Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

“Đã nghe gió ngày mai thổi lại”



VĂN VIỆT
Cùng với cả nước hơn 15 năm thực hiện Nghị Quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), các tổ chức KTTT tỉnh Lâm Đồng đã và đang phát huy hiệu quả vượt bậc của từng bên chủ thể tham gia. Từ nền tảng thực tiễn sinh động, hy vọng KTTT tỉnh Lâm Đồng sẽ khởi sắc đi lên khi tiếp tục đón nhận những làn “gió ngày mai thổi lại” (lời thơ Tố Hữu trong bài “Ba mươi năm đời ta có Đảng”).
Bài 1, Khi thành viên được “sở hữu kép”

Nghị Quyết 13-NQ/TW nhấn mạnh kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể. Đồng thời khuyến khích thành viên đóng góp tăng nguồn vốn hoạt động cho HTX. Cụ thể hóa Nghị Quyết 13-NQ/TW vào đời sống, tỉnh Lâm Đồng đã “phổ cập” nhận thức về quyền “sở hữu kép” của thành viên được bảo đảm xác lập và quyền chủ động lựa chọn sản phẩm gắn kết sản xuất, kinh doanh ổn định lâu dài với tổ chức HTX của mình.  
Xóa mặc cảm, hoài nghi với mô hình HTX kiểu cũ
Trong tháng 9/2019, phóng viên về xã vùng xa Pró thuộc huyện Đơn Dương tìm hiểu quy trình sản xuất liên kết giữa HTX và các hộ thành viên nơi đây. Qua trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Pró, anh Trần Thiện Tiến cho biết đang triển khai lần thứ hai chuyển đổi trồng mới giống cây bí nụ Nhật theo mô hình liên kết giữa HTX Pró với 20 nông hộ thành viên ở địa phương, tổng kinh phí 200 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình phát triển chuỗi liên kết của ngân sách tỉnh Lâm Đồng. Trước đó triển khai lần thứ nhất vào cùng kỳ năm ngoái, UBND xã Pró đã chọn 10 hộ thành viên liên kết trồng giống bí non với HTX Sơn Uyên ở thôn Pró Kinh Tế. Kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng cũng từ nguồn của ngân sách tỉnh Lâm Đồng đưa về địa phương thực hiện. Qua 4 tháng áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP, toàn bộ sản phẩm bí non thu hoạch của nông hộ thành viên đều được HTX Sơn Uyên bao tiêu, đạt lợi nhuận tăng thêm khoảng 5 triệu đồng/1.000m2
“Kết quả này đáng kể trước hết ở công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên và liên tục của chính quyền và cả hệ thống chính trị của địa phương. Trên cơ sở những nội dung thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị Quyết 13-NQ/TW của các cơ quan Trung ương, tỉnh Lâm Đồng và huyện Đơn Dương, cấp ủy xã Pró thông qua Nghị quyết chuyên đề phát triển sản xuất liên kết theo mô hình HTX kiểu mới phù hợp với tình hình đặc điểm địa phương. Tiếp theo, UBND xã Pró ban hành chương trình hành động tổ chức thực hiện Nghị quyết cấp ủy cùng cấp. Mặt trận và các tổ chức thành viên mặt trận xã Pró xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền lồng ghép nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến từng hộ dân trên địa bàn…”, Phó Chủ tịch UBND xã Pró Trần Thiện Tiến cho biết.
Sau đó, “những nông hộ chúng tôi trước khi tham gia liên kết sản xuất đã được các ban, ngành chuyên trách, cơ quan, đoàn thể của huyện Đơn Dương, của xã Pró xuống khu dân cư tổ chức phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về mô hình HTX kiểu mới. Qua đó đã nhận biết rõ ràng về quyền lợi bình đẳng, tự nguyện thỏa thuận, hài hòa lợi ích của thành viên với lợi ích của HTX. Đặc biệt hộ thành viên được quy định là một đơn vị kinh tế tự chủ, tự điều hành lao động, tự quyết định bố trí sản xuất cây trồng thích hợp, đồng thời được hưởng toàn bộ lợi nhuận nông sản thu hoạch trên diện tích đất sản xuất liên kết và trên tỷ lệ vốn góp trong HTX…”, anh Quách Đại, chủ nông hộ liên kết sản xuất 5.000m2 bí non nhà kính với HTX Sơn Uyên bày tỏ.
Thực tế từ đó, hộ thành viên Quách Đại cũng như tất cả những hộ thành viên tham gia ký kết liên kết với HTX kiểu mới Sơn Uyên ở xã Pró đều chia sẻ với phóng viên rằng, bây giờ họ đã xóa bỏ hoàn toàn tâm lý mặc cảm, hoài nghi với mô hình HTX kiểu cũ - mô hình khiến xã viên bị tách khỏi tư liệu sản xuất, phụ thuộc hoàn toàn vào HTX, trở thành người lao động làm theo công điểm phân phối, thụ động…
Đưa nông dân đi “du học” mô hình kinh tế hợp tác
Nhiều năm trước, phóng viên được tiếp cận lần lượt những khu vườn cà chua cao cấp hàng chục ngàn mét vuông nhà kính ở vùng nông nghiệp Liên Nghĩa, Đức Trọng do nông dân Nguyễn Hồng Phong (sinh năm 1967) đã “Việt hóa” công nghệ sản xuất từ Úc, Canada sau thời gian “du học” nơi này. Đối chứng với canh tác cà chua truyền thống ngoài trời thì cà chua “Việt hóa” canh tác trong nhà kính tăng năng suất hơn 10% và giá bán cao gấp 5 lần. Sau đó, nông dân Nguyễn Hồng Phong đã chủ động liên hệ vận động, hướng dẫn 6 nông hộ quanh vùng Liên Nghĩa, Đức Trọng tham gia liên kết sản xuất tổng cộng 30.000m2 cà chua theo quy trình chuyển giao kỹ thuật “Việt hóa” của mình và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà chua thu hoạch của họ.
Đến những năm sau này khi đã trở thành từ chủ trang trại đến chủ doanh nghiệp, nông dân Nguyễn Hồng Phong được tiếp tục tham gia “du học” sang Nhật và các nước trong khu vực Đông Nam Á về bổ sung kỹ thuật canh tác, xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết trên những vùng nông nghiệp sản xuất liên kết ở Đà Lạt và các vùng phụ cận. Nhờ vậy, tính đến tháng 10/2019, nông dân Nguyễn Hồng Phong đã xây dựng vùng nguyên liệu rau các loại VietGAP trong khu vực phía Bắc tỉnh Lâm Đồng gồm 140ha, trong đó 60ha liên kết ổn định lâu dài với 40 nông hộ, đạt doanh thu sản xuất bình quân 800 triệu đồng/ha/năm.  Mỗi năm Doanh nghiệp Phong Thúy của Nguyễn Hồng Phong cung ứng cho thị trường trong nước khoảng 14.000 tấn rau chất lượng cao, doanh thu 140 tỷ đồng. Thành tích khen thưởng cao nhất của nông dân Nguyễn Hồng Phong là được Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký Quyết định tặng Huân chương Lao động Hạng Ba vào ngày 02/6/2016.
Nông dân “kiêm” doanh nhân Nguyễn Hồng Phong kể chuyện với phóng viên: “ Khi 23 tuổi với số vốn khoảng 4 chỉ vàng, tôi bắt đầu cải tạo 4.000m2 diện tích đất của Nhà nước cấp để trồng cà phê xen canh bắp, rau, đậu ở vùng kinh tế mới thôn K’Nai, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Đến năm 28 tuổi, tôi chọn cây rau làm cây chủ lực và chính thức xây dựng vườn ươm 3.000m2 chủ động sản xuất giống rau tại chỗ và cung cấp theo nhu cầu của nông dân trong huyện Đức Trọng. Những năm 2000 trở đi được chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, đi đào tạo, tập huấn nước ngoài, xúc tiến thương mại…, tôi mở rộng quy mô sản xuất trang trại rồi phát triển đến tổ hợp tác, doanh nghiệp liên kết với nông hộ quy mô lớn đến ngày nay…”
Vừa kể chuyện với phóng viên vừa điều hành Trung tâm Sau thu hoạch với công suất sơ chế, phân loại bình quân 20- 30 tấn/ngày, chủ nhân một trong gần 130 chuỗi liên kết điển hình ở Lâm Đồng, anh Nguyễn Hồng Phong đã cho thấy mô hình sản xuất, kinh doanh của mình nói riêng, của tập thể nông hộ liên kết nói chung “đã thay đổi nhiều”, nhất là từ khi thể chế hóa, cụ thể hóa đưa vào đời sống chính sách “ chủ động xây dựng, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cám bộ quản lý và nghiệp vụ cho khu vực kinh tể tập thể… ” theo Nghị Quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX./.
Bài 2, “Dân có ruộng dập dìu hợp tác”
THÁNG 10/2019