Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

Sản xuất hữu cơ - góc nhìn tổng thể

VĂN VIỆT

 Lâm Đồng đang dẫn đầu cả nước về quy mô diện tích ứng dụng công nghệ cao, tạo nền tảng để mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong trước  mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên với góc nhìn tổng thể, nông nghiệp hữu cơ Lâm Đồng hiện đang phát triển khá chậm so với tiềm năng, lợi thế so sánh này.

Vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ

Theo đánh giá Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, với đặc trưng thổ nhưỡng, khí hậu của vùng Nam Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi đạt giá trị và năng suất cao. Đặc biêt qua thời gian 15 năm thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao, nông dân và doanh nghiệp trên địa Lâm Đồng đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiêp tốt GlobalGAP, VietGAP….Kết quả đến nay, nhà nông và nhà doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng và sản xuất hiệu quả các mô hình nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích hơn 213 ha. Qua đó cho thấy người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp ở Lâm Đồng không chỉ tiếp cận và ứng dụng nhanh công nghệ mới mà còn từng bước hình thành thói quen sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc trong sản xuất, luôn quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Ở khâu thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ dự báo có nhiều tiềm năng với thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, thị trường xuất khẩu rộng lớn đang cần được khai thác…

Tính đến hết năm 2021, các đơn vị còn giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ có hiệu lực và cấp mới với quy mô đáng kể như: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam xây dựng Trang trại Bò sữa hữu cơ Đà Lạt theo tiêu chuẩn Châu Âu đầu tiên tại Việt Nam diện tích 137,2 ha với 2.000 con bò sữa, sản lượng 5.200 tấn  tại huyện Đơn Dương và huyện Di Linh; Công ty cổ phần Visimex Sài Gòn với 1.090,4 ha điều hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và USDA hợp tác cho 350 hộ nông dân sản xuất trên địa bàn huyện Đạ Tẻh; Công ty TNHH Univer Farm Đơn Dương với 14 ha rau; 20 ha sản xuất điều tại vườn hộ ông Nguyễn Công Nhương huyện Đạ Tẻh; 10 ha sản xuất lúa tại Tổ Hợp tác lúa thôn Cao Sinh, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên; Trang trại Thiên Sinh tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương  với 10 ha  rau…

Nhưng bên cạnh những thuận lợi cơ bản nêu trên, nếu so sánh với lợi thế hiện có thì diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng vẫn còn quá thấp,  phần lớn sản xuất manh mún và nhỏ lẻ bước đầu với 5 ha ở Công ty TNHH MTV P.M  Quỳnh Lâm Đơn Dương; 2 ha tại Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam-  Chi nhánh tại Đức Trọng; 1,43 ha tại Công ty Tayaco tại Đà Lạt; 1,37 ha sản xuất măng cụt tại vườn hộ ông Nguyễn Xuân Triển tại xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên; 4 ha lúa nếp quýt; 1 ha khổ qua, 1 ha nghệ bọ cạp tại huyện Đạ Tẻh…

Xác định 171 vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ

Đến nay nhìn tổng thể trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với khá nhiều diện tích đất các lọai cây trồng đang canh tác bằng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, nên cần phải có thời gian cải tạo đất mới đủ điều kiện sản xuất hữu cơ. Bên cạnh đó, các quy trình, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng sản xuất chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để nhân rộng, chuyển giao cho nông dân. Trong khi đó, một bộ phận người nông dân chưa muốn chuyển đổi ngay sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường không được cam kết. Thêm vào đó, quy trình sản xuất hữu cơ khắt khe, dẫn đến chi phí sản xuất vẫn còn khá cao.

 

“Hiện thị trường tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ trong nước chủ yếu tập trung tại các siêu thị lớn, chưa được tiếp cận nhiều thị trường sản phẩm hữu cơ các nước trên thế giới, chưa có sự liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ. Về công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa được thực hiện rộng rãi, thị trường đầu ra còn nhiều khó khăn, nhất là khi mở rộng quy mô sản xuất. Chưa kể chi phí chứng nhận sản xuất hữu cơ tương đối cao, hiện chưa có nhiều tổ chức tham gia cấp chứng nhận. Người sản xuất nông nghiệp hữu cơ thường hay bị ép giá bởi sản phẩm khó phân biệt loại nào đạt tiêu chuẩn hữu cơ và loại nào chưa đạt tiêu chuẩn hữu cơ…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.  

Qua khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa xác định  có 171 vùng/khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, tổng quy mô 18.980 ha đất trồng trọt (151 vùng/khu vực) và 119.673 đầu vật nuôi (20 vùng/khu vực). 

Đây là  là cơ sở để xây dựng các kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp đối với từng vùng, từng địa phương và từng loại cây trồng, vật nuôi. Từ đó hỗ trợ đắc lực cho cho công tác chỉ đạo sản xuất, tập trung nguồn lực, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân có nhu cầu đầu tư vào sản xuất hữu cơ, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025./.

tháng 4/2022