VĂN VIỆT
Trong vài năm gần đây, Lâm Đồng đã xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực được thị trường Ấn Độ đón nhận và đánh giá tích cực, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư mới để phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai bên.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa, Lâm Đồng là một tỉnh Nam Tây Nguyên Việt Nam với tổng diện tích gần 9.800km2, độ cao so với mặt biển từ 300- 1.500m. Trong đó vùng đất Đà Lạt quanh năm khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng rất thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chế biến các sản phẩm đặc trưng thế mạnh. Xác định nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp đột phá để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng không ngừng đẩy mạnh phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đạt những kết quả vượt bậc với 60.200ha chiếm hơn 20% tổng diện tích canh tác. So sánh chung trong cả nước Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng chè lớn nhất, diện tích trồng cà phê đứng thứ 2, đồng thời là Trung tâm sản xuất rau, hoa ôn đới cung cấp cho thị trường cả nước và thị trường Đông Nam Á.
Về hợp tác thương mại với Ấn Độ tính riêng trong năm 2020 vừa qua, Lâm Đồng đạt giá trị xuất khẩu khoảng 109,5 triệu USD. Trong đó đáng kể gồm các mặt hàng chủ lực trên lĩnh vực nông nghiệp chủ lực như chế bến tằm tơ (51,7 triệu USD), cà phê nhân (2,3 triệu USD)…
“Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, nhưng nhìn toàn diện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ. Bởi vậy hiện vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hơn nữa đầu tư hợp tác, tăng kim ngạch xuất khẩu giữa các doanh nghiệp hai bên…”, Ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.
Theo đó trên lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay có 12 doanh nghiệp được công nhân doanh nghiệp công nghệ cao; 200 doanh nghiệp, hợp tác xã và 17.000 hộ dân tham gia 165 chuỗi liên kết; 62 sản phẩm xếp hạng OCOP cấp tỉnh; 197ha sản xuất nông nghiệp thông minh; 429 tổ chức, cá nhân được cấp Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Đáng kể toàn tỉnh Lâm Đồng với Khu Công nghiệp Lộc Sơn và Khu Công nghiệp Phú Hội đang hoạt động gồm 81 dự án đăng ký tổng vốn đầu tư 103 triệu USD và 4.600 tỷ đồng. Đồng thời Lâm Đồng quy họach 352ha với 10 cụm công nghiệp, thu hút 31 dự án đầu tư tổng vốn đăng ký 2.000 tỷ đồng và gần 20 triệu USD.
“Lâm Đồng có 140 dự án đầu tư vào nông nghiệp với hơn 4.430ha, tổng nguồn vốn đăng ký gần 2.300 tỷ đồng. Hiện tại Lâm Đồng đang khuyến khích đầu tư chế biến các lọai nông sản như trà, cà phê, rau, củ, quả, thức ăn gia súc, rau, củ, quả, sữa, ươm tơ dệt lụa…”, ông Tô Văn Sanh, Quyền Trưởng Phòng Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Lâm Đồng cho biết thêm.
Đánh giá về hợp tác Ấn Độ - Lâm Đồng trong thời gian qua, Ngài Pranay Verna, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam khẳng định từ năm 2019 đến nay hai bên đã đạt những thành tựu đáng kể và mối quan hệ ngày càng phát triển sâu rộng. Hàng hóa ở Lâm Đồng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản đã được xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ khá thuận lợi. Tầm nhìn chiến lược giữa Ấn Đô và Lâm Đồng trong thời gian tới ưu tiên nghiên cứu hợp tác đầu tư hiệu quả hơn nữa về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, chế biến nông sản, nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội tiềm năng dồi dào của Lâm Đồng để thúc đẩy phát triển, hiện đại hóa ngành nông nghiệp của hai bên.
Cùng với nhận định của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam nói trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa chia sẻ: “Là một vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến phát triển nông nghiệp hiệu quả hơn nữa, Lâm Đồng luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Ấn Độ đến tìm kiếm cơ hội hợp tác và giao thương. Từ đó mong muốn rằng, Lâm Đồng sẽ trở thành địa phương cung cấp ngày càng nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm chế biến an toàn, chất lượng cao cho các kênh phân phối ở thị trường Ấn Độ…”./.
THÁNG 5/2021