VĂN VIỆT Thực hiện
Trao đổi với phóng viên, ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026, đơn vị bầu cử số 8 (gồm các xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Gia Lâm, Nam Hà, Mê Linh, Đông Thanh và thị trấn Nam Ban thuộc huyện Lâm Hà) - ông Nguyễn Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nói rằng,
nếu trúng cử với trách nhiệm của người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững và hiện đại, có cơ sở hạ tầng đáp ứng được như cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từng bước đưa nền nông nghiệp của tỉnh tiếp cận với các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao.
Phóng viên: Là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2016-2021, ông có thể khái quát tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn ?
Ứng cử viên Nguyễn Văn Sơn: Đối với tôi, được làm đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng là niềm vinh dự, thiêng liêng và trách nhiệm cao cả. Vì vậy trong nhiệm kỳ 2016-2021 với vai trò Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đại biểu HĐND tỉnh, tôi luôn làm tròn trách nhiệm đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, của cử tri trên địa bàn tỉnh trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là cử tri huyện Lâm Hà.
Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. So với năm 2015 thì tính đến năm 2020, quy mô nền kinh tế tỉnh Lâm Đồng tăng 1,6 lần, năng suất lao động tăng 1,5 lần, thu nhập bình quân đầu người trên 71 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân chung của cà nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,35%.
Trong đó ngành Nông nghiệp đóng góp trên 40% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Lâm Đồng. Trong 5 năm, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp gấp 1,3 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5%; giá trị sản xuất bình quân đạt 190 triệu đồng/ha/năm (gần gấp 2 lần so với bình quân chung của cả nước và tăng 33,6 triệu đồng). Toàn tỉnh Lâm Đồng có 320 HTX nông nghiệp hoạt động khá ổn định, 10 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; 165 chuỗi liên kết với 200 doanh nghiệp HTX và 17.000 hộ nông dân. Đến nay đã có 101 xã, 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phóng viên: Với vai trò người đứng đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, trải qua thực tiễn công tác của mình, ông đánh giá cụ thể hơn về những thành tựu đạt được và nhìn nhận ra sao về những khó khăn, thách thức đang gặp phải ?
Ứng cử viên Nguyễn Văn Sơn: Năm 1988, tốt nghiệp trường đại học Nông Nghiệp 1 Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội, tôi xung phong vào tỉnh Lâm Đồng công tác. Trải qua 33 năm học tập và làm việc, tôi đã được Đảng và Nhà nước tiếp tục cử đi đào tạo bài bản về trình độ chuyên môn, chính trị, quản lý nhà nước. Cùng với kinh nghiệm thực tế công tác, tôi từng bước đã trưởng thành và trở thành người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng. Từ đó tôi đã có thêm nhiều điều kiện và cơ hội để cống hiến hết mình cho sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Lâm Đồng.
Kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong nhiệm kỳ qua ở Lâm Đồng đã đạt kết quả vượt bậc, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư phát triển, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất tinh thần của hơn 210 ngàn hộ dân nông thôn không ngừng nâng lên, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhiều địa phương khác trong cả nước trân trọng và đánh giá cao.
Bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, hội nhập quốc tế, cuộc cách mạnh khoa học công nghệ 4.0, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng đang đối mặt với không ít những khó khăn thách thức như: đại dịch Covid 19 toàn cầu ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nông sản; biến đổi khí hậu kèm theo thiên tại, hạn hán dịch bệnh trên cây trồng vật nuôingày càng nghiêm trọng. ..
Phóng viên: Nếu trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021- 2026, ông đóng góp như thế vào về sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương?
Ứng cử viên Nguyễn Văn Sơn: Tôi rất vinh dự được Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Lâm Đồng giới thiệu đại diện ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tái ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử số 8 huyện Lâm Hà, một huyện thuần nông, nông dân có truyền thống cần cù và sáng tạo nên đã trở thành vùng trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng. Tôi coi đây là niềm vinh dự lớn lao cũng là trách nhiệm trước cử tri huyện Lâm Hà nói chung và cử tri các xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Gia Lâm, Nam Hà, Mê Linh, Đông Thanh và thị trấn Nam Ban nói riêng.
Nếu tôi trúng cử, tôi sẽ luôn bám sát nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ trên cương vị công tác và nhiệm vụ của người đại biểu hội đồng nhân dân. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thứ nhất, nhiệm vụ đầu tiên tôi xác định là gần gũi, giữ mối liên hệ chặt chẽ với với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; lắng nghe, thường xuyên nắm bắt những tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tiếp thu, phản ánh trung thực, mạnh dạn đề đạt các ý kiến tại các diễn đàn kỳ họp Hội đồng nhân dân về những vấn đề cử tri quan tâm, đề đạt với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết và đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri theo trách nhiệm t của người đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Thứ hai, với trách nhiệm của người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiện đại; đồng thời từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất cho nông dân, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững và hiện đại, có cơ sở hạ tầng đáp ứng được như cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từng bước đưa nền nông nghiệp của tỉnh tiếp cận với các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao.
Cụ thể bố trí sắp xếp lại cây trồng chính có lợi thế và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn chứng nhận trong và ngoài nước, đặc biệt là các quy định SPS của thị trường EU để kịp thời được hưởng các ưu đãi từ các hiệp định dã ký kết.
Phát triển đồng thời chăn nuôi tập trung và chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn sinh học, trong đó chú trọng khuyến khích chăn nuôi tập trung dưới các hình thức trang trại, các dự án đầu tư với quy mô lớn, quy trình sản xuất khép kín và đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, giảm giá thành và kiểm soát tốt dịch bệnh. Tập trung cải thiện chất lượng con giống để tăng nhanh năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Khai thác tối đa diện tích mặt nước để nuôi tròng thủy sản truyền thống đồng thời khuyến khích phát triển nuôi cá nước lạnh tại những nơi phù hợp.
Mở rộng phạm vi, địa bàn ứng dụng các loại hình công nghệ cao có hiệu quả từ thực tiễn, đặc biệt là tại các địa bàn chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ để rút ngắn chênh lệch về trình độ canh tác giữa các vùng, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa tại các vùng sản xuất chuyên canh..
Chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ trong công tác dự tính, dự báo, theo dõi kiểm doát dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên đàn vật nuôi.
Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, khôi phục rừng trên đất bị lấn chiếm thông qua việc huy động sự vào cuộc của toàn xã hội. Thực hiện tốt kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh trên toàn tỉnh và khôi phụ độ che phủ trên hơn 52.000 ha đất lâm nghiệp mà người dân đang canh tác nông nghiệp ổn định bằng cách thực hiện và nhân rộng các mô hình kinh tê nông lâm kết hợp. Triển khai thí điểm đo đạc và cấp sổ xanh đất lâm nghiệp cho nhưng hộ dân đã phục hồi độ che phủ theo quy định (tại 2 huyện Lâm Hà và Đạ Huoai) để khuyến khích người dân trồng cây xanh, cây che bóng trên vườn cây công nghiệp.
Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn vốn xã hội hóa, các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước tại các vùng đang gặp khó khăn về nguồn nước tưới, vùng xa công trình thủy lợi. Ưu tiên đầu tư nâng cấp sửa chữa và xây dựng mới các công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân tại các vùng nông thôn.
Rà soát, nâng cấp sửa chữa các công trình, hệ thống thủy lợi đã xuống cấp hư hỏng có nguy cơ gây mất an toàn. Chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, sử dụng hiệu quả Quỹ Phòng chống thiên tai và các nguồn khác để kịp thời khắc phục các công trình hạ tầng hư hỏng và những thiệt hại của nhân dân sau bão, lũ.
Tiếp tục đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển các HTX và doanh nghiệp để hình thành và phát triển các liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo tiêu chí “doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể là trung tâm, nông dân là chủ thể”. Từ đó, hình thành mạng lưới tiêu thụ hàng hóa nông sản hiệu quả, bền vững.
Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với giảm nghèo bền vững để tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập của người dân nông thôn. Xây dựng hình ảnh nông thôn mới có cảnh quan đẹp, môi trường trong lành, bản sắc văn hóa đặc sắc.
Thứ ba, với trách nhiệm là Tỉnh ủy viên và là ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng , tôi thường xuyên nắm bắt thực trạng tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những băn khoăn, trăn trở, bức xúc của nông dân; những vấn đề bất cập hoặc chưa phù hợp trong khi thực hiện một số cơ chế chính sách để báo cáo với Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo giải quyết; kịp thời phản ánh với cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan hữu quan các cấp khi phát hiện biểu hiện vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích chính đáng của của cử tri.
Phóng viên: Chân thành cảm ơn ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, ứng cử viên đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021- 2026.
THÁNG 5/2021