VĂN VIỆT
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn trong năm tới, nhằm tạo nền tảng xuất phát mới để phát triển đi lên trên nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội ở địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Lâm Đồng, trong năm 2020, tỉnh Lâm Đồng được bố trí 46 tỷ đồng nguồn
vốn dự phòng ngân sách Trung ương để triển khai 4 dự án ổn định dân di cư tự do
trên địa bàn. Kết quả 3 dự án ước thực hiện 100% kế hoạch vốn đến ngày
31/12/2020 tại các thôn Đan Hà, Thống Nhất, Phương Lâm, Tân Lập, xã Đan Phượng
(huyện Lâm Hà); điểm dân cư Đa Nhim, tiếu khu 97 (huyện Lạc Dương); thôn Đạ
M’Pô, xã Liêng Srônh (huyện Đam Rông), mức đầu tư mỗi dự án từ 6- 10 tỷ đồng. Dự
án còn lại tại tiểu khu 179, khu vực Tây Sơn, xã Liêng Srônh (huyện Đam Rông)
với mức đầu tư 20 tỷ đồng trong năm 2020, hiện chủ đầu tư đang trình thẩm định.
Quy mô 4 dự án này được bố trí vốn triển khai trong nhiều năm, mỗi dự án ổn
định dân di cư tự do từ 200 - 430 hộ dân, tương ứng với tổng mức đầu tư từ 48-
160 tỷ đồng. Riêng còn lại 3 dự án ổn định dân di cư tự do chưa được bổ sung
vốn trong năm 2020 để hoàn thành gồm: Điểm dân cư K’Nớ 5, xã Đưng K’Nớ (huyện
Lạc Dương); xóm Bến Tre, thôn R’Lơm, xã Đạ Đờn và tiểu khu 265, 269, xã Đông
Thanh (huyện Lâm Hà).
Cùng thời gian trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng làm chủ đầu tư xây dựng 2 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại xã Đinh Lạc, xã Tân Châu (huyện Di Linh); xã Đạ Kho, xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh) với nguồn vốn lần lượt hơn 6,7 tỷ đồng và 6,5 tỷ đồng. Cả 2 công trình này dự kiến hoàn thành 100% khối lượng và tiến hành nghiệm thu, bàn giao vào cuối tháng 12/2020.
Cũng trong năm 2020, cơ quan chức
năng cấp huyện được giao làm chủ đầu tư 7 dự án nước sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc
thiểu số trên các địa bàn Di Linh, Bảo Lâm, Đam Rông, Đơn Dương, Lâm Hà, tổng
mức đầu tư hơn 37 tỷ đồng, cấp nước sinh hoạt trực tiếp cho gần 1.400 người. Đến
đầu tháng 12/2020 có 6 dự án đang triển khai thi công và 1 dự án đang đề xuất
chủ trương đầu tư.
Ngoài ra còn có 8 công trình cấp
nước sinh hoạt nông thôn Lâm Đồng hiện đang chọn nhà thầu triển khai thi công gồm:
mở rộng đấu nối hệ thống cấp nước cho 3.500 hộ dân 4 xã Lộc Châu, Đại Lào, Lộc
Nga, Lộc Thanh (Bảo Lộc); 2.400 hộ dân 6 xã Hòa Ninh, Đinh Trang Hòa, Tân
Nghĩa, Đinh Lạc, Liên Đầm, Bảo Thuận (Di Linh); 500 hộ dân xã Quảng Lập, thị
trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương); 900 hộ dân 4 xã Mỹ Đức, Hà Đông, Triệu Hải, Quốc Oai
(Đạ Tẻh); 490 hộ dân 3 xã Tân Hà, Hoài Đức, Đan Phượng (Lâm Hà), mức đầu tư công
trình ở mỗi huyện từ 6,4 tỷ đồng đến gần 26,5 tỷ đồng.
Đáng kể qua kết quả rà soát mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã đề xuất sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới 105 dự án cấp nước sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn năm 2021- 2025, tổng kinh phí gần 607 tỷ đồng, cấp nước sinh hoạt cho gần 21.000 hộ dân.
Giải pháp trước mắt trong năm 2021, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải
ngân xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn nói chung, vùng đồng
bảo dân tộc thiểu số nói riêng. Về phía UBND cấp huyện cần tăng cường công tác
quản lý, vận hành các công trình cấp nước đang hoạt động, đảm bảo cung cấp nước
sạch thường xuyên phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân, góp phần phát triển
kinh tế- xã hội ở địa phương. Đối với các dự án ổn định dân di cư tự do đã bố
trí vốn, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tích cực đôn đốc đẩy nhanh tiến độ
thi công hoàn thành.
“Đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư bố trí, sắp xếp lại dân di cư tự do và huy động các nguồn vốn để triển khai ở những vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường rừng phòng hộ đầu nguồn… ”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh kế hoạch trọng tâm xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trong năm tới./.
tháng 12/2020