Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Cao Nguyên khởi nghiệp từ hồng và hoa

VĂN VIỆT
Những cán bộ quản lý HTX Cao Nguyên, Đà Lạt đã chủ động khai thác nhu cầu thị trường, áp dụng nhiều sáng kiến khởi nghiệp từ kỹ thuật chế biến hồng khô và nhân giống hoa chậu để chuyển giao, nhân rộng cho hộ gia đình thành viên phát triển phù hợp với điều kiện hiện có về nguồn vốn và diện tích đất của mình.

Chủ nhiệm sấy hồng bằng củi đốt
Kết thúc mùa vụ năm 2016- 2017, Chủ nhiệm HTX Cao Nguyên Đà Lạt, Nguyễn Ngọc Xuân đã thử nghiệm thành công hệ thống sấy khô hồng ăn trái bằng củi đốt. Hệ thống được lắp đặt bên khu vực hiên nhà ở đường An Bình, Đà Lạt, trong phạm vi diện tích khoảng 50 mét vuông.
Theo hướng dẫn của Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Xuân, tôi được tiếp cận quy trình sấy hồng khô bằng củi đốt trong 2 chiếc lò bọc vỏ ngoài bằng chất liệu inox, tổng trị giá hơn 250 triệu đồng. Đầu tiên đó là một “ô cửa” chất củi đốt thiết kế giống như chiếc lò sưởi trong các biệt thự cũ của Pháp ở Đà Lạt. Đoạn tiếp theo gồm các thiết bị quạt với 2 chức năng quạt hút khói thải đưa lên trời và quạt hút lọc hơi lửa đốt củi và không khí từ bên ngoài “phả” đều bên trong 2 chiếc lò inox. Đoạn sau cùng là đặt những khay hồng ăn trái tươi bên trong 2 lò sửa, điều chỉnh thích hợp nhiệt độ sấy theo chiếc đồng hồ hiển thị lắp đặt bên ngoài.
“Mùa hồng ăn trái vừa qua, vì số lượng cây hồng của HTX Cao Nguyên còn rất ít ỏi (chỉ còn 100 cây có trái), nên tôi phải về vùng D’Ran, Đơn Dương thu mua gần 800kg trái hồng tươi, đưa về lò sấy cho ra thành phẩm hơn 150 kg hồng sấy khô. Sản phẩm vừa đưa ra khỏi lò là bán hết ngay cho các đầu mối thu mua ở Đà Lạt…”- Chủ nhiệm Xuân cho biết và lấy ra trong chiếc khay bánh mứt ngày tết một gói nhỏ sản phẩm hồng khô của mình sản xuất đưa cho tôi thưởng thức. Một hương vị ngọt thơm, dẻo mềm khá hấp dẫn như cô đặc lại đầy đủ hoạt chất của trái hồng tự nhiên. Nhờ vậy, trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, Chủ nhiệm Xuân bán sỉ với giá 250-300.000 đồng/kg hồng khô sấy bằng lửa củi đốt vẫn hút hàng.   
Phó Chủ nhiệm nhân giống “hoa hàng rào”
Khu vực bên dưới lò sấy hồng khô của Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Xuân và vườn “hoa hàng rào” thương phẩm 1.000mét vuông của Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hiền. Qua giữa tháng 2/2017, vào đây vẫn thưởng ngoạn những loài hoa lồng đèn điểm từng chồi “búp son” trồng theo từng cụm đan xen, lạ mắt. Nối dài là diện tích hoa cẩm tú cầu phát triển trong gần 200 ngàn chiếc chậu nhỏ bằng bàn tay xòe. Ngoài ra còn có không gian của hoa hồng ghép trong chậu nhỏ cùng hàng chục loài kiểng có giá trị khác. Trong đó, riêng lứa “hoa hàng rào” cầm tú cầu và lồng đèn đang được chủ nhân tích cực chăm sóc theo kế hoạch bán ra vào mùa hè và mùa đông  năm 2017.
Nói về doanh thu “ hoa hàng rào” trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hiền cho biết: Hoa tết năm nay, anh Hiền bắt đầu xuất bán từ giữa tháng 10 âm lịch và kết thúc vào cuối ngày 25 tháng chạp. Ước tính gồm gần 3.000 chậu hoa lồng đèn (mỗi chậu giá thấp nhất 60.000 đồng, cao nhất 300.000 đồng); 5.000 chậu cẩm tú cầu (giá từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/chậu); cùng hàng ngàn chậu trồng các loại hoa hồng, hoa sim, hương thảo, nguyệt quế, đỗ quyên Pháp, cúc vàng thân mộc…(giá từ 50.000 đồng đến 1triệu đồng/chậu). 
“Để xây dựng ổn định bước đầu khu vườn hoa thương phẩm 1.000mét vuông hôm nay, tôi may mắn gặp một người chơi sinh vật cảnh Đà Lạt gợi ý, trao đổi kinh nghiệm giâm cành nhân giống hoa lồng đèn, cẩm tú cầu từ hơn 2 năm về trước. Hai giống hoa này chủ yếu trồng trang trí ở các công viên công cộng hoặc cho phát triển dây leo trên các hàng rào. Khi đưa về vườn nhà nhân giống, tôi chọn tạo sản phẩm chậu nhỏ hướng về nhu cầu mọi khách hàng trang trí hoa trong nhà ở của mình, dù đó là căn nhà nhỏ hay biệt thự sân vườn lớn… ”- Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hiền nhớ lại.
    
Với Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Xuân đã từng “thất bại trắng” với 2 tấn chuối nguyên liệu vàng tươi đưa vào lò sấy lửa củi thành 200kg chuối thành phẩm chuyển màu…than bùn. Phải mất gần một năm phân tích tìm ra nguyên nhân, Chủ nhiệm Xuân mới khắc phục hoàn toàn lỗi kỹ thuật này, sau đó mới áp dụng có kết quả hệ thống lò sấy hồng khô nêu trên.
“Đến nay, HTX Cao Nguyên với 7 thành viên đã được chuyển giao quy trình sấy hồng khô bằng lửa củi đốt và kỹ thuật giâm cành sản xuất hoa lồng đèn, cẩm tú cầu và các loại cây, hoa kiểng thương phẩm khác. Toàn bộ 2 loại sản phẩm hoa và hồng ở đây được tập trung tại đầu mối HTX Cao Nguyên để chuyển đi tiêu thụ đến bạn hàng đã kết nối thường xuyên trong và ngoài thành phố Đà Lạt….”- Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Xuân nói thêm.
THÁNG 2/2017