Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

Nông nghiệp Lâm Đồng qua 4 giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa

VĂN VIỆT

Qua 4 giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với những giải pháp đột phá, Lâm Đồng trở thành Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, đồng thời xứng tầm là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao trên thị trường Đông Nam Á.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, ngay từ đầu những năm 2000 với chủ trương phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã tạo sức bật khá toàn diện.  Kết quả giai đoạn năm 2001- 2005 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 17%/năm. Trong đó tỷ trọng trồng trọt chiếm 81,6%, dịch vụ 2%. Toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 8.000 ha canh tác đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm, đáng kể một số diện tích doanh thu lên đến 150-180 triệu đồng/ha/năm. Chương trình nông nghiệp công nghệ cao quy hoạch 1.732 ha rau, hoa, dâu tây tại Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng; 4.187 ha vùng chè chất lượng cao tại Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh; 699 ha phân thành 23 lô rau, hoa tại huyện Lạc Dương…Năm 2000 từ 716 trang trại tăng lên 1.978 trang trại vào năm 2005.

Đến giai đoạn năm 2006- 2010, toàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp chính sách huy động mọi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại; nâng cao giá trị gia tăng thông qua phát triển các chuỗi liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu…Tính đến năm 2010, tỷ trọng nông- lâm nghiệp chiếm 48,3%; giá trị sản xuất bình quân đạt 76,2 triệu đồng/ha, tăng gấp 3,7 lần so với năm 2000. Diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt 6.407 ha, chiếm tỷ lệ khoảng 2% tổng diện tích đất nông nghiệp. Công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật ngày càng đi vào chiều sâu, nhiều giải pháp công nghệ mới, hiện đại đã được ứng dụng, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất như công nghệ sinh học, nhà kính, nhà lưới, tưới tiết kiệm nước, quản lý dịch hại tổng hợp…

“Giai đoạn 2011- 2015, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 05- NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở đưa nông nghiệp Lâm Đồng trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Đồng thời toàn tỉnh Lâm Đồng tập trung thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được Nhân dân đồng thuận, hưởng ứng và tích cực tham gia. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên …”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho biết thêm. 

Theo đó đến hết năm 2015, toàn tỉnh Lâm Đồng có 42 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, huyện Đơn Dương đạt huyện nông thôn mới, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao tăng lên 43.084 ha, chiếm 16,5% diện tích canh tác. Công tác chuyển đổi giống và ứng dụng công nghệ cao đã tăng năng suất phần lớn các cây trồng qua các năm với các tỷ lệ bình quân: lúa 3%/năm, cà phê 4,5%/năm, chè 3%/năm; cây ăn quả 10%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích thu hoạch đạt 145 triệu đồng/ha.

Tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt trên 60%

Đáng kể với quan hệ sản xuất thay đổi mạnh mẽ trong giai đoạn 2016- 2020, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng thành lập mới 196 hợp tác xã với doanh thu bình quân trên 3 tỷ đồng/hợp tác xã/năm; 165 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ 16% sản lượng nông sản, trong đó nhiều chuỗi sản phẩm mang tầm khu vực, quốc tế. Đặc biệt với việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 76 sản phẩm được được đánh giá xếp hạng từ 3- 5 sao. Năm 2020 giá trị sản xuất bình quân đạt 185,6 triệu đồng/ha/năm, tăng 28% so với năm 2016. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 60.228 ha, chiếm 20% diện tích canh tác, ước đạt trên 40% giá trị sản xuất toàn ngành.

Có thể thấy qua 4 giai đoạn với hơn 20 năm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đang dần hình thành mô hình một nền nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại trên địa bàn. 

Cụ thể hơn đó là một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh và uy tín trên thị trường, hiệu quả kinh tế cao, hứa hẹn nhiều tiềm năng trong thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, trở thành động lực to lớn và bền vững để xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Và từ đây ngành Nông nghiệp Lâm Đồng làm nền tảng xuất phát mới, tạo sự “chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Qua đó tập trung hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh Lâm Đồng gắn kết vùng chuyên canh, xác định hợp tác xã và doanh nghiệp là tác nhân chính để phát triển chuỗi giá trị theo tiêu chí “doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể, hợp tác xã là trung tâm, nông dân là chủ thể”. Phấn đấu đến 2030 toàn tỉnh Lâm Đồng có ít nhất 300 chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả, trong đó có từ 5 chuỗi trở lên quy mô lớn đại diện cho một số ngành hàng chủ lực; tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt trên 60%...”

tháng 4/2022