Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Nhiều năm lai tạo giống dâu tây mới

VĂN VIỆT

Sau nhiều năm sử dụng nguồn vật liệu các giống dâu tây nhập nội từ Hàn Quốc và một số giống dâu tây đang được canh tác tại địa bàn Đà Lạt và các vùng phụ cận, 

Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tại Đà Lạt đã tiến hành lai tạo hàng trăm tổ hợp lai, khảo nghiệm, đánh giá chọn lọc các dòng chọn dâu tây có triển vọng nhân rộng trên địa bàn.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa tại Đà Lạt cho biết, chương trình lai tạo, chọn lọc giống dâu tây mới có năng suất cao, chất lượng tốt nhất đã được Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa tại Đà Lạt bắt đầu thực hiện từ năm 2018. Kết quả đến năm 2020, Trung tâm đã chọn tạo tổ hợp các giống dâu tây mới gồm: PS 1.07, PS 7.01, PS 8.07, PS 8.14, PS 17.04 và PS 8.10. Qua khảo nghiệm đánh giá các giống dâu tây mới này có khả năng chống chịu tốt đối với các bệnh phấn trắng và mốc sương, phù hợp với môi trường sinh thái, quy trình canh tác ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng tại Đà Lạt và các vùng phù cận. Cụ thể năng suất giống dâu tây mới sau 3 năm Trung tâm trồng khảo nghiệm, thu hoạch tại các địa bàn Đà Lạt và vùng phụ cận đạt bình quân trên 30 tấn/ha/năm. Trong đó  chiếm phần lớn tỷ lệ thu hoạch trái dâu tây  loại 1 với hình dạng đẹp, độ ngọt đạt từ 10-12%...

Đến đầu năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa tiến hành xây dựng một số mô hình sản xuất giống dâu tây mới trong hệ thống nhà màng của nông dân trên địa bàn Đà Lạt và vùng phụ cận. Theo đó mô hình sử dụng toàn bộ cây giống dâu tây mới cấy mô sạch bệnh do Trung tâm sản xuất theo công nghệ hiện đại. Đánh giá mô hình cho thấy các giống dâu tây mới sinh trưởng tốt, ra hoa, đậu trái từ 75-78 ngày sau trồng. Trong đó có giống dâu tây cho thu hoạch trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, năng suất lên đến hơn 30 tấn/ha. Đặc biệt trái dâu tây thu hoạch có độ cứng khá cao, độ ngọt đạt từ 10-12%, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng ưa chuộng.

Tiếp tục chuyển giao rộng rãi nguồn giống dâu tây mới và quy trình kỹ thuật canh tác cho nông dân, trong tháng 3/2022 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa đã tổ chức buổi Hội thảo đầu bờ có sự tham gia của các chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và nông hộ sản xuất tiêu biểu trên địa bàn Đà Lạt và các vùng phụ cận. Theo đó, Hội thảo đã giới thiệu các đặc điểm sinh học của các giống dâu tây mới và quy trình kỹ thuật mới canh tác theo hướng hữu cơ được ứng dụng trong mô hình tăng năng suất, chất lượng dâu tây như: Kỹ thuật sử dụng ong thiên địch để phòng trừ dịch hại, lắp đặt hệ thống quạt gió, quạt đối lưu để tăng cường khả năng thụ phấn đậu trái dâu tây…

Theo phân tích của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, cụ thể các giống dâu tây mới như PS 1.07, PS 7.01 có thời gian ra hoa khoảng 70- 72 ngày, trái chín từ 28-30 ngày. Mỗi cây thu hoạch từ 30- 35 trái, có vị thơm đậm đà, năng suất đạt từ 25- 30 tấn/ha. Thời gian ra hoa đối với các giống dâu tây mới còn lại khoảng 76- 78 ngày, trái chín từ 30- 32 ngày, năng suất từ 25- 32 tấn/ha. Đặc biệt giống dâu tây PS 8.10 đạt năng suất thu hoạch hơn 32 tấn/ha.   

“Thông qua buổi Hội thảo, nhiều nông dân đã đặt hàng giống dâu tây PS8.10 cho vụ sản xuất sắp tới. Trước nhu cầu mở rộng thêm nhiều diện tích sản xuất các giống dâu tây mới của nông dân Đà Lạt và các vùng phụ cận, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây Rau và Hoa sẽ triển khai thêm mô hình điểm tổ chức Hội thảo đầu bờ chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới cho nông dân”, Tiến sĩ Nguyễn Thế Nhuận thông tin thêm.

tháng 4/2022