để quên” chín rục trên cây. “ Tính riêng hơn 2 tuần đầu tháng chạp năm 2015, vườn quýt của hộ gia đình chúng tôi thu hoạch mỗi ngày dao động từ 200- 400kg. Mặc dù đã dựng lên những hàng cây lồ ô chống đỡ hầu hết cành tán, nhưng vì sản lượng năm nay tăng vượt hơn 30% so với năm ngoái, lại chưa kịp thuê đầy đủ nhân công thu hái, nên vẫn còn bỏ sót lên đến cả chục ký trái chín rụng tự nhiên xuống đất, phải bỏ đi…”-Anh Tuệ vừa dẫn đường tôi tham quan vườn quýt vừa nói.
Đi dưới những hàng cây quýt khép tán nối liền với nhau, anh Tuệ  ước tính trung bình mỗi cây năm nay thu hoạch từ 35- 40kg, nhân với tất cả 400 cây trên diện tích 5.000m², thành tổng sản lượng hơn 15 tấn. Quy cách trồng cây cách cây 4m, hàng cách hàng 4m đã chứng tỏ hiệu quả đậu trái khá cao, chất lượng trái được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, thu hoạch đến đâu bán hết nhanh trong ngày đến đó. Theo những đơn đặt hàng mua chốt giá trước 30.000 đồng/kg, mùa quýt Tết Bính Thân năm 2016, anh Đinh Trọng Tuệ sẽ đạt tổng doanh thu khoảng 450 triệu đồng/5.000m². Nếu trừ tất cả mọi chi phí, kể cả công lao động của anh Tuệ thì diện tích 5.000m² trồng thuần cây quýt đạt lãi hơn 300 triệu đồng- mức lãi mà 30 năm qua, chưa có cây trồng nào trên vùng đất bồi đầu nguồn thủy lợi này “chạm” đến.
Mở rộng diện tích, chia sẻ kinh nghiệm
Nằm liền kề thửa đất 5.000m² cây quýt đang thu hoạch nêu trên, nông dân Đinh Trọng Tuệ còn đang mở rộng thêm 5.000m² chăm sóc lứa cây quýt mới 2 năm tuổi, đạt chiều cao hơn một mét, phát tán rộng đến 1,5m. Có 3 giống quýt chính được anh Tuệ tự chiết cành, nhân rộng tại chỗ gồm: quýt đường ( vị ngọt thanh), quýt tiều son (vị chua ngọt) và quýt giấy (vị chua thơm). Nguồn gốc 3 giống quýt này được nông dân thị trấn D’Ran, Đơn Dương “di thực” từ vùng sông nước miền Tây Nam Bộ về thuần hóa hàng chục năm. 
Đến năm 2009, anh Tuệ mới quyết định phá bỏ 5.000m² đất trồng dâu nuôi tằm để chuyển đổi trồng mới đồng loạt 3 giống quýt thuần hóa với tất cả 400 cây chiết cành. “Nhờ hướng dẫn của các nhà nông nhiều kinh nghiệm ở thị trấn D’Ran, Đơn Dương, tôi lên luống, đào hố, rải vôi, bón lót phân chuồng rồi xuống giống cây quýt vào mùa mưa. Trong khoảng đất trống giữa cây cách cây, hàng cách hàng, tôi trồng xen các loại hoa màu ngắn ngày. Sau một năm thì tỷ lệ cây quýt sống đến 90%; còn lại 10% cây chết phải trồng dặm trở lại. Tích cực chăm sóc bước qua năm thứ 4, vườn quýt mới thu hoạch lứa bói, đạt trên dưới 10kg trái/cây… ”- anh Tuệ kể lại.
Thu bói từng ký trái quýt, anh Tuệ gửi đi chào hàng nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, không ngờ người tiêu dùng không ngớt lời tấm tắc khen rằng, đây là giống cây quýt khác biệt, vị và hương khá đặc trưng riêng của đất đầu nguồn thủy lợi vùng xa xã Pró, Đơn Dương. Năm sau đó- năm 2010, anh Tuệ mới thực sự dốc hết tâm sức chuyên canh cây quýt. Đi qua nhiều vùng cây trái chuyên canh ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ, rồi trở về các vườn quýt giống đầu dòng ở thị trấn D’Ran, Đơn Dương, và lên mạng tìm tài liệu, anh Tuệ đã chọn ra một quy trình kỹ thuật canh tác quýt thích hợp nhất trên đất vườn của mình. Cụ thể, về nước tưới, anh Tuệ lắp đặt ở giữa mỗi thân cây định vị mỗi chiếc ống béc để phun nước phủ đều từ tán cây xuống gốc cây; khoảng cách giữa những hàng cây phải đào rãnh thoát nước cho mùa mưa, tránh cây bị ngập úng; chọn các loại thuốc sinh học bơm xịt trong những lúc thời tiết giao mùa để phòng trừ các loại bệnh phổ biến nguy hại như: nhện đỏ, sâu vẽ bùa; trường hợp có cây chết phải chặt hạ, đào bỏ toàn bộ gốc rễ rồi thu gọm đưa ra ngoài vườn tiêu hủy; bón đầy đủ lượng phân chuồng hoai mục để tạo dinh dưỡng an toàn cho cây…
Hiện tại, từ vườn quýt kinh doanh của mình, anh Tuệ đã chiết ghép thành công 300cây giống để chuẩn bị trồng mới trên 3.000m² đất chuyển đổi từ những cây trồng hiệu quả thấp hơn. Những kinh nghiệm thành công bước đầu vườn “trái cây vàng” ở trên đất vùng xa thuộc xã Pró, Đơn Dương, nhà nông Đinh Trọng Tuệ nói sẽ sẵn lòng chia sẻ với tất cả nhà nông khác trong tỉnh Lâm Đồng đến tham khảo, nghiên cứu áp dụng trên diện tích đất sản xuất của mình./.THÁNG 01/2016