Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

Hướng phát triển rừng bền vững ở vùng IV

VĂN VIỆT

Khu vực rừng 11 tỉnh, thành duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thuộc nhiệm vụ quản lý của Chi cục Kiểm lâm vùng IV vừa thông qua mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững 100% diện tích rừng đến năm 2025. Những nhóm giải pháp phối hợp vừa được Chi cục Kiểm lâm vùng IV thống nhất triển khai nhằm sớm hoàn thành từng chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao .

Thống kê tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 11 tỉnh, thành vùng IV (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông) hiện có gần 5,5 triệu ha, trong đó có hơn 4,5 triệu diện tích đất có rừng. Phân bổ gồm rừng tự nhiên (hơn  3,3 triệu ha), rừng rồng (hơn 1,1 triệu ha) và đất lâm nghiệp chưa có rừng (gần 100.000ha). Độ che phủ rừng toàn vùng đạt 48,48%, tăng 0,16% so với cùng kỳ năm 2018.  

Số liệu cập nhật biến động rừng toàn vùng IV đến năm 2020 với gần 113.750ha. Theo đó khai thác rừng trồng (hơn 39.800ha); trồng rừng mới (hơn 29.600ha); diện tích đủ tiêu chí thành rừng (hơn 17.540ha); cháy rừng (hơn 445ha); phá rừng trái pháp luật (hơn 420,5ha); chuyển mục đích sử dụng rừng (gần 133ha); rừng tự nhiên bị phá trước đây, rừng tự nhiên bị phá đã chuyển đổi thành rừng trồng (hơn 25.750ha).

Giai đoạn năm 2016- 2019 trên địa bàn vùng IV, diện tích đất có rừng (chủ yếu rừng trồng) tăng từ 47,38% lên 48,48%. Ngược lại diện tích đất có rừng tự nhiên giảm 40.564ha do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân lấn chiếm, khai thác rừng trái pháp luật. Cơ quan kiểm lâm trong vùng đã phát hiện, xử lý 19.715 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, tịch thu gần 50.187m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 375,7 tỷ đồng.  “Nhìn chung số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp ở vùng IV đã từng bước được kiểm soát và giảm dần theo từng năm. Tuy nhiên tính riêng tổng số vụ vi phạm pháp luật các tỉnh Tây Nguyên chiếm tỷ lệ đến 50  - 60% trong cả nước...”, Chi cục Kiểm lâm vùng IV nhận định. Theo đó các nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật ở vùng Tây Nguyên được xác định là: Phá rừng lấy đất sản xuất của người dân; thiếu trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn kịp thời của các đơn vị chủ rừng; ảnh hưởng của thiên tai hạn hán, bão lũ, nắng nóng; chính quyền và các cơ quan chuyên môn ở một số địa phương phối hợp chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành, xử lý...

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhiệm vụ đặt ra đối với Chi cục Kiểm lâm vùng IV trong 5 năm tới phải bảo vệ và phát triển bền vững 100% diện tích rừng hiện có, phấn đấu giảm 10% số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, 20% diện tích rừng bị thiệt hại so với giai đoạn năm 2016 – 2020, mỗi năm tăng trung bình 0,16% độ che phủ rừng. Cụ thể các chỉ tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn năm 2021- 2025 của vùng IV gồm: trồng rừng tập trung (350.076ha), khoanh nuôi tái sinh (145.000 lượt ha), trồng hơn 108 triệu cây lâm nghiệp phân tán, chăm sóc rừng trồng (378.778ha), khoán bảo vệ rừng (hơn 7,3 triệu lượt ha).

Thực hiện các nhiệm vụ đề ra, Chi cục Kiểm lâm vùng IV cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để hoàn thành rà soát, điều chỉnh cơ cấu 3 loại rừng làm cơ sở tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ. Đồng thời rà soát, phân định lại ranh giới diện tích giao rừng, thuê rừng và đất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác...của các dự án đầu tư, công trình trọng điểm, nhằm phục vụ công tác quản lý, quy hoạch và theo dõi diễn biến rừng hàng năm chính xác, hiệu quả hơn. Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với các dự án sai phạm, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương. Giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh. Đưa ra xét xử công khai một số vụ án điểm về phá rừng và chống người thi hành công vụ, nhằm răn đe và phòng ngừa chung. Tăng cường phối hợp kiểm tra, truy quét, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả đối với các hành vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại các vùng rừng trọng điểm trên địa bàn…

“ Duy trì việc trực, ứng trực 24/24 giờ trong các tháng cao điểm bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Theo dõi, cập nhật, tổng hợp và kịp thời cung cấp thông tin phá rừng, dự báo nguy cơ cháy rừng, các điểm báo cháy rừng đến các chủ rừng, chính quyền địa phương, nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trong vùng…”, Chi cục Kiểm lâm vùng IV nhấn mạnh một trong những nhóm giải pháp trọng tâm triển khai giai đoạn năm 2021- 2025 nói trên./.

 THÁNG 12/2020