Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

“Đã nghe gió ngày mai thổi lại”


Bài 2, “Dân có ruộng dập dìu hợp tác”
VĂN VIỆT
Trên cơ sở Nghị quyết 13- NQ/TW, Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, ngày 18/3/2002 về “hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp”, “thực hiện rộng rãi việc ký kết hợp đồng trực tiếp giữa doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm với nông dân qua các hợp tác xã”,  Lâm Đồng đã ban hành các chính sách xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ nông sản, tạo môi trường thuận lợi cho “dân có ruộng dập dìu hợp tác” (lời thơ Tố Hữu) thiết thực, hiệu quả giữa nông hộ với HTX, HTX với HTX và HTX với doanh nghiệp. 
 
Hợp tác từ “vườn phố” trồng rau VietGAP
Một ngày giữa tháng 10/2019, anh Phạm Ngọc Thạch (sinh năm 1978), Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Sunfood Đà Lạt có buổi tiếp chuyện với phóng viên sau khi tham dự diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã từ Hà Nội trở về. Đây là diễn đàn toàn quốc do Bộ Kế hoạch Đầu tư và Liên minh HTX Việt Nam phối hợp tổ chức, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì. HTX Sunfood Đà Lạt đại diện cho hàng trăm HTX của tỉnh Lâm Đồng được đăng đàn giới thiệu tiềm năng, cơ hội và chiến lược phát triển chuỗi liên kết sản xuất các loại nông sản đặc trưng của vùng khí hậu ôn hòa Đà Lạt. “Diễn đàn đã ghi nhận và đánh giá tích cực về HTX SunFood Đà Lạt chúng tôi, đặc biệt ở kết quả phát triển chuỗi giá trị liên kết sản phẩm nông nghiệp với phương châm “chất lượng- giá cả- dịch vụ- từ tâm”, cung cấp những sản phẩm rau tuyệt đối an toàn cho bữa ăn của mọi nhà….”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phạm Ngọc Thạch cho biết.
Theo đó, HTX Sunfood Đà Lạt sau 2 năm thành lập đã có bước phát triển đột phá về liên kết sản xuất đầu vào các loại rau VietGAP Đà Lạt từ 8 nông hộ với 2ha tăng lên 80 nông hộ với 30ha. Ở thị trường đầu ra với xuất phát từ một điểm bán lẻ mỗi ngày ở quận Bình Thạnh, thành phố HCM trên dưới 200kg rau VietGAP Đà Lạt đã tăng lên 5 tấn với 8 siêu thị, 4 công ty, 131 cửa hàng hoạt động phân phối đến người tiêu dùng tại 25 tỉnh, thành trong cả nước. Quy trình hoạt động của HTX Sunfood Đà Lạt khép kín đầu vào - đầu ra ổn định và liên tục phát triển. Trong đó người sản xuất liên kết được HTX Sunfood cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, thực hành kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch, tập trung khu vực sơ chế đóng gói, vận chuyển đến hệ thống cửa hàng, siêu thị để giao hàng rau tươi trực tiếp đến người tiêu dùng. 
Cụ thể năm 2019, HTX Sunfood Đà Lạt ký hợp đồng gần 50 nông hộ sản xuất liên kết với cơ chế giá “chốt” trước trong mùa nắng (từ tháng 12 đến hết tháng 5) và mùa mưa (từ tháng 6 đến hết tháng 11), đảm bảo thu nhập của chủ thể thành viên HTX bình quân khoảng 200 triệu đồng/1.000m2/tháng. Ở khu vực đầu ra, HTX Sunfood ràng buộc theo từng nội dung hợp đồng hàng năm tiêu thụ khối lượng rau VietGAP tương ứng với mức giá ổn định. Như hợp đồng liên kết giữa HTX Sunfood Đà Lạt, Lâm Đồng (Bên B) với HTX Tân Phú Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp (Bên A) đã thể hiện: “Bên B cung cấp sản phẩm cho bên A gồm rau, củ, quả an toàn được sản xuất tại Đà Lạt, Lâm Đồng đúng chất lượng đạt chuẩn VietGAP, bình ổn giá 1 năm cho người tiêu dùng”. Hoặc một phụ lục hợp đồng giữa HTX Sunfood với Công ty cổ phần bán lẻ HOFAMART đã thỏa thuận một giá mức thu mua không thay đổi cả năm đối với hơn 40 mặt hàng rau, củ, quả Đà Lạt. Đặc biệt với Công ty TNHH MTV Ngọc Khánh Vinh, Đà Nẵng hàng ngày tiếp nhận hàng rau HTX Sunfood Đà Lạt từ 2- 3 tấn bán lẻ, sỉ tại chỗ kết hợp với vận chuyển phân phối trực tiếp đến từng chuỗi nhà hàng, khách sạn, trường học, resort trên địa bàn…
“Mô hình HTX Sunfood Đà Lạt được thành lập vào cuối năm 2017 với sản phẩm chiến lược là nhóm rau thủy canh, rau trồng trên giá thể, nhóm hàng đặc sản, nhóm trái cây và hoa Đà Lạt. HTX cung cấp cây giống, phân bón, quy trình sản xuất khép kín cho bà con thành viên và các hộ nông dân liên kết trên địa bàn. HTX được cấp thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, cung ứng ra thị trường 120 sản phẩm các loại rau đạt chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, được bảo hiểm cho người tiêu dùng…”, Tỉnh ủy Lâm Đồng đánh giá.
Đến hợp tác đa dạng cây trồng ở “ruộng quê”
Nếu như 2 năm qua, hàng chục nông hộ “dập dìu hợp tác” liên kết sản xuất với HTX Sunfood Đà Lạt có cơ hội phát huy vai trò chủ thể được quyền bố trí lực lượng lao động, tự quyết định lựa chọn nguồn giống rau sản xuất phù hợp, đạt giá trị kinh tế cao nhất trên diện tích đất của mình thì những mô hình liên kết thành công từ 15 năm trở lại đây như: HTX Anh Đào, Đà Lạt (gần 100 nông hộ, 270ha, sản lượng 40.000 tấn rau/năm, phần lớn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương), HTX Xuân Hương (liên kết 25 hộ thành viên, sản xuất gần 10ha rau VietGAP, cung ứng thị trường khoảng 600 tấn rau/năm); HTX Tân Tiến (15 nông hộ, 30ha, 1.800 tấn rau/năm ở vùng Thái Phiên), HTX Tiến Huy (20 nông hộ vùng rau Đức Trọng, liên kết sản xuất 20 ha, sản lượng 3- 4 tấn rau/ngày) …đã đúc kết những kinh nghiệm quý báu “liên kết tốt nhất của HTX là sản xuất khép kín, nắm bắt nhanh nhạy cơ hội khai thác thị trường thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và phải tuyệt đối tuân thủ hợp đồng. Ngoài ra còn quan tâm đào tạo cán bộ trẻ của HTX năng động, nhiệt tình…” như Giám đốc HTX Anh Đào Nguyễn Công Thừa chia sẻ.
Phóng viên đã đến vùng nông nghiệp thuộc các xã Liên Hiệp, N’Thol Hạ (Đức Trọng), Nam Ban (Lâm Hà), Đạ Ròn (Đơn Dương) và ghi nhận cả trăm nông hộ “dập dìu hợp tác” sản xuất cây dược liệu gắn với chế biến và tiêu thụ với doanh nghiệp Minh Quân, một đơn vị kinh tế tập thể “nâng cấp” quy mô từ Tổ Hợp tác ở xã N’Thol Hạ. Đó là các loại cây dược liệu đan sâm, đinh lăng, khương hoạt, đương quy, xuyên khung, cát cánh, sâm đại hành, sâm bố chính… mở rộng diện tích đến trăm hécta liên kết từ địa bàn Lâm Đồng  sang các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, xuống Đồng Nai, Bình Phước- tất cả sản lượng sau khi thu hoạch xong đều tập kết về doanh nghiệp Minh Quân sơ chế, chế biến, vận chuyển đến hai khu vực thị trường lớn trong nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh theo hợp đồng bao tiêu lâu dài. Bà Huỳnh Thị Lệ Ảnh, một trong những nông hộ ở Lâm Đồng chuyển đổi trồng cây dược liệu đương quy trên diện tích 1ha thu hoạch ở xã Liên Hiệp ước tính khoản lãi “đầu tay” sau một năm canh tác khoảng 1 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần thu nhập từ cây cà phê già cỗi trước đó.
Chủ nhân đơn vị kinh tế tập thể Minh Quân, lương y Nguyễn Minh Tiến tâm sự: “ Là một cựu chiến binh hưu trí làm kinh tế, tôi đã tham gia hoàn thành các khoa học chuyên ngành y dược, đông y tại các trường đại học trong nước, trở về huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng được cấp phép mở phòng mạch, kê đơn bốc thuốc chữa trị các loại bệnh nan y cho người dân trong vùng. Rồi tôi  liên hệ với đồng đội cũ để khai thác một thị trường tiêu thụ cây dược liệu sơ chế và chế biến rộng lớn từ các đối tác trong nước, quyết định thành lập tổ hợp tác   hơn mười năm trước rồi mở rộng quy mô thành doanh nghiệp liên kết trong 2 năm vừa qua. Kế hoạch trong năm 2020, doanh nghiệp chúng tôi dự kiến liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm dược liệu thêm khoảng 100ha nữa…”
Tâm sự của Lương y Nguyễn Minh Tiến cho thấy triển vọng một vùng dược liệu liên kết từ tỉnh Lâm Đồng qua các tỉnh lân cận đang tiếp tục mở ra những cánh đồng lớn hơn nữa cho hôm nay và cho cả ngày mai, cơ hội làm giàu của người nông dân chủ thể “có ruộng dập dìu hợp tác” có thêm những bước đột phá mới…
THÁNG 10/2019