Ghi
chép VĂN VIỆT
Nằm
ở vùng đất Nam Tây Nguyên với lợi thế sản xuất các loại rau, củ, quả, trái cây,
cà phê, chè…có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới, Lâm Đồng xuất hiện mô hình cải
thiện hệ canh tác truyền thống đặc trưng hữu cơ đi trước so với các địa phương
khác trong cả nước.
Tuy nhiên đến nay những
hoa lợi hữu cơ này vẫn vô cùng hiếm hoi đối với người tiêu dùng địa phương Lâm
Đồng cũng như khách du lịch bốn phương. Băn khoăn đặt ra hàng ngày, hàng tháng,
hàng năm rằng, hoa lợi hữu cơ Lâm Đồng thu hoạch, tiêu thụ ở đâu, thị trường
nào, mức giá ra sao..mà đến mức khó tìm mua như vậy ?
BÀI
1/ RAU HỮU CƠ…CHỜ ĐẦU TƯ MỚI
Một
ngày giữa tháng 8/2018, phóng viên đến Trang trại rau Organik thôn Đa Thọ, xã
Xuân Thọ cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng hơn 15km theo lịch hẹn với người
quản lý, điều hành kỹ thuật sản xuất- nữ cử nhân sinh học Hồ Thị Minh Hằng (sinh
năm 1984). Do có cuộc hẹn với đối tác và phóng viên, cử nhân Hằng phải chia nửa
thời gian buổi sáng để chia sẻ về bước đi trang trại rau hữu cơ đầu tiên của
mình ở tỉnh Lâm Đồng.
Đồi thông xanh, nhà kính nhấp nhô
Bây
giờ trang trại rau organik Xuân Thọ, Đà Lạt đã được chuyển giao chủ nhân “quản
trị” từ một nhà khoa học của nông dân Lâm Đồng sang một doanh nhân đến từ châu
Âu. Nhưng chỉ có người quản trị mới, còn lại gần như toàn bộ lao động hơn 30 người
đã lần lượt gắn bó với nghề làm rau tại Trang trại Organik sau mười mấy năm hoạt
động. Và quang cảnh, môi trường cũng vậy, thời gian qua đi càng nhiều năm càng
“đậm chất” đa dạng sinh thái hữu cơ được khôi phục nhiều hơn. Nhìn bao quát từ
đầu cánh cổng trang trại, những mái nhà kính nối tiếp nhau, nhấp nhô dưới thung
lũng sâu, bao quanh phía trên cao với từng ngọn đồi thông xanh mát, chập chùng
uốn lượn. Ông Lê Thanh Hùng hơn 60 tuổi, người “gốc sú” Đà Lạt đã làm việc ở
trang trại từ khi mới hình thành đến giờ, hiện đang phụ trách thủ kho- dẫn tôi hòa
mình vào khu vườn ươm, giữa luống rau hữu cơ gieo trồng và canh tác theo mỗi trang
nhật ký khác nhau trong nhà kính.
Đang
trong tháng cuối mùa mưa Đà Lạt, những vạt cỏ hoang dại xanh tốt tự nhiên đẫm ướt
lối đi bậc cấp lên xuống, vòng quanh các thửa đất luân canh nhiều loại hoa màu
ngoài trời trước khi vào trong khu nhà kính đầu tiên của Trang trại Organik
Xuân Thọ. Ở đây bố trí các giàn sắt 2 tầng sản xuất rau cải mầm trên nền đất giá
thể hữu cơ rải lên một lớp đất không còn hóa chất dày khoảng một gang bàn tay,
thu hoạch gần như thường xuyên. Bên dưới nền đất xây lên bốn đường ô gạch hình
chữ nhật, đổ đất vào trong đó rồi đặt cây giống rau các loại xuống trồng thành
hàng ngang- dọc. Xen giữa mỗi hàng rau là những hàng hoa thân thảo, hàng rau phát
tán mùi hương dẫn dụ hoặc thu hút côn trùng để ngăn cách bảo vệ sự sống “bình
yên” của rau. Ở khu nhà kính tiếp theo, thời điểm này đang thu hoa lợi từ hơn
chục loại xà lách hữu cơ tươi rói đều đặn hàng ngày. Xà lách trồng trong từng
luống đất đổ nhô cao lên mặt đất, luống cách luống bằng đường rãnh để giữ lại
lượng nước tưới phun sương từ phía trên cao khoảng hơn hai mét. Phần tiếp xúc
trên mặt đất là hệ thống nước tưới nhỏ giọt kết hợp với tưới phân hữu cơ hòa
tan, vận hành hiệu quả hơn mười năm qua. Phần cuối căn nhà kính rộng lớn ước
hàng ngàn mét vuông là một luống hoa chiều ngang khoảng 3m, chiều dài phải đến vài
chục mét đang bung nở những cánh nhỏ màu vàng nhạt, tạo cảm giác khá lôi cuốn
khi ghi lại những tấm ảnh trải nghiệm du lịch canh nông. Ông Hùng “xác nhận” thường
trông thấy luống hoa vàng trên nền đất thâm nâu của Trang trại Organik Xuân Thọ
là nơi trú ngụ an toàn nhất của các loài côn trùng - thay vì phải sống “phập phồng”
trên phiến lá rau các loại nói chung, rau xà lách nói riêng trước dự báo bị diệt
trừ bất cứ lúc nào.
Rau hữu cơ chỉ bán theo đơn hàng từ
xa
Trở
ra khỏi cánh cửa khu sản xuất trong và ngoài nhà kính, thủ kho Hùng đưa phóng
viên trở lại khu văn phòng làm việc được thiết kế xây dựng “tựa vai” với nhau với
khu sơ chế, đóng gói, giúp đối tác thuận lợi khi đến làm việc, tìm hiểu quy
trình kết nối thành chuỗi hoa lợi hữu cơ bắt đầu từ gieo hạt, xuống giống trồng,
chăm sóc, thu hoạch, xử lý bảo quản rồi xuất kho đưa ra thị trường. Lúc này
cũng vừa đủ thời gian cho cử nhân sinh học, quản lý trang trại Hồ Thị Minh Hằng
hoàn thành nửa buổi sáng gặp gỡ đối tác đến đặt vấn đề hợp tác phát triển rau hữu
cơ theo lộ trình. “Đi giáp vòng nhà báo ghi nhận thế nào về Trang trại rau
organic nơi thung lũng Đa Thọ, Xuân Thọ của chúng tôi”, quản lý Hằng hỏi câu xã
giao rồi như “trợ giúp” câu trả lời của nhà báo: “Trang trại rau Organik chúng
tôi hình thành từ năm 2005, tổng diện tích khai thác sản xuất hiện nay gần 4ha.
Trong đó gồm 1ha nhà kính trồng xen canh và luân canh hơn 10 loại rau chủ lực. Còn
lại 2,7ha diện tích đất ngoài trời trồng luân canh các loại hoa màu bắp, đậu,
bí..và giành riêng một khu vực vùng đệm trồng phủ xanh cây hoa ban cùng cây ăn
trái như xoài, chanh... Nước tưới ở trang trại dẫn về từ một khe suối trên đồi
cao, còn phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế nhập về từ nước
ngoài. Việc quản lý sâu bệnh bằng biện pháp canh tác phù hợp, trồng cây, cỏ,
rau thơm, hoa nhiều sắc màu đối kháng; tạo ra môi trường sinh thái đa dạng cho
thiên địch sinh sôi phát triển…”
Cử
nhân Hằng hướng dẫn phóng viên qua phòng sơ chế rau hữu cơ tuyệt đối vô trùng-
sau khi tiếp cận với hệ thống máy rửa rau bằng nước ozone. Trong phòng vô
trùng, công nhân mặc đồng phục trắng xanh như bác sĩ, tay đeo găng phân loại từng
mớ rau, đưa vào máy hút chân không, đóng gói rồi dán nhãn rau organic Đà Lạt có
in mã vạch chuyển đi theo hợp đồng từ Sài Gòn, Phan Thiết, Nha Trang Hà Nội và
ra đến huyện Côn Đảo bằng cả đường bộ và đường hàng không. “ Trên nhãn hiệu
organic ghi đầy đủ thông tin chủng loại sản phẩm, chứng nhận rau hữu cơ theo
tiêu chuẩn của Mỹ đang có hiệu lực đáng hết tháng 4/2019. Đặc biệt với những đường
mã vạch gắn trên nhãn hiệu rau organik Đà Lạt có thể soi chiếu toàn bộ “vòng đời”
của cây rau từ xuất xứ hạt giống đến quy
trình chăm sóc, bón phân, phòng bệnh và thu hoạch, nên người tiêu dùng ngoài tỉnh
Lâm Đồng đã tin tưởng đặt hàng với số lượng tính bằng tấn, trong khi năng lực sản
xuất hiện tại của trang trại chúng tôi cao nhất mới đạt 100kg một ngày…”, quản
lý trang trại Hồ Thị Minh Hằng cho biết.
Với
doanh thu đang ít ỏi như vậy làm sao tái đầu tư trồng mới đa dạng rau hữu cơ chất
lượng cao trong thời gian tới ? Phóng viên nêu câu hỏi và được quản lý trang trại
Hồ Thị Minh Hằng chia sẻ: “Tôi được tiếp nhận về làm quản lý trang trại rau
organik Đà Lạt mới bước sang năm thứ 2. Bên cạnh việc tổ chức thực hành kỹ thuật
sản xuất rau hữu cơ, tôi còn được giao điều hành liên kết tiêu thụ rau VietGAP
của 6 hộ nông dân Đà Lạt và vùng phụ cận thu hoạch hơn 800kg mỗi ngày, đưa về
trang trại organic sơ chế, đóng gói theo tiêu chuẩn HACCP của thế giới rồi mới cung
ứng trực tiếp theo hợp đồng…”
Tính toán thực tế ở Trang trại rau organik
Xuân Thọ chỉ đạt năng suất một nửa rau VietGAP trên cùng địa bàn Đà Lạt. Riêng trong
8 tháng đầu năm 2018, giá rau organik luôn giao dịch mức cao hơn 3 lần giá rau
cùng loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi vậy, việc sơ chế rau VietGAP tại
Trang trại rau organik Xuân Thọ là “giải pháp tình thế” tạo thêm thu nhập tại
chỗ cho người lao động, trong khi chờ các nguồn vốn huy động đầu tư thâm canh
chiều sâu đối với cây rau organic dự kiến triển khai trong đầu năm 2019.
Nghĩa
là rau hữu cơ Xuân Thọ, Đà Lạt đối với phóng viên trải nghiệm mới được ngắt vài
cánh lá ăn thử, không thể mua về nhà cho một bữa ăn gia đình vì tất cả sản phẩm
này đều đã có người mua nhanh chân chốt giá trước cả tháng trời…
THÁNG 8/2018
BÀI 2/ HỮU CƠ LẤY NGẮN NUÔI DÀI