VĂN VIỆT
Nông nghiệp công nghệ cao Lâm Đồng giai đoạn năm 2016- 2020 với những thành tựu đáng kể bên cạnh những tồn tại, hạn chế cần những giải pháp khắc phục thiết thực, hiệu quả để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Tăng thêm 33.697ha diện tích nông nghiệp công nghệ cao
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ
thực vật Lâm Đồng, giai đoạn năm 2016- 2020, tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt triển
khai hơn 10 chương trình, đề án trọng tâm về phát triển nông nghiệp theo hướng
toàn diện, bền vững trên địa bàn. Trong đó riêng ngân sách tỉnh Lâm Đồng đã đầu
tư khoảng 108 tỷ đồng hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt giá trị
kinh tế cao hơn. Chưa kể nguồn vốn lồng ghép khá lớn từ các chương trình, dự án
tài trợ, viện trợ, vốn vay trong và ngoài nước đã đầu tư phát triển nông nghiệp
theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư; nâng cấp kết cấu
hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Lâm Đồng…
Cụ thể hàng năm, Lâm Đồng phân bổ từ 4- 5 tỷ đồng các chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các tỷ lệ hỗ trợ: 100% định mức phân tích các chỉ tiêu dinh dưỡng trong đất; đầu tư hệ thống cảm biến thông minh cảnh báo sương muối trên cây cà phê, sâu rầy trên lúa; xây dựng các quy trình sản xuất; tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp nông nghiệp, công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 40% nâng cao năng lực sản xuất giống ở các vườn ươm, xây dựng mô hình…
Đáng kể hàng năm tỉnh Lâm Đồng còn bố trí khoảng 80% kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học về nông nghiệp công nghệ cao. Riêng trong 2 năm 2018- 2019, ngân sách tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ hơn 960 triệu đồng cùng nguồn vốn các doanh nghiệp đối ứng hơn 5,6 tỷ đồng nhập khẩu 70kg hạt và 643.400 cây, ngọn, cành, củ giống rau các loại chất lượng cao từ các nước Hà Lan, Pháp, Nhật Bản…đưa về sản xuất khảo nghiệm và nhân rộng mô hình trên địa bàn.Kết quả từ năm 2012 đến nay, toàn
tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đổi trồng mới các loại giống cây trồng nhập khẩu theo
quy trình công nghệ hiện đại trên tổng diện tích 10.000ha cây ăn quả và 5.000ha
hoa các loại. Qua đó góp phần xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp, phát huy lợi
thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Thống kê đến cuối năm 2020,
tổng diện tích nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng đạt 60.288ha, chiếm 21,7%
tổng diện tích đất canh tác. So sánh với năm 2012, tổng diện tích nông nghiệp công
nghệ cao ở Lâm Đồng tăng thêm 33.697ha, đạt giá trị sản xuất bình quân 400
triệu đồng/ha/năm. Nhiều diện tích ứng dụng đồng bộ công nghệ IoT đạt doanh thu
trên 3 tỷ đồng/ha/năm.
Các giải pháp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng khá đa dạng. Đó là 53 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, hàng năm đạt công suất khoảng 72,3 triệu cây giống gốc, cung cấp cho hơn 200 vườn ươm sản xuất hơn 2 tỷ cây giống thương phẩm. Tiếp theo với 4.342ha nhà kính và 2.458ha nhà lưới sản xuất rau, hoa tập trung trên các địa bàn Đà Lạt, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà. Hơn 178ha hoa, 48ha rau và 10ha chè được gắn hệ thống cảm biến tự động đo nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng của đất…, làm cơ sở cho người sản xuất giám sát và điều khiển các chế độ chăm sóc cây trồng đạt hiệu quả cao nhất hàng ngày. “ Với việc ứng dụng công nghệ điều khiển tự động trong nhà kính, nhà lưới đã giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu đầy đủ, kịp thời trên phần mềm điện tử về diễn biến các yếu tố khí hậu, môi trường và dinh dưỡng của cây trồng. Từ đó người sản xuất vận hành hệ thống tưới tiêu, châm phân phù hợp, tạo môi trường cho cây trồng tăng trưởng tối ưu, đạt năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn… ”, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng nhận định.
Ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ
Tuy nhiên- cũng theo Chi cục Trồng
trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, bên cạnh giúp nông dân chủ động mùa vụ sản
xuất đạt giá trị thu nhập gia tăng, việc phát triển quá nhanh diện tích nhà
kính đã ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, làm tăng diện tích rau, hoa và giảm
diện tích cà phê. Thậm chí nhiều diện tích nhà kính chưa đảm bảo thiết kế, xây
dựng không theo định hướng của địa phương đã góp phần gây ngập úng cục bộ trong
mùa mưa.
Hơn nữa với hơn 90% nguồn giống rau,
hoa phụ thuộc vào nhập khẩu, mua bản quyền và đòi hỏi phải có thời gian phân
tích nguy cơ dịch hại, nên chưa thể đáp ứng đầy đủm kịp thời sản lượng cung cấp
theo nhu cầu thị trường. Cơ sở vật chất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều
thiếu thốn; chưa được đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực; địa hình đồi núi các
khu vực sản xuất thiếu ổn định đường truyền internet, dẫn đến việc ứng dụng
công nghệ IoT còn gặp không ít khó khăn. Ở các vùng sâu, vùng xa, việc triển
khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế do thiếu kinh phí hỗ trợ từ
ngân sách nhà nước. Việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng chưa nhiều vì thiếu
tài sản đảm bảo; nông dân thường thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhưng
chỉ được vay tương ứng mức định giá rất thấp so với giá thị trường. Trong khi
đó, kinh phí đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới, nguồn giống, hệ thống tưới
tiết kiệm, công nghệ sơ chế, chế biến sau thu hoạch…khá cao, nên phần lớn hộ nông
dân chưa thể áp dụng đồng bộ công nghệ cao ở tất các công đoạn sản xuất…
Giải pháp trong thời gian tới, Chi
cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đề xuất sớm ban hành bộ tiêu chí về
sản xuất nông nghiệp thông minh trên địa bàn; tranh thủ từ nhiều nguồn vốn hỗ
trợ nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng hợp tác với các nước
Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc.. để đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chuỗi liên kết với
hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trong nước để tiêu thụ nông sản ổn định, lâu
dài…
tháng 12/2020