VĂN VIỆT
Mục tiêu giai đoạn 2022 – 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thực hiện tái canh, ghép cải tạo khoảng 29.365 ha diện tích cà phê kém hiệu quả, trong đó gồm 28.830 ha cà phê vối và 535 ha cà phê chè. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cũng đã tích lũy “nguồn vốn” kinh nghiệm đã triển khai tái canh cà phê từ gần mười năm qua.
Nhiều chính sách hỗ trợ tái canh cà phê
Chương trình tái canh cà phê được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt triển khai trên địa bàn đầu tiên vào giai đoạn năm 2013-2015 hỗ trợ kinh phí mua cây giống với tỷ lệ 70% cho các hộ dân ở vùng đặc biệt khó khăn; 50% cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ này đến giai đoạn năm 2016 – 2019 lần lượt 75%- 80% và 60%. Giai đoạn năm 2020- 2021, chương trình phát triển cà phê bền vững tỉnh Lâm Đồng được hỗ trợ tái canh 5 triệu đồng/ha và ghép cải tạo 1 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó vào năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành chính sách hỗ trợ cho vay tín dụng để tái canh cà phê kỳ hạn 12 tháng với lãi suất không vượt quá 7%/năm. Riêng lãi suất cho vay đối với khoản dư nợ trong thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 7%/năm. Đến năm 2016, Ngân hàng điều chỉnh 2 mức lãi suất là 6,5%/năm và 9%/năm.
Đi vào triển khai tái canh cà phê tính riêng giai đoan năm 2015- 2021, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã kiểm tra, đánh giá phân loại từ 40 – 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây cà phê đảm bảo chất lượng để công bớ rộng rãi cho nông dân lựa chọn. Qua đó xác định 8 cơ sở được công nhận vườn cây cà phê vối đầu dòng, quy mô sản xuất 7,6 ha với tổng số vật liệu khai thác là 1,2 triệu mầm, chồi/năm; 67 cơ sở đã công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống cà phê vối trước khi xuất vườn, năng lực sản xuất 7,51 triệu cây giống/năm. Cộng với trong năm 2018 có 14 cây đầu dòng cà phê chè Typica, Bourbon được công nhận, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu nguồn giống tái canh các giống cà phê chất lượng cao cho nông dân trên địa bàn. Cụ thể các giống cà phê chè sử dụng khoảng 90% giống Catimor; 10% còn lại gồm các giống THA1, TN1, TN2 , Typica, Bourbon, Catuara...
Đặc biệt trong năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã ban hành quy trình tái canh cà phê trên địa bàn. Theo đó, ngành đã hướng dẫn nông dân giải pháp trồng tái canh cần cày bỏ toàn bộ lô cà phê già cỗi, đồng thời phơi đất, bón vôi nâng độ pH, đào hố, xử lý nấm, tuyến trùng, bón phân và trồng ngay trong đầu mùa mưa. Về ghép cải tạo được thực hiện trên cả diện tích cà phê già cỗi và diện tích cà phê năng suất kém, không phụ thuộc vào độ tuổi cây trồng với chồi ghép gồm các dòng giống cà phê cao sản, cho năng suất cao, chất lượng tốt như TR4, TR9, TR11, TS5, Thiện Trường, Hữu Thiên.
5 bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tái canh cà phê năm 2022- 2025
Kết quả giai đoạn 2015-2021, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo được 59.484 ha cà phê. Riêng trong năm 2021, thực hiện tái canh, ghép cải tạo 6.425,9 ha cà phê, trong đó trồng tái canh cà phê vối hơn 2.900ha, tái canh cà phê chè 50 ha và ghép cải tạo cà phê vối 3.475,8 ha. “Phần lớn các diện tích cà phê sau tái canh, cải tạo cho năng suất cao, ổn định trung bình trên 4 tấn/ha, đáng kể có nhiều mô hình năng suất lên đến 7-8 tấn/ha. Các giống cà phê vối sử dụng để tái canh, ghép cải tạo khi thu hoạch hạt nhân có kích thước lớn và đồng đều hơn so với các giống cà phê cũ, trong đó một số giống có chất lượng nước uống thơm ngon đặc trưng như xanh lùn, lá xoài…”, theo nhận định của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.
Cũng theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, kết quả tái canh trồng mới và ghép cải tạo cà phê trong gần mười năm qua có thể tổng hợp thành 5 bài học kinh nghiệm tiếp tục triển khai giai đoạn năm 2022- 2025 trên địa bàn. Thứ nhất, phải tăng cường sự lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể vận động nông dân hàng năm xây dựng và triển khai kế hoạch trồng tái canh, ghép cải tạo cà phê phù hợp trên từng địa bàn.
Thứ hai, có sự phối hợp, hỗ trợ nhịp nhàng giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng trong triển khai thực hiện các chủ trương chính sách, hỗ trợ nhu cầu về vốn vay đầu tư cho trồng tái canh, ghép cải tạo giống cây cà phê. Thứ ba, bình tuyển công nhận các giống cây cà phê đầu dòng cho năng suất, chất lượng cao để cung ứng mầm, chồi, cây giống đáp ứng nhu cầu.
Thứ tư, triển khai các mô hình tái canh bền vững, mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp, mô hình phòng trừ nấm, tuyến trùng để làm điểm tham quan, học tập và tuyên truyền khuyến cáo nông dân áp dụng vào thực tế sản xuất cây cà phê trên địa bàn.
Thứ năm, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức trong quá trình thực hiện trồng tái canh, ghép cải tạo, chuyển đổi sang các giống cà phê có năng suất, chất lượng cao và có khả năng đề kháng dịch hại…
tháng 4/2022