Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Phát triển mắc ca - giải pháp lâu dài

VĂN VIỆT

Qua thực tế canh tác cho thấy, cây mắc ca ở Lâm Đồng sinh trưởng từ năm thứ 7 trở đi mới chính thức mới bước vào thời kỳ kinh doanh, mang lại lợi nhuận cho người sản xuất, nên cần có tầm nhìn chiến lược với những giải pháp lâu dài.

Theo số liệu tổng hợp của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, tính đến giữa tháng 4 năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng đang phát triển tổng diện tích mắc ca hơn 5.160ha, trong đó diện tích kinh doanh gần 1.640ha, tổng sản lượng quả khô ước đạt hơn 2.204 tấn.

Cụ thể diện tích mắc ca trồng xen canh trong vườn cà phê, chè và các loại cây ăn trái khác chiếm nhiều nhất với tổng diện tích gần 5.009ha, còn lại hơn 151ha trồng thuần. Trồng xen và trồng thuần mắc ca với nguồn giống cây ghép lần lượt hơn 3.970ha và 56,5ha; nguồn giống cây thực sinh lần lượt gần 1.040ha và 95ha.

Cũng trong thời điểm khảo sát thị trường Lâm Đồng giữa tháng 4/2021, trên đơn vị 1ha diện tích mắc ca trồng xen canh sau 4 năm trồng mới và kiến thiết cơ bản cộng với 2 năm đầu tư thâm canh khoảng gần 66 triệu đồng, hạch toán trừ tổng chi phí này, người sản xuất mang về lợi nhuận hơn 34 triệu đồng/ha. Tuy nhiên đây là giai đoạn mắc ca thu hoạch “quả bói”, tiếp theo giai đoạn bước vào sản xuất kinh doanh ổn định từ năm thứ 7 trở đi ước đạt lợi nhuận gần 105 triệu đồng/ha.  

Tương tự với diện tích mắc ca trồng thuần ở Lâm Đồng được đầu tư tổng vốn trồng mới, kiến thiết cơ bản trong 4 năm đầu gần 140,5 triệu đồng; năm thứ 5 và năm thứ 6 gần 43 triệu đồng. Trừ ra, người sản xuất đạt lợi nhuận bình quân trong năm thứ 5, thứ 6 hơn 172 triệu đồng/ha/năm. Từ năm thứ 7 trở đi, lợi nhuận này tăng lên hơn 385 triệu đồng/ha/năm.

Từ những kết quả nêu trên, ngành nông nghiệp Lâm Đồng xây dựng chiến lược phát triển cây mắc ca đến năm 2045 hơn 30.155ha, gấp hơn 6 lần so với diện tích mắc ca trong năm 2021. Trong đó trồng phân bổ trên diện tích đất nông nghiệp (hơn 17.508ha), đất lâm nghiệp (gần 7.257ha), đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp (5.390ha).

Theo đó Lâm Đồng phát triển diện tích mắc ca 14.982ha giai đoạn năm 2021- 2030 và 15.173ha tầm nhìn đến năm 2045. Hình thức trồng mắc ca xen canh chiếm phần lớn trong 2 giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn năm 2045 với lần lượt diện tích 13.765ha và 13.368ha. Diện tích mắc ca trồng thuần chiếm ít hơn với 1.216ha và 1.805ha lần lượt ở 2 giai đoạn chiến lược này.

Để đạt mục tiêu chiến lược phát triển mắc ca, ngành nông nghiệp Lâm Đồng nhận định những khó khăn, vướng mắc cần triển khai những nhóm giải pháp dài hạn để khắc phục hiệu quả. Trước hết, ngành nông nghiệp Lâm Đồng chủ động tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể các mô hình sản xuất mắc ca từ các nguồn giống khuyến nông hỗ trợ và từ nguồn giống của người dân tự phát tìm mua trên thị trường, làm cơ sở xây dựng quy trình canh tác đạt năng suất và lợi nhuận cao nhất trên từng vùng nông nghiệp trồng xen canh và trồng thuần để chuyển giao, hướng dẫn nông dân áp dụng phù hợp trên từng điều kiện sinh thái khác nhau.

Đáng kể với cây mắc ca còn có chức năng là cây lâm nghiệp, bởi vậy các cơ quan chuyên trách trong ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần nhanh chóng xây dựng và triển khai kế hoạch trồng mới xen canh trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp trên từng địa bàn, nhằm vừa góp phần tăng độ che phủ của rừng vừa tăng thêm thu nhập ổn định cho người dân.

Về lâu dài, ngành nông nghiệp Lâm Đồng thường xuyên triển khai giải pháp khuyến cao nông dân sử dụng các nguồn giống mắc ca ghép đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; phối hợp với Cục Trồng trọt ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về mật độ trồng xen canh cây mắc ca sinh trưởng tốt nhất trong vườn cây công nghiệp như chè, cà phê trên địa bàn.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp Lâm Đồng chú trọng các giải pháp trọng tâm lâu dài như hướng dẫn các chủ vườn ươm mắc ca hoàn tất thủ tục công nhận vườn giống đầu dòng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, kịp thời cung cấp cho người sản xuất chuyển đổi. Riêng với người sản xuất mắc ca, các đơn vị chuyên trách trong ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiến hành chuyển giao quy trình quản lý vườn trồng, quản lý sâu bệnh hại, quản lý sau thu hoạch…Đồng thời “tiếp tục các hoạt động phối hợp với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức hội thảo tại các vùng trọng điểm trồng mắc ca để cung cấp thông tin cho người dân về chính sách hỗ trợ nguồn giống của nhà nước, quy trình kỹ thuật canh tác; kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mắc ca Lâm Đồng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…  ”

THÁNG 5/2021