Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Để phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới

VĂN VIỆT
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang tập trung triển khai hàng loạt giải pháp phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của hộ nông dân thành viên trong tổ chức sản xuất, sử dụng dịch vụ đầu vào và yên tâm tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra.

Hoạt động đầu vào nhiều hơn đầu ra
Trong quá trình chuyển đổi theo mô hình kiểu mới, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Di Linh đã tích cực cung ứng sản phẩm đầu vào cho hộ nông dân thành viên. Cụ thể, HTX hợp đồng với các doanh nghiệp uy tín để mua phân bón dựa theo nhu cầu chăm sóc cây trồng của từng hộ thành viên. Tính trong khoảng 5 năm vừa qua, với tổng số gần 5.700tấn phân bón đầu vào, HTX đã bán thu tiền mặt thấp hơn giá thị trường từ 5.000 – 10.000 đồng/50kg; đồng thời bán trả chậm bằng hoặc thấp hơn mức lãi suất tín dụng. Toàn bộ sản phẩm phân bón với xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, đạt các yêu cầu về chất lượng.  
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động tín dụng, HTX Đông Di Linh đã giải ngân gần 3tỷ đồng cho hơn 100 hộ thành viên vay sản xuất và trang trải các chi phí con em học nghề, học các trường đại học, cao đẳng trong nước. Đặc biệt, HTX còn phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Di Linh tổ chức nhiều buổi tập huấn, chuyển giao cho hàng trăm lượt thành viên hộ nông dân áp dụng các phương pháp bón phân cân đối, các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê phù hợp trong từng giai đoạn phát triển.
Nếu HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Di Linh tập trung phần lớn hoạt động cung ứng dịch vụ đầu vào thì HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, Đà Lạt đã không ngừng gắn với hoạt động mở rộng thị trường đầu ra tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho hộ gia đình thành viên. Tại hội nghị biểu dương HTX điển hình tiên tiến toàn tỉnh Lâm Đồng vừa qua, ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào chia sẻ “ Sau 10 năm hoạt động sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra, HTX Anh Đào không ngừng tăng doanh thu năm sau cao hơn năm trước”.
 Theo đó, ở khâu đầu vào, HTX Anh Đào cung cấp cây giống, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và phân công kỹ sư nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn, theo dõi hộ gia đình thành viên canh tác các loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm thu hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ở khâu đầu ra thống kê trong một năm gần đây, HTX Anh Đào đã bao tiêu 75.000 tấn sản phẩm rau, củ, quả các loại của hộ gia đình thành viên, mang lại tổng doanh thu 170 tỷ đồng. Trong đó sản lượng chiếm tỷ lệ 85% tiêu thụ đến gần 120 siêu thị trong nước; tỷ lệ 10% cung cấp qua 3 công ty phân phối của HTX và chuỗi hệ thống nhà hàng, khách sạn, cửa hàng kinh doanh rau sạch trong cả nước; đặc biệt chiếm 5% sản lượng rau còn lại xuất khẩu sang thị trường các nước và vùng lãnh thổ châu Á như: Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Qua khảo sát trên địa bàn Lâm Đồng cho thấy, số lượng HTX nông nghiệp kiểu mới chịu trách nhiệm cung ứng sản phẩm đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho hộ gia đình thành viên như HTX Anh Đào mới chiếm tỷ lệ khoảng 15- 20%. Trong khi tỷ lệ 80-85% còn lại chủ yếu tập trung phần lớn hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ đầu vào như HTX Đông Di Linh nói trên. 
Thành viên vừa chủ sở hữu vừa khách hàng
Theo ông Lê Chinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, những nguyên tắc cơ bản để triển khai hiệu quả hoạt động HTX trên thế giới được đúc kết hơn 150 năm qua là tạo môi trường thuận lợi cho hộ gia đình thành viên tự liên kết thành lập HTX, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt hộ gia đình thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là khách hàng của HTX trong việc tổ chức cung ứng dịch vụ đầu vào và sản phẩm đầu ra.
Vận dụng những kinh nghiệm hoạt động HTX trên thế giới phù hợp với các quy định của Luật HTX mới của Việt Nam, ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định những giải pháp trọng tâm phải nâng cao năng lực quản trị, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh của HTX kiểu mới gắn với từng lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi như: sản xuất rau, hoa của Đà Lạt và các vùng phụ cận; lúa ở Đạ Tẻh và Cát Tiên; bò sữa ở Đơn Dương và Đức Trọng; cà phê, chè ở Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm…
Đồng thời ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ, lồng ghép các chương trình, dự án tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh theo các mô hình liên kết, sát nhập hình thành các HTX có quy mô lớn hơn, theo hướng tiếp cận đa ngành, phát triển ổn định và bền vững.
“Khi HTX nông nghiệp được kiện toàn, chuyển đổi theo mô hình kiểu mới, xác lập vai trò của hộ gia đình thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là khách hàng, chắc chắn tạo ra đồng thời các lợi ích cho nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và bản thân HTX.”- ông Lê Chinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng trình bày./.
THANG 2/2017