VĂN VIỆT
Trong
một năm vừa qua, chủ vườn đào thất thốn ở Hiệp An, Đức Trọng bất ngờ phát hiện
màu hoa trắng đột biến bung nở, nhiều khách hàng đặt mua giá cao vượt trội. Dự
kiến Festival Hoa Đà Lạt cuối năm 2019, hoa đào trắng ở đây được "trình
làng" phục vụ nhu cầu thưởng lãm mới lạ của khách địa phương và khách du
lịch.
Kết thúc tháng 9/2019, vườn hoa đào 6.000m2
của chủ nhân 8X Trần Văn Toàn ở thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, Đức Trọng đã khoanh
nuôi 20 cây đào thất thốn hoa trắng cánh đơn và cánh kép được phát hiện cùng
thời điểm này năm 2018. Trong đó có 1 cây đào thất thốn hoa trắng cánh đơn được
một khách hàng từ phương Nam ra giá mua 50 triệu đồng, nhưng chủ nhân vẫn chưa
bán vì muốn giữ lại để triển lãm dịp Festival Hoa Đà Lạt sắp tới. Phóng viên
được tiếp xúc cận cảnh với cây đào hoa trắng 50 triệu đồng và ghi nhận chiều
cao hơn 1m, tỏa tán rộng 90cm, gồm 15 cành lớn nhỏ, đường kính gốc 30cm. Trên
cành đang bung nở khoảng 3 đóa hoa trắng như tuyết, nhị hoa tua tủa, đính trên
đầu những bao phấn hoa màu vàng rực, li ti như hạt tấm. Chủ nhân Trần Văn Toàn
cho biết: “ Đến nay, trong 20 cây hoa đào thất thốn trắng phát hiện một năm qua
thì có 5 cây trổ nhiều búp hoa trên cành, có thể chăm sóc thành cây thương phẩm
từ năm 2020 trở đi. Còn lại 15 cây tiếp tục thâm canh thêm vài năm nữa. Trước
mắt 5 cây ra hoa trắng bố trí riêng một khu vực, chỉ theo dõi mỗi cây bung nở vài búp nụ, còn lại
phải ngắt bỏ hết để tập trung dinh dưỡng nuôi thân, cành đủ sức bung nở đồng
loạt hoa vào dịp Tết năm 2020…”
Thực tế giống đào thất thốn chính thức được
gia đình anh Trần Văn Toàn đưa từ các tỉnh miền núi phía Bắc về trồng 5 cây tại
thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng vào đầu những năm 2000. Khoảng 7-
8 năm sau, lần lượt 5 cây phát triển tươi tốt và nở hoa màu nhung đỏ và màu
hồng phai, mỗi đóa hoa gồm những cánh đơn và cánh kép xếp chồng lên nhau. Anh
Toàn để hoa trắng nở tươi tự nhiên trong vườn đến gần một tháng sau mới tàn. Anh
Toàn quyết định nhân giống đại trà làm cây thương phẩm sau này. Hình thức nhân
giống đào thất thốn bằng gieo ươm hạt và ghép mầm chồi với gốc cây đào bản địa
Đà Lạt. Cụ thể theo chia sẻ của anh Toàn, mỗi năm vào tháng 7, tháng 8, những
trái đào thất thốn lần lượt chín và rụng xuống đất. Anh Toàn cẩn thận nhặt lên
và lấy hạt nhân gieo xuống lớp cát mịn. Một tháng sau đó, hạt nẩy mầm và sinh
trưởng thành một cặp lá cách ly trên mặt cát, anh Toàn bứng vào nuôi trong bịch
ny lông. Ba tháng kế tiếp, cây phát triển chiều cao 20cm thì đưa ra đào hố trồng
ngoài vườn. Tương tự trái đào lông Đà Lạt chờ chín rụng, lấy hạt gieo trong
cát. Từ 4- 5 tháng sau, cây cao 30cm, cắt thành 2 cành ghép với mầm chồi cây
đào thất thốn.
Nhân giống liên tục hàng năm với hai hình thức
hữu tính (gieo hạt) và vô tính (ghép mầm chồi) vừa nêu, đến tháng 9/2019, vườn
đào thất thốn của chủ nhân Trần Văn Toàn phát triển hơn 200 cây tại thôn Trung
Hiệp, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Chưa kể đón xuân hàng năm, anh Toàn xuất
vườn bán hàng chục cây đào thất thốn với giá phổ biến từ 2 triệu đồng đến 10
triệu đồng/cây. Cá biệt có cây bán đến 50 triệu đồng.
Bất ngờ trước đó vào một ngày tháng 9/2018, chủ
nhân Trần Văn Toàn ra thăm vườn phát hiện rải rác hơn 20 cây đào thất thốn nở
hoa màu trắng nổi bật. Lại gần thì phân biệt 3 loại hoa đào thất thốn màu
trắng: gồm trắng cánh đơn, trắng cánh kép và trắng sọc hồng. Theo anh Toàn, đây
là màu đột biến của cây tái sinh tự nhiên từ trái chín rụng xuống đất vì giống
gốc chỉ gồm màu hồng phai và màu nhung đỏ. Nắm bắt ưu đãi này, vào đầu tháng
9/2019, anh
Toàn đã chọn 10 trái chín từ 20 cây đào thất thốn trắng lấy hạt nhân
ươm thử nghiệm trên luống cát. Nếu mọi việc chăm sóc thuận lợi thì trong thời
gian 3 năm tới, hàng trăm cây đào thất thốn màu trắng các loại được chủ nhân
Trần Văn Toàn nhân rộng chuyên canh trong diện tích 6.000m2 khu vườn
hoa đào của mình ở thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tọa lạc dưới
chân núi Voi, trở thành một địa chỉ mới góp phần làm đa dạng nguồn giống hoa
đặc trưng mang thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”./.
THANG 10/2019