Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

Thúc đẩy mô hình 4.0


VĂN VIỆT
Mô hình nông nghiệp 4.0 ở Đà Lạt đang ứng dụng trong nhiều công đoạn sản xuất gia tăng hiệu quả kinh tế, đặt ra đối với cơ quan chuyên trách cần tiếp tục phối hợp triển khai các nhóm giải pháp thúc đẩy nhân rộng từng mô hình trên địa bàn.

Tính riêng trong 5 năm qua, chính quyền thành phố Đà Lạt đã tổ chức hơn 50 dự án, đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí khoảng 16,5 tỷ đồng. Qua đó đã chuyển giao quy trình khép kín từ khâu chọn giống gieo trồng đến khâu canh tác, thu hoạch và kiểm soát sản phẩm…theo hướng công nghệ 4.0. Bước đầu đã xuất nhiều mô hình tiêu biểu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao chất lượng nông sản Đà Lạt trên thị trường trong nước và xuất khẩu.  
Theo nhận định chung, hầu hết các mô hình nông nghiệp thông minh tại Đà Lạt đang sử dụng hệ thống cảm biến kết nối vạn vật, công nghệ đèn LED, công nghệ thủy canh, hệ thống tưới tự động…trong nhà kính, nhà lưới để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng của cây trồng. Như Công ty TNHH Đà Lạt GAP, HTX Thủy canh Việt, Trang trại Langbiang Farm…đã áp dụng hệ thống phần mềm cảm biến để xác định nhiệt độ, độ ẩm, khả năng cây trồng phát triển…Và thông qua thiết bị computer, smartphone kết nối internet, người sản xuất kịp thời cân đối lượng nước tưới, phân bón phù hợp để tăng năng suất và chất lượng nông sản thu hoạch...
“Khi áp dụng hệ thống cảm biến kết nối vạn vật đã giúp người sản xuất giảm đáng kể chi phí nhân công, giảm tiêu thụ điện năng, giảm lượng nước tưới từ 30 – 50% so với giải pháp tưới truyền thống, hạn chế thất thoát phân bón. Đồng thời góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường bền vững…”, báo cáo của  UBND thành phố Đà Lạt phân tích.
Tuy nhiên cũng theo UBND thành phố Đà Lạt, nhiều mô hình nông nghiệp thông minh trên địa bàn hiện chỉ mới thực hiện một số công đoạn trong cả quá trình sản xuất, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển, hình thức hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự chặt chẽ…
Bởi vậy, UBND thành phố Đà Lạt đã thông qua 5 nhóm giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh trong thời gian tới. Đó là xác định các loại nông sản chủ lực để đầu tư phát triển; xây dựng mô hình quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; bố trí nguồn vốn chuyển giao công nghệ; đào tạo kiến thức về công nghệ thông tin; phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến nông sản theo quy hoạch gắn với nhu cầu của thị trường cạnh tranh…
THÁNG 10/2019