VĂN VIỆT
Sau hơn 2 tháng tạm dừng khai thác trắng rừng trồng thông 3 lá, các công ty lâm nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng phải đối diện nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Cụ thể tại công ty lâm nghiệp Bảo Lâm đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, dây chuyền tinh chế gỗ với tổng vốn gần 11,2 tỷ đồng, năng lực chế biến khoảng 6.000 m3/năm, hơn 50 người làm việc với chi phí tiền lương gần 5 tỷ đồng/năm. Trong khi đó hàng năm vẫn phải trích hơn 1,2 tỷ đồng khấu hao máy móc, thiết bị nhà xưởng, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, nguồn thu không đáp ứng.
Tương tự với tổng vốn hơn 30,7 tỷ đồng, công ty lâm nghiệp Di Linh đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, dây chuyền tinh chế gỗ với năng lực đạt khoảng 9.000 m3 /năm. Tuy nhiên hiện năng lực hoạt động chỉ mới đáp ứng được khoảng 50%, nhưng hàng năm phải trích gần 2 tỷ đồng tiền khấu hao máy móc, thiết bị nhà xưởng, nên công ty phải chấm dứt hợp đồng với 20 lao động.
Để tạo điều kiện cho các công ty lâm nghiệp hoạt động hiệu quả quả khi tạm dừng khai thác trắng rừng trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề xuất nhóm giải pháp trước hết xem xét, điều chỉnh đơn giá đặt hàng quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên trong và ngoài lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng thời không trừ vào tỷ lệ 10% kinh phí quản lý. Tiếp theo cần tạm dừng trích khấu hao nhà xưởng, máy móc cho đến khi được phép khai thác rừng trồng trở lại.
Đặc biệt chỉ định cho các công ty lâm nghiệp có nhà xưởng, máy móc thiết bị tinh chế được mua gỗ tận dụng giải phóng mặt bằng từ các công trình xây dựng và nguồn nguyên liệu tỉa thưa nuôi dưỡng rừng tại các ban quản lý rừng trong tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra UBND các huyện, thành có thể ưu tiên đặt hàng cho các công ty lâm nghiệp được ươm cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng, trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn…
THÁNG 4/2022