Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Giải pháp phát triển cây ăn trái chủ lực ở Lâm Đồng

VĂN VIỆT

Qua kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã đề xuất các giải pháp sản xuất chuyên canh các loại cây ăn trái chủ lực như bơ, cam, sầu riêng, chuối trên các vùng nông nghiệp Lâm Đồng gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia tăng.

Theo đề tài trọng điểm cấp Bộ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2017 - 2021: "Nghiên cứu tuyển chọn giống và hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh chuối, sầu riêng, cam, bơ phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho các tỉnh Tây Nguyên" của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì tổng diện tích sầu riêng Lâm Đồng 5.000 ha (Đạ Huoai 3.000 ha, Di Linh 2.000 ha) ở vùng trồng trọng điểm; 4.650 ha vùng trồng mới tiềm năng Lâm Hà (1.500 ha), Đức Trọng (1.200ha), Bảo Lâm (1.000ha), Đam Rông (450ha), Đạ Tẻh (500ha).

Trong đó giống sầu riêng Dona với tỷ lệ đến 75,3%, đạt năng suất mỗi cây 141kg, nhờ chất lượng thịt quả màu vàng nhạt, mịn, rất ráo; mùi thơm nhẹ, vị ngọt béo, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ở một số thị trường nước ngoài nên phù hợp cho xuất khẩu có giá trị cao cho người sản xuất. Còn lại 24,7% gồm các giống sầu riêng khác chủ yếu phục vụ cho thị trường tiêu thụ nội địa, năng suất từ khoảng 82kg/cây (Khổ qua xanh) đến 120kg/cây ( Chín Hóa) và 125kg/cây (Ri6).

“Phần lớn diện tích sầu riêng trồng tại Lâm Đồng hàng năm thu hoạch kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 - lệch vụ khoảng 1 đến 2 tháng so với các vùng trồng của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ nên giá bán cao hơn, được coi  là những lợi thế quan trọng của địa phương”, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên nhận định.

Cũng theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cây chuối Lâm Đồng ở vùng trồng trọng điểm có tổng diện tích 2.00 ha tại huyện Đam Rông;  vùng trồng mới tiềm năng có tổng diện tích 2.000ha gồm Lâm Hà (1.000 ha), Đức Trọng (500ha), Đơn Dương (500 ha). Kết quả nghiên cứu cho thấy, các giống chuối Nam Mỹ, Laba, Tiêu hồng được trồng tập trung và đầu tư thâm canh, năng suất trung bình khá cao trên 30 tấn/ha ở vùng Tây Nguyên trong thời gian qua. Trong đó giống chuối Laba là giống chuối đặc sản có nguồn gốc từ các vùng nông nghiệp huyện Lâm Hà, huyện Đam Rông của Lâm Đồng có chất lượng thơm ngon, đặc trưng, đã và đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuông...

Ngoài ra Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã xác định vùng trồng trọng điểm cây Lâm Đồng có tổng diện tích là 5.500 ha, gồm Bảo Lâm (3.000 ha) và Lâm Hà (2.500 ha); vùng trồng mới tiềm năng có tổng diện tích là 1.250 ha tại Di Linh. ng trồng trọng điểm cây cam có tổng diện tích 500 ha tại Lâm Hà. Vùng trồng mới tiềm năng cam có tổng diện tích 700 ha gồm, Đức Trọng (200 ha), Đơn Dương (100 ha), Đạ Tẻh (200 ha), Cát Tiên (200 ha).

Từ thực tế sản xuất nói trên, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đề xuất tỉnh Lâm Đồng nên trồng sầu riêng giống Dona chủ lực, trồng xen thêm giống Ri6; tiếp tục nhân rộng trồng giống chuối Laba trên các địa bàn phù hợp. Bên cạnh đó, Lâm Đồng nên trồng giống bơ Hass xuất khẩu ở những vùng nông nghiệp Di Linh; các giống bơ Booth 7, BLĐ 034, TA1, TA40... trồng ở các vùng còn lại trên địa bàn. Riêng các giống cây cam á nhiệt đới V2, Cara đề xuất trồng chuyên canh ở vùng sinh thái như Đơn Dương, Đức Trọng

Để phát triển các loại cây ăn quả chủ lực như sầu riêng, chuối, cam, bơ ở Lâm Đồng được nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng cần tiếp tục bình tuyển, xây dựng các vườn cây giống ăn quả chủ lực đầu dòng, đồng thời nghiên cứu chọn tạo các giống mới đạt chất lượng cao, khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Bên cạnh áp dụng các giải pháp công nghệ mới chăm sóc đạt các tiêu chuẩn VietGAP, Global, hữu cơ…, Lâm Đồng cũng cần biện pháp canh tác rải vụ, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm vừa bảo đảm lợi nhuận trên từng thời điểm thu hoạch khác nhau.

Ở khâu đầu ra với nhu cầu thực tiễn cần xây dựng quy mô liên kết vùng nguyên liệu lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng đồng đều, xây dựng thương hiệu, mã số vùng trồng và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc…Cụ thể như báo cáo nhấn mạnh của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên là: “Tăng cường liên kết  giữa các người trồng với nhau, giữa người trồng và các doanh nghiệp; khuyến khích hình thức sản xuất qua hợp đồng, tăng tính ràng buộc về trách nhiệm và lợi ích của cá nhân tham gia; hỗ trợ thành lập nhóm, hợp tác xã sản xuất, hiệp hội những người trồng cây ăn quả gắn với quy hoạch thị trường tiêu thụ địa chỉ, quy mô sản phẩm cụ thể diện tích, sản lượng, giống, chất lượng sản phẩm phục vụ cho nội tiêu và xuất khẩu…”/.  

*THÁNG 5/2021