Ghi
chép VĂN VIỆT
Nếu
năng suất rau hữu cơ ở Trang trại Organik Xuân Thọ, Đà Lạt chỉ mới bằng 50% rau
VietGAP thì tỷ lệ này tại Trang trại Florama ở thôn Đạ Đum 1, xã Đạ Sar (huyện
Lạc Dương) còn thấp xuống dưới 40%. Chưa kể những năm đầu chuyển đổi từ “cây vô
cơ” sang “cây hữu cơ”, nhiều thiệt hại kép về hoa lợi thất thu và thị trường xa
lạ đã trở thành thử thách khắc nghiệt, buộc chủ trang trại phải chọn lựa phương
pháp canh tác “lấy ngắn nuôi dài”
“Cây
vô cơ” bù đắp “cây hữu cơ”
Quản
lý Trang trại rau Organik Xuân Thọ, Đà Lạt, cử nhân sinh học Hồ Thị Minh Hằng thông
tin thêm với phóng viên rằng, từ năm 2019 trở đi, trang trại này dự kiến sẽ chuyển
dần dịch vụ sơ chế, đóng gói rau VietGAP sang một doanh nghiệp khác; bởi đây cũng
chỉ giải pháp tình thế tạm thời để lấy ngắn nuôi dài- nghĩa là lấy thu nhập từ chế
biến, tiêu thụ rau VietGAP để duy trì việc làm, tăng thu nhập cho người lao động
và mở hướng sản xuất rau hữu cơ quy mô lớn hơn. Cử nhân Hằng dẫn chứng: “ Nhà
báo vừa tham quan các khu vực đất đang sang gạt bằng phẳng nằm phía bên trong
trang trại nhằm chuẩn bị đầu tư hệ thống nhà kính mới, tăng thêm chủng loại và
sản lượng cây trồng hữu cơ, từng bước đáp ứng yêu cầu từ phía đối tác tiêu thụ …”
Với
vốn liếng kiến thức chuyên ngành sinh học sau 4 năm đào tạo ở Trường Đại học
Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, rồi 9 năm kinh nghiệm qua môi trường
làm việc kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật tại các nước Singapore, Malaysia
và doanh nghiệp châu Âu tại Đà Lạt; cộng với nguồn vốn ký ức lớn lên trong gia
đình trồng rau truyền thống vùng ven đô Đà Lạt, cử nhân Hằng cho rằng, làm nông
nghiệp hữu cơ lúc này nếu thực hành nhỏ lẻ dễ gặp rủi ro rất lớn vì tàn dư sâu
bệnh còn hòa lẫn trong đất sản xuất vô cơ trước đó bùng phát gây hại; vì thị
trường rau hữu cơ rất đắt đỏ, phần lớn thuộc về đối tượng khách hàng giàu có, khó
tiếp cận đối với sản xuất quy mô hộ gia đình.
Cùng
với nhận định của cử nhân sinh học Hồ Thị Minh Hằng là thạc sĩ nông nghiệp đến
từ Đài Loan- nam thanh niên 28 tuổi, Yang Sz Yu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Florama
(xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương). Thành lập từ năm 2005, công ty này lập trang trại
7ha sản xuất hàng chục loại hoa lan xuất khẩu với nguồn giống gốc nhập về từ
Đài Loan, nên đối tác và người lao động ở đây quen gọi là Trang trại hoa lan
Florama. Cách nhau gần 40km, Trang trại hoa lan Florama (Lạc Dương) bắt đầu sản
xuất rau hữu cơ cùng phương châm với Trang trại rau Organik (Đà Lạt) là “lấy ngắn
nuôi dài” từ năm 2015. Nhưng điểm mạnh dạn ở Trang trại hoa lan Florama là chuyển
đổi gần 2,5ha hoa lan sang trồng luân canh khoảng 20 giống rau hữu cơ chất lượng
cao; lấy thu nhập “hoa lan vô cơ” để bù đắp doanh thu và kể cả những khoản thua
lỗ không nhỏ sau những năm đầu canh tác rau hữu cơ.
Phóng
viên hỏi vì sao Trang trại hoa lan Florama lại chọn sản xuất rau hữu cơ với nhiều
rủi ro cho bài toán kinh tế của mình, Tổng Giám đốc Yang Sz Yu nêu ý tưởng: “
So với thế giới, Việt Nam thuộc một trong những quốc gia tiêu thụ rau xanh hàng
ngày rất lớn, đặc biệt đối với rau xanh ăn tươi các loại. Trong đó nguồn gốc
rau sản xuất nhiều nơi vẫn chưa thực sự đạt chất lượng an toàn thực phẩm vì còn
lạm dụng nhiều phân bón hóa học, bơm phun quá liều lượng thuốc bảo vệ thực vật,
ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi vậy, giai đoạn những năm đầu
chuyển đổi sản xuất rau hữu cơ của trang trại chúng tôi là góp phần nâng cao nhận
thức cộng đồng về sản xuất bền vững, khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên trong
vùng...”
Rau hữu cơ thua lỗ vẫn mở rộng diện
tích
Theo
đó, khởi động từ đầu năm 2015 (sau 10 năm trồng hoa lan xuất khẩu), Trang trại
Florama tiến hành lên luống đất canh tác hữu cơ đồng loạt trên diện tích 1ha gồm
18 loại rau sử dụng thường xuyên trong bữa ăn gia đình Việt Nam như xà lách, cần
tây, sú tim, cải thảo, cà rốt, hành tây, hành lá, cà chua…Đây là diện tích 1ha/2,5ha
địa lan vừa thu hoạch lứa hoa cuối cùng- sau 2 năm áp dụng biện pháp trải màng phủ nông
nghiệp cách ly thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học không để “thẩm thấu” xuống
dưới lớp bề mặt dinh dưỡng của đất. Dưới sự điều hành trực tiếp về kỹ thuật sản
xuất rau hữu cơ của thạc sĩ nông nghiệp Đài Loan, Tổng Giám đốc Yang Sz Yu,
Trang trại Florama sản xuất theo tiêu chuẩn quy trình hữu cơ Hoa Kỳ. Do thay đổi
trong thời gian ngắn từ môi trường canh tác hóa chất sang môi trường canh tác
không hóa chất, khiến cây trồng mới thích nghi ở mức độ hạn chế, nên bình quân
đạt năng suất từng loại rau từ 30- 40% so với sản xuất thông thường. Tuy vậy, kết
quả này vẫn được đánh giá thành công, điều quan trọng đã tìm thấy một hướng sản
xuất rau hữu cơ phù hợp với vùng đất ven Tỉnh lộ 723 của Trang trại Florama trước
mắt cũng như lâu dài.
Những
sản phẩm rau hữu cơ năm đầu tiên của Trang trại Florama phần lớn phục vụ “tự
cung tự cấp” tại chỗ hoặc dùng gửi tặng, quảng bá đến các đối tác trong và
ngoài nước. Phần nhỏ sản lượng rau hữu cơ còn lại đưa ra bán thăm dò thông qua
hệ thống thương lái trung gian trong nước theo hình thức gửi hàng trước, biết
giá sau khoảng một tuần lễ. Vì người tiêu dùng không phân biệt bằng mắt thường
giữa rau hữu cơ khác với rau vô cơ như thế nào, có khi còn “chê” rau hữu cơ
hình thái không bóng mượt, không tươi xanh bằng rau vô cơ, rốt cuộc Trang trại
Florama nhận được “phản hồi” mức giá quyết toán rau hữu cơ bằng và thấp hơn giá
rau “đại trà”. Nhưng thay vì lui bước do thua lỗ “vạn sự khởi đầu”, đến cuối
năm 2015, Trang trại Florama tiếp tục mở rộng thêm 1,5ha cộng thành 2,5ha diện
tích nhà kính trồng rau hữu cơ. Rút kinh nghiệm những lứa rau hữu cơ sau này,
Trang trại Florama vừa sản xuất vừa thuê các đơn vị khoa học quốc tế đến hướng
dẫn bổ sung quy trình, kiểm tra nhật ký sản xuất, lấy mẫu đất, nước, mẫu rau sinh
trưởng đưa đi kiểm nghiệm chất lượng. “Họ thường xuyên đến kiểm tra trang trại
chúng tôi mỗi lần ít nhất 3 kỹ sư nước ngoài chuyên ngành nông nghiệp hữu cơ, lấy
tất cả các mẫu vật tư sản xuất từ phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học đến việc
diệt trừ sâu bọ bằng bẫy sinh học, bắt bằng tay; ngắt từng lá rau…Cứ vậy gần 2
tháng sau – vào tháng 1/2016, họ thông báo sản phẩm rau hữu cơ của Trang trại
Florama đạt cấp Chứng nhận theo tiêu chuẩn của Mỹ…”, anh Chăng Khênh Hìn, Giám
đốc hành chính, Công ty TNHH Florama kể thêm.
Thời
điểm tháng 8/2018, phóng viên được Giám đốc hành chính Chăng Khênh Hìn cung cấp
Chứng nhận Trang trại Florama sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn của Mỹ lần thứ
2, hiệu lực đến tháng 1/2019. Mỗi lần chứng nhận có hiệu lực 1 năm, tổng chi
phí từ 6.500- 7.000USD. Từ đó, rau hữu cơ Florama gắn chứng nhận tiêu chuẩn của
Mỹ cung cấp ra thị trường thì ngay lập tức các siêu thị, nhà hàng cao cấp trong
nước chen chân chuyển tiền, đặt hàng trước, giá cả thỏa thuận cao hơn từ 2- 3 lần
rau VietGAP, GlobalGAP. Trung bình trên gần 2,5ha, Trang trại Florama thu hoạch
chuyển ra ngoài tỉnh Lâm Đồng phân phối cho bạn hàng từ 3,5 tấn đến 4 tấn rau hữu
cơ chất lượng toàn cầu. Thị trường Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung vẫn
chưa có sản phẩm rau hữu cơ Florama lưu thông cho người tiêu dùng tiếp cận, cân
đối thu nhập để chọn mua cải thiện bữa ăn tuyệt đối an toàn thực phẩm của mình.
“Đến
giữa tháng 8/2018, năng suất rau hữu cơ trang trại chúng tôi đã tích cực tăng
lên cũng chỉ tiệm cận một nửa năng suất rau thông thường, vì vậy khoản lãi mang
về trong năm vừa qua vẫn còn ít ỏi. Nhưng trong khoảng 5 năm đầu sản xuất rau hữu
cơ của trang trại chúng tôi không phải để kiếm tiền lợi nhuận mà nhằm hoàn chỉnh
quy trình sản xuất bền vững, tái tạo đa dạng hệ thực vật trong thiên nhiên…”, Tổng
Giám đốc Yang Sz Yu nhấn mạnh một lần nữa mục tiêu chiến lược của Trang trại
rau hữu cơ Florama .
THÁNG 9/2018