Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Khu vườn cà phê có nấm bào ngư

VĂN VIỆT
Tọa lạc trên đường Trần Quang Diệu, Đà Lạt, khu vườn cà phê 3.000m² của hộ gia đình ông Phạm Văn Hợi bốn mùa cây trái tốt tươi, tỏa bóng bên những căn nhà nấm bào ngư xám, mang lại cho chủ nhân những nguồn hoa lợi đáng kể mỗi ngày.

Phong phú mít, cà phê, bơ, khoai mì…
Theo giới thiệu của Hội Nông dân phường 10, Đà Lạt, tôi đến khu vườn ông Phạm Văn Hợi vào một ngày giữa tháng 2/2017 nắng đẹp. Nhìn toàn cảnh với 3.000m² nơi đây phủ xanh một màu cây trái đa dạng, tầng trên gồm mít, bơ, ổi, xoài..che tán mát cho tầng dưới với những hàng cây cà phê, khoai mì, rau xanh…xen canh trên từng thửa đất bậc thang.
Ông Hợi kể, hơn 20 năm trước, gia đình ông tìm đến đây sang nhượng lại khu vườn 3.000m², trong đó thiết kế vài trăm mét vuông làm nhà ở và tiểu công viên trước sân, toàn bộ diện tích còn lại dành cho sản xuất nông nghiệp. Bằng sự vượt khó đi lên, gia đình ông Hợi đã dần dần cải tạo, trồng mới cả ngàn cây cà phê arabica bên cạnh với nhiều loại cây rau màu ngắn ngày. Trồng theo hình thức cuốn chiếu, khi cây cà phê đến kỳ già cỗi thì thay thế cây con mới. Kết quả những năm gần đây, mỗi năm, gia đình ông Hợi thu hoạch 1,5-2 tạ cà phê nhân, đem phơi khô trong nhà kính sau vườn rồi đưa qua các dụng cụ, máy móc rang xay sản phẩm cà phê bột tại nhà.
Tham quan trong nhà kính phơi cà phê của hộ gia đình ông Hợi với cách lắp đặt khác biệt. Những trái cà phê được trải đều phơi trên tấm bạt hoặc khay gỗ cách mặt đất hơn một mét. Phơi trong nhà lợp mái ni lông nên chỉ đón nhận một lượng ánh sáng mặt trời gián tiếp và tránh được những cơn mưa trái mùa. Từng bức vách bốn bên thưng bằng thanh gỗ hoặc tấm fibro xi măng để giữ vừa đủ nhiệt độ hong khô nguyên trái cà phê đến 15 ngày sau khi hái xuống.
“Cà phê arabica phơi khô nguyên trái trong nhà ni lông có thể cất trữ đến gần một năm sau vẫn giữ được chất lượng. Đem ra tách hạt nhân cứ 100kg xay xát thành 70- 80 kg hạt vỏ lụa là đạt yêu cầu. Đến nay, gia đình chúng tôi đầu tư khoảng 130 triệu đồng mua về tương đối đầy đủ các thiết bị tự động tách vỏ, hạt lụa, rang xay, đóng gói cà phê bột…Mùa cà phê vừa qua, gia đình chúng tôi đã chế biến, bán chào hàng hơn 60kg cà phê bột đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao…”- ông Hợi cho biết.
Dẫn tôi đến bên cây mít đang treo quả đung đưa trên cành, ông Hợi ước tính trong khu vườn đã có 20 cây mít đang vào thời kỳ kinh doanh năm đầu, trong đó nhiều cây thu hoạch đến hơn 10 trái. Bên cạnh đó là những hàng cây ổi, chanh, xoài, bơ…cũng đang đậu trái bói. Đồng thời ở tầng thực bên dưới trải dài những đám khoai mì, hàng tháng đều có thu hoạch bán ra mỗi ký gần 10.000 đồng bổ sung chi tiêu trong gia đình.   
                Mỗi năm xây mới một căn nhà nấm
Khi tôi đến khu vườn đang hoàn thành các công đoạn xây dựng hoàn chỉnh căn nhà nấm bào ngư xám thứ 3 của hộ gia đình ông Phạm Văn Hợi. Kinh nghiệm 3 năm thành công nhiều và thất bại không ít, ông Hợi chọn ra mật độ trồng phù hợp trong khu vườn của mình với 4.000 bịch phôi /40m² nhà nấm. Nền nhà đổ lên một lớp cát dày 10cm để giữ ẩm và tỏa hơi nước hàng ngày nuôi dưỡng phôi nấm. Tường vách tôn cao 3m, mái cũng lợp tôn, nhưng giành lại chiều cao 1m bao lưới đen nhằm giảm bớt năng lượng mặt trời và tạo thoáng gió. Từng bịch phôi nấm cột treo bằng dây ni lông, cách mặt nền cát từ 30- 40cm.
 Hạch toán sản xuất của hộ gia đình ông Hợi trên 40m² nhà nấm bào ngư xám là: 30 triệu đồng xây dựng cùng với 16 triệu đồng tiền phôi giống cộng với các phần việc phát sinh khác thành tổng vốn đầu tư khoảng 50 triệu đồng. Sau 15 ngày chăm sóc bắt đầu thu hoạch nấm cho đến 6 tháng sau mới treo lại lứa nấm sản xuất tiếp theo. Trung bình một ngày thu 20kg nấm thương phẩm, bán ra giá mỗi ký 30.000đồng, đạt doanh thu 600.000đồng. Trừ tất cả mọi chi phí, mỗi tháng một nhà nấm này đạt lãi ròng 10triệu đồng.
Như vậy cộng với 2 nhà nấm bào ngư xám (mỗi nhà nấm cũng có diện tích khoảng 40m²) sản xuất- kinh doanh ổn định từ năm 2014 đến nay, hộ gia đình ông Phạm Văn Hợi thu về tổng lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Tính ra, nếu “canh tác” nấm bào ngư xám đạt các yêu cầu kỹ thuật thì lợi nhuận gần nửa năm đầu tiên đã thu hồi thừa vốn đầu tư ban đầu.
“ Hiện đang có nhiều hộ nông dân ở Đà Lạt đến tìm hiểu quy trình sản xuất nấm bào ngư xám, hộ gia đình chúng tôi luôn sẵn sàng trao đổi, chuyển giao nhân rộng thêm nhiều mô hình. Bởi thị trường nấm bào ngư xám trong nước đặt hàng rất lớn, cần phải hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, nhằm tăng thêm thu nhập, tạo việc làm cho người lao động ngày càng nhiều hơn…”- chủ vườn Phạm Văn Hợi nói.
Định hướng khu vườn 3.000m² của hộ gia đình ông Phạm Văn Hợi trong vài năm tới là mở rộng thành một trang trại nấm bào ngư xám rộng hàng trăm mét vuông, kết hợp với cải tạo vườn cây ăn trái và cây cà phê arabica chất lượng cao gắn với chế biến tại chỗ, qua đó xây dựng thêm một điểm đến tham khảo kinh nghiệm trồng trọt đa dạng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện nguồn vốn và đất đai phát triển kinh tế hộ gia đình./.
THÁNG 2/2017