VĂN VIỆT
Tiếp tục vượt qua những thách thức trong thị trường cạnh trong nước và quốc tế, hoa Đà Lạt nói riêng và hoa Lâm Đồng nói chung với hành trình mới về công nghệ giống mới, kỹ thuật canh tác và bảo quản sau thu hoạch đã, đang và sẽ nâng cao hơn nữa giá trị thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” của mình...
Đột phá chuyển đổi quy trình sản xuất hoa công nghệ cao
Hoa Đà Lạt đã đi qua hành trình chuyển mình mạnh mẽ từ đầu những năm 2000 đến nay- khi những giải pháp chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của tỉnh Lâm Đồng từng bước hiện thực hóa đi vào kết nối giao thương, xây dựng trở thành sản phẩm hàng hóa giá trị kinh tế cao, mang nhiều nét đặc trưng văn hóa của vùng cao nguyên bạt ngàn thông xanh trên độ cao 1.500m so với mặt biển. Nếu như hoa Đà Lạt cuối những năm 90 của thế kỷ 20 trở về trước là giai đoạn khởi động tiếp cận, chuyển giao công nghệ mới thì năm 2000 của thế kỷ 21 trở về sau là giai đoạn nhân rộng đột phá, tăng tốc, xác định vai trò cây trồng chủ lực làm giàu xứng đáng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ tích cực thay đổi tư duy, phương pháp canh tác tiên tiến. Điển hình giai đoạn từ năm 2015 đến nay, diện tích hoa toàn tỉnh Lâm Đồng tăng nhanh từ 7.761ha lên 9.120ha, tương ứng với sản lượng từ hơn 2,4 tỷ cành lên gần 3,6 tỷ cành. Trong đó lần lượt diện tích và sản lượng hoa trên địa bàn thành phố Đà Lạt chiếm hơn 66% và 71%; trên địa bàn huyện Lạc Dương chiếm 11,7% và 14,7%.
Kết quả từ quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hoa Đà Lạt- Lâm Đồng đã phát triển thành những vùng chuyên canh quy mô lớn với gần 60 hợp tác xã, doanh nghiệp, làng hoa sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại. Đáng kể trong đó gồm 16 doanh nghiệp FDI đăng ký tổng vốn đầu tư hơn 92 triệu USD, canh tác 250ha hoa công nghệ cao theo mô hình rồi đánh giá, nhân rộng cho nông dân ứng dụng hiệu quả trên địa bàn. Đặc biệt ghi nhận Công ty Đà Lạt Hasfarm với 100% nguồn vốn từ Hà Lan đã mang theo công nghệ sản xuất giống chất lượng cao, quy trình canh tác kỹ thuật mới từ Vương quốc hoa châu Âu để xây dựng và nâng tầm thương hiệu hoa “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trên thương trường quốc tế. Trên vùng hoa Đà Lạt đạt năng suất, chất lượng và giá trị cao hiện nay có sự vận hành của nhiều dây chuyền, thiết bị máy móc, nhà kính cùng các nguồn vật tự, phân bón, nguyên liệu nhập khẩu từ Vương quốc hoa Hà Lan. Đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng có 5 doanh nghiệp sản xuất hoa các loại được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận doanh nghiệp công nghệ cao với tổng quy mô 266ha gồm: Công ty Dalat Hasfarm, Công ty Langbiang Farm, Công ty Hoa Mặt Trời, Công ty Rừng hoa Đà Lạt và Công ty Trường Hoàng. Đặc biệt cơ quan thẩm quyền tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch hơn 180ha với 3 vùng chuyên canh hoa công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng. Đồng thời công nhận Làng hoa Thái Phiên và Làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt đạt các tiêu chí vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Cơ hội mở rộng thị trường hoa xuất khẩu
Thống kê toàn tỉnh Lâm Đồng đang canh tác hoa các loại ứng dụng công nghệ cao hơn 2.800ha; công nghệ thông minh gần 200ha; 46 cơ sở nuôi cấy mô với công suất gần 40 triệu cây giống hoa mỗi năm. “Thông qua hệ thống cảm biến, người điều hành có được thông tin chính xác nhất về độ ẩm, độ PH, nhiệt độ, dinh dưỡng trong đất để giám sát, điều khiển tưới tiêu, châm phân, lưới cắt nắng, mở mái nhà kính, giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, giúp hoa sinh trưởng tối ưu, đạt năng suất và chất lượng cao…”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá. Theo đó, hoa xuất khẩu đạt tiêu chuẩn chiếm khoảng 10% sản lượng sang các nước Bỉ, Hà Lan, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore…90% sản lượng còn lại tiêu thụ phần lớn các thị trường trong nước gồm TPHCM, khu vực miền Đông, miền Tây Nam Bộ, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội…Kết quả lợi nhuận đã đạt mức đột phá từ các loại hoa công nghệ cao như: Hoa lily (gần 4,3 tỷ đồng/ha/năm); hoa cẩm chướng (1,5 tỷ đồng/ha/năm); hoa cúc (1,3 tỷ đồng/ha/năm)…Các loại hoa công nghệ cao còn lại đạt lợi nhuận trên dưới 500 triệu đồng/ha/năm.
Với tổng diện tích hiện nay khoảng 9.120ha, hoa Lâm Đồng nói chung, hoa Đà Lạt nói riêng được canh tác với các loại chủ lực gồm: hoa cúc (33,8%), hoa hồng (16,2%), hoa lay ơn (12%), hoa cẩm chướng (8,4%), hoa đồng tiền (4%), hoa lily (2,4%), hoa phong lan (1,9%), hoa hồng môn (1,1%), hoa lan khác (2,1%), hoa khác (18,1%). Tất cả phân chia thành hơn 400 loài hoa được xác định nguồn gốc nhập nội từ các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc…đến định canh lâu đời, trở thành sản phẩm kết tinh kỳ diệu từ đất lành Đà Lạt. Và mốc son hoa Đà Lạt được ghi dấu vào năm 2009 khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận Đà Lạt là thành phố Festival Hoa. Từ đây hành trình mới của hoa Đà Lạt được tôn vinh định kỳ 2 năm 1 lần qua Festival hoa Đà Lạt mang tầm quốc tế.
Hành trình mới của ngành hoa Lâm Đồng với hành trang 12 năm công nhận thành phố Festival Hoa Đà Lạt mở ra nhiều cơ hội mới hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là các nước Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản đang tiếp tục khẳng định hiệu quả, giá trị mối quan hệ bền chặt trong những năm qua. Nắm bắt cơ hội mới với những giải pháp mới triển khai kịp thời, phù hợp và đồng bộ từ nhiều phía, ngành hoa Lâm Đồng hy vọng đạt kế hoạch trong năm tới tiết kiệm từ 3- 5% chí phi khâu trung gian tiêu thụ thị trường trong nước, đồng thời tăng lên tỷ lệ 20% sản lượng hoa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các châu lục trên thế giới./.
THÁNG 5/2021