BÀI 2/ Hướng đến sản phẩm tơ tằm thuần Việt
VĂN VIỆT
Trên cơ sở những mô hình liên kết “vệ tinh” các tỉnh, thành trong cả nước, nhiều doanh nghiệp ươm tơ, dệt lụa từ Lâm Đồng đã và đang tích cực phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học để chọn tạo các giống tằm lưỡng hệ về trồng dâu, nuôi tằm, nâng cao chuất lượng sản phẩm kén thuần Việt để chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu..
Mở rộng “vệ tinh” liên kết ngoài tỉnh
Thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 870 hộ trồng dâu, nuôi tằm trên diện tích hơn 826ha, đạt tổng sản lượng kén hơn 950 tấn/năm. Trong đó chiếm tỷ lệ phần lớn sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi với Công ty TNHH Tằm tơ Minh Tuyết (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Theo đó, thông qua đầu mối các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn, nông dân các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Long Thành, Định Quán, Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng được Công ty TNHH Tằm tơ Minh Tuyết cung cấp giống tằm, chuyển giao kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm và bao tiêu sản phẩm kén thu hoạch. Trung bình mỗi hộ ở đây nuôi 2 lứa tằm/tháng; mỗi lứa 2 hộp trứng tằm. Nuôi tằm trên nền xi măng, xung quanh quây lưới chắn côn trùng xâm nhập từ bên ngoài; mái nhà lợp bằng lá cây. Năng suất trung bình đạt 45- 55kg kén/hộp trứng tằm. Hạch toán với giá kén tằm 150.000 đồng/kg, nông đạt lợi nhuận lên đến 4,2 triệu đồng/hộp trứng tằm.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 7 hợp tác xã và tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm theo mô hình liên kết chuỗi, trong đó huyện Cẩm Mỹ với 5 tổ hợp tác với 110 hộ thành viên canh tác gần 85ha dâu tằm theo hợp đồng với Công ty TNHH Tằm tơ Minh Tuyết (Bảo Lộc, Lâm Đồng) bao tiêu sản phẩm kén tằm trong một năm vừa qua với giá 90- 150.000 đồng/kg. Ngoài ra Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, Lâm Đồng tổ chức 3 lớp dạy nghề trồng dâu nuôi tằm cho nông dân trên địa bàn.
Ở tỉnh Gia Lai có Công ty cổ phần Tằm tơ Mang Yang phát triển đi lên sau 30 năm từ quy mô Chi nhánh một công ty dâu tằm tơ của tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, công ty này hoạt động liên kết chuỗi ổn định sản xuất 400ha dâu tằm với 446 hộ nông dân tham gia với 3 hình thức thỏa thuận khác nhau. Thứ nhất, công ty đầu tư từ 50- 100% giống tằm, hom dâu; bao tiêu kén tằm với giá cố định từ 1- 3 năm. Thứ hai, công ty cung ứng nguồn giống dâu, giống tằm và bao tiêu kén tằm theo giá thị trường. Thứ ba, công ty đầu tư 100% mua giống tằm, hom dâu, thuốc phòng bệnh trong quá trình sản xuất; đồng thời thu mua toàn bộ sản lượng lá dâu (nếu hộ gia đình không nuôi tằm) và sản lượng kén theo giá thị trường tại tỉnh Lâm Đồng.
Trung tâm Khuyến nông Gia Lai tính toán trên 1ha trồng dâu giống S7 CB hoặc giống VA 201 (do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng chọn tạo) đạt năng suất trung bình mỗi năm 30 tấn, tương ứng với nuôi 63 hộp tằm giống lưỡng hệ TQ06 nhập khẩu từ Trung Quốc. Năng suất kén đạt 50kg/hộp tằm. Giá thị trường ổn định quân bình 130.000 đồng/kg kén trong 3 năm, người nông dân trồng dâu, nuôi tằm theo mô hình liên kết với Công ty cổ phần Tằm tơ Mang Yang đạt lợi nhuận hơn 245 triệu đồng/ha/năm…
Tăng tỷ lệ tơ tằm thuần Việt
Từ kết quả nghiên cứu, chọn tạo của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, các giống dâu mới đưa ra sản xuất đạt năng suất và chất lượng cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu nuôi tằm thu kén cung cấp các nhà máy ươm tơ dệt lụa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh lân cận tiêu thụ trên “thị trường kép” nội địa và xuất khẩu. Tiêu biểu gồm các giống dâu gieo hom đang khẳng định hiệu quả thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu của các vùng sinh thái Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ như: S7-CB, VA- 201, TBL-03, TBL-05…
Bên cạnh đó trên địa bàn huyện Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng đang phát triển 200 cơ sở nuôi tằm con quy mô lớn, chất lượng cao, đạt công suất bình quân 200 hộp trứng/cơ sở/tháng vào mùa mưa và 100 hộp trứng/cơ sở/tháng vào mùa nắng. Sản lượng giống tằm con này góp phần lớn phục vụ nhu cầu sản xuất kén chất lượng cao gắn với chế biến tằm tơ tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung.
“Kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn năm 2012- 2019, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã xây dựng 1ha vườn giống dầu dòng S7-CB tại thành phố Bảo Lộc. Từ đây, Trung tâm đã nhân rộng diện tích vườn sản xuất 29ha ở các xã Đạ Pal, Hà Đông (huyện Đạ Tẻh), Đạ Tồn, thị trấn Madaguôi (huyện Đạ Huoai), mỗi năm đạt tổng công suất gần 19 triệu hom giống, tương ứng với nhu cầu trồng mới 700ha cho cả vùng Tây Nguyên”, Cục Chăn nuôi cho biết.
Riêng địa bàn tỉnh Lâm Đồng được biết đến tháng 6/2020 có khoảng 15.000 hộ nông dân phát triển 8.700ha diện tích trồng dâu nguồn giống nội địa, chiếm 70% diện tích trồng dâu cả nước. Hiện tại Lâm Đồng có tất cả 57 hợp tác xã, tổ hợp tác và 5 làng nghề trồng dâu nuôi tằm.
Trước đó, trong năm 2019, thống kê toàn tỉnh Lâm Đồng sản xuất 8.277ha dâu, tổng sản lượng 160.000 tấn/năm. Từ nguồn nguyên liệu lá dâu chất lượng cao thuần Việt này, nông dân Lâm Đồng đã áp dụng quy trình kỹ thuật mới trong nuôi tằm đạt tổng sản lượng 10.800 tấn kén/năm. Sau đó đưa vào hệ thống các nhà máy chế biến tại Lâm Đồng đạt 1.500 tấn sợi tơ và gần 5,2 triệu mét vuông lụa các loại tiêu thụ nhanh chóng từ thị trường trong nước đến thị trường ngoài nước…/.
THÁNG 12/2020
BÀI 3/ Kỳ vọng 10.000ha dâu tằm Nam Tây Nguyên