Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Trải nghiệm ở hai đầu sản phẩm hoa

VĂN VIỆT
Với mong muốn cung cấp cho người tiêu dùng những cành hoa Đà Lạt đạt chất lượng và giá cả cạnh tranh, người sản xuất đang cần sự kiểm soát chặt chẽ đầu vào nguồn giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tạo ra môi trường công khai, minh bạch cho sản phẩm đầu ra.

Vừa sản xuất vừa phân phối hoa
Tham gia thị trường hoa rằm tháng giêng năm Đinh Dậu cùng thời điểm với ngày lễ tình nhân, nhà nông đồng thời là nhà phân phối Nguyễn Hữu Trí ở xã Xuân Thọ, Đà Lạt tiếp tục công việc làm ăn “gánh” giữa hai đầu - đầu vào ở Đà Lạt và đầu ra ở thành phố Hồ Chí Minh. Với khách hàng quen thuộc gồm hàng chục hộ nông dân Đà Lạt sản xuất các loại hoa nhà kính, anh Trí thu mua theo giá thị trường ở mức cao nhất tại vườn sản xuất, sau đó đóng thùng vận chuyển trong ngày về quày hàng phân phối của mình ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ, thành phố Hồ Chí Minh. “Đến ngày rằm tháng giêng ( ngày 11/2/2017), chúng tôi đang thu mua nông dân Đà Lạt với riêng giá hoa hồng từ 3-4.000đồng/cành, cao hơn giá ngày thường khoảng 5 lần. Chưa biết giá đầu ra của khách hàng ở phương Nam sẽ mua được bao nhiêu, nhưng mạng lưới phân phối của chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa hoa hồng còn đủ độ tươi xanh đến người sử dụng…”- anh Trí chia sẻ.
     Nông dân Đà Lạt quen gọi Nguyễn Hữu Trí là “Trí lily” vì anh là chủ nhân của cánh đồng lily rộng 6ha được tạo dựng và phát triển trong gần 10 năm qua ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt. Đón tết Đinh Dậu vừa qua, “Trí lily” giành riêng 0,7ha để sản xuất hoa lily, thu hoạch đạt tổng sản lượng 200.000 cành, lần lượt đưa về quày hàng ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ bán sỉ và lẻ từ 25 đến ngày 30 tết. So với tết Bính Thân năm ngoái thì tết Đinh Dậu năm nay, anh Trí sản xuất và tiêu thụ hoa lily tương đương về số lượng, nhưng giá thành và lợi nhuận đạt cao hơn. Bên cạnh đó, anh Trí thu mua của nông dân Đà Lạt nhiều loại hoa khác nhau, trong đó gồm 2 loại hoa chủ lực là cát tường và cẩm chướng với số lượng tiêu thụ “hoàn thành” trước ngày 30 tết lần lượt 500kg và 500 bó.
Anh“Trí lily” đánh giá sơ bộ mua hoa tết Đinh Dậu của mình: “ Thị trường hoa tết vừa qua vẫn còn cảnh đắt đồng, ế chợ. Nhiều nhà vườn ở Đà Lạt không đủ hoa để bán sỉ theo đầu mối và bán lẻ trực tiếp cho khách hàng, nên giá tại chỗ tăng lên gấp nhiều lần. Trong khi không ít những quày hoa Đà Lạt ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ, thành phố Hồ Chí Minh đến gần 30 tết vẫn ế thừa vì không chủ động tính toán được đầu vào- đầu ra. Với chúng tôi trước khi đưa hoa xuống chợ hoa Hồ Thị Kỷ đề tiến hành khảo sát, dự báo nhu cầu từ các khu vực khách hàng thân thiết, đồng thời chuẩn bị những phương án bán lẻ dự phòng, kết quả không để xảy ra sản lượng hoa lily của mình và các loại hoa khác thu mua của nông dân Đà Lạt bị dội hàng…” 
Hợp tác điều tiết cung- cầu
Nếu như hộ gia đình anh Nguyễn Hữu Trí từ thương nhân học thêm nghề trồng hoa thì hộ gia đình anh Vũ Đình Phúc từ người nông dân trở thành đầu mối giao thương cho hàng chục hộ nông dân khác ở khu vực Đất Mới, phường 7, Đà Lạt. Mục tiêu chung của họ ở đây cùng giúp nhau khai thác nguồn vật tư nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng, đồng thời giảm thiểu tình trạng mất cân đối của thị trường đầu ra theo quy luật cung- cầu.
Tuy nhiên, nhìn lại những năm gần đây, nông dân Vũ Đình Phúc cho rằng thị trường sản xuất hoa Đà Lạt vẫn còn bộc lộ nhiều yếu tố thiếu bền vững. Thứ nhất, người nông dân chưa hết mua nhầm những sản phẩm giống hoa thoái hóa năng suất kém, khi thu hoạch hoa cắt cành có kích thước và hình dáng không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Thứ hai, trên thị trường trôi nổi quá nhiều mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu, trong đó có nhiều mặt hàng được các doanh nghiệp tiếp thị, quảng bá chất lượng đến người nông dân, nhưng khi sử dụng gây nhiều bệnh hại trên cây hoa, dẫn đến nhiều khu vườn bị thua lỗ nặng nề. Thứ ba, hiện nay chỉ chiếm số ít người nông dân đầu tư kho lanh để bảo quản hoa sau thu hoạch. Phần lớn hoa cắt cành ra khỏi vườn bán ngay theo đơn đặt hàng hoặc giao về các đầu mối trung gian để chuyển đi khắp các thị trường trong nước, nông dân thường chờ hơn cả tuần lễ mới nhận đủ tiền theo giá áp đặt của bên mua.
     Về trải nghiệm của mình trên các vùng sản xuất công nghệ cao của Nhật Bản, nông dân Vũ Đình Phúc nói thêm: “ Với 4ha trồng hoa hồng công nghệ hiện đại, một hợp tác xã ở Nhật Bản thường thu hoạch cắt cành vào sáng sớm rồi cắm vào xô nước, sắp đặt bảo quản trong phòng lạnh. Sáng hôm sau, tiến hành phân loại, đóng thùng chở bằng xe lạnh đến chợ đấu giá hoa để tiêu thụ công khai. Nhờ vậy, nông dân biết được giá bán và mức lợi nhuận sản xuất hoa ngay trong phiên chợ đấu giá  này…”
Vùng chuyên canh hoa Đà Lạt và các vùng phụ cận hiện đang phát triển với diện tích hơn 7.700ha, đạt tổng sản lượng gần 2,4 tỷ cành/năm. Những trải nghiệm ở 2 đầu vào- đầu ra của 2 nhà nông “kiêm” nhà phân phối nói trên cần được quan tâm đặc biệt từ phía nhà nước, nhà khoa học để tăng cường hơn nữa sự phối hợp, tạo bước đột phá mới về chất lượng của sản phẩm hoa gắn với thị trường cạnh tranh tích cực, minh bạch về giá cả, đảm bảo lợi ích tương xứng giữa người sản xuất, người phân phối và người tiêu dùng./.
THÁNG 2/2017