Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Cà phê một góc trời riêng

Bút ký VĂN VIỆT
Tròn 30 năm định cư vùng cao nguyên Đà Lạt đã thẩm thấu trong tôi những giọt cà phê arabica thơm dịu, thuộc phẩm cấp thức uống thượng hạng của thế giới. Chỉ có thiên nhiên trên mặt biển 1.500m trở lên mới hào phóng ban tặng cho con người một góc trời riêng Đà Lạt chăm sóc cây cà phê arabica ra hoa, kết quả, cung cấp nguyên liệu chế biến thành những mặt hàng lợi thế so sánh khác biệt nơi xứ lạnh này…

“Khi mùa đông về theo cánh chim bay…”
Một sáng mùa đông tròn 30 năm làm công dân phố hoa Đà Lạt, tôi đến Quán Café Tùng tọa lạc vuông góc Khu Hòa Bình với một ly cà phê đen nóng để “hệ thống” lại những “dĩ vãng đã xa”. Qua khung cửa kính, Đà Lạt mưa bay lạnh hơn ngày thường mà vẫn thư thả những bước chân hè phố. Bên trong quán vẫn những tuyệt phẩm vượt thời gian của Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên…được các danh ca Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Lệ Thu…ngân lên chạm vào lòng ẩm khách từng cung bậc cảm xúc miên man “khi mùa đông về theo cánh chim bay…”
“Tôi hay vào quán Café Tùng từ hơn nửa thế kỷ trước đến giờ. Những nhạc sĩ, ca sĩ, văn nghệ sĩ nổi tiếng qua nhiều thời kỳ trong nước, tôi may mắn trông thấy họ rất nhiều lần. Họ ngồi đây cũng như tôi thích thú nhâm nhi ly cà phê nóng của Đà Lạt pha lọc trực tiếp trên chiếc phin không dùng nắp gài, nổi bọt thơm lâu. Giờ tuổi đã cao, huyết áp trong người lên xuống thất thường, bác sĩ bảo không dùng được cà phê nữa, nhưng tôi vẫn đến Quán Café Tùng gọi ly nước chanh nóng, bình trà và nhìn ra góc phố quen thuộc mỗi ngày ….”-cụ ông Lê Như Huy, tuổi ngoài tám mươi, ngụ ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Đà Lạt tâm sự.
Với riêng tôi trong 30 năm đinh cư Đà Lạt, mỗi sáng tinh mơ vào Quán Café Tùng hay gặp nhiếp ảnh gia MPK, một người quen của tôi bên ly cà phê arabica Đà Lạt pha phin. MPK thường nói : “mình chọn ngồi ở góc cửa Café Tùng vừa nhấm nháp từng ngụm cà phê arabica Đà Lạt, vừa thưởng ngoạn không gian “hẻm trời” bên trên khung cửa kính ra vào…”
Cà phê arabica rang tay, hun khói củi Đà Lạt
Thêm một ‘mùa đông về theo cánh chim bay…” ngồi Quán Café Tùng Đà Lạt không còn trông thấy bóng dáng ông - bà Tùng đi lại nhẹ nhàng bảo ban con cháu phải giữ chất lượng cà phê arabica Đà Lạt để phục vụ hài lòng khách đến. Miền xa thẳm đã đón ông- bà Tùng giã từ cõi tạm cách đây nhiều năm. Ông- bà Tùng mãn hạn trần gian khi đã vượt qua ngưỡng bát thập và đã bàn giao đầy đủ mọi quy trình, kỹ thuật và niềm đam mê, tâm huyết với hạt cà phê arabica thấm đẫm sương lạnh Đà Lạt.
Chị Trần Thị Thanh Mỹ (sinh năm 1959), một người con gái của ông- bà Café Tùng đang tiếp tục “thắp lửa” rang xay các sản phẩm cà phê arabica Đà Lạt truyền thống của gia đình từ hơn nửa thế kỷ trước. Chị Mỹ bồi hồi: “Quán Café Tùng của ba-mẹ tôi chào đời trước tôi một tuổi. Lớn   lên, tôi được ba- mẹ truyền dạy cách chọn hạt cà phê arabica Đà Lạt còn nguyên chất lượng, chọn thời điểm thích hợp trong ngày để đốt lửa rang xay giữ được mùi thơm đặc trưng. Và ba- mẹ còn chỉ dẫn cho anh em chúng tôi kỹ thuật bảo quản cà phê arabica dạng bột xay, cách thức pha chế bột arabica Đà Lạt trên chiếc vợt hoặc chỉ pha nước sôi trực tiếp lên lớp cà phê bột trải đều lên chiếc phin kim loại, đậy nắp cho đến khi rơi hết xuống ly những giọt cà phê cuối cùng...”  
Những năm 60 của thế kỷ trước, có một trong những gia đình “đồng nghiệp” thân thiết của ông - bà Café Tùng ở đường Phan Đình Phùng bây giờ, hàng ngày lặng lẽ đốt củi ngo lên rang xay cà phê Arabica Đà Lạt. Gia đình có một người con trai nối nghiệp, trở thành người con rể của Café Tùng (chồng chị Mỹ) cho đến ngày nay – anh Trần Minh (sinh năm 1961).
Tôi hẹn gặp vợ chồng chủ cơ sở Cà phê Vĩnh Ích, tọa lạc trên đường Nguyễn Chí Thanh, Đà Lạt, không ai khác chính là anh Trần Minh và chị Trần Thị Thanh Mỹ. Định cư Đà Lạt 30 năm, cà phê bột arabica Vĩnh Ích là một trong những lựa chọn của tôi mua về tự pha chế và cảm nhận trong những ngày nghỉ hoặc ngoài giờ làm việc, ngồi trong căn nhà gỗ thông trên cao, ngắm thành phố bồng bềnh trong sương có những hàng cây cà phê arabica vẫn còn trồng trong sân vườn nhà ở hộ gia đình. Ngày đông năm nay được trò chuyện lâu hơn với vợ chồng anh Minh - chị Mỹ, cho tôi hình dung một Đà Lạt đầu những năm 80 thế kỷ trước, rạng sáng mỗi ngày đốt củi ngo để rang cà phê arabica, hun khói tỏa ngun ngút rồi tan hòa vào sương giăng khắp phố.   
Hỏi sao lúc đó chỉ dùng củi thông rang cà phê mà không chọn các chất đốt khác, anh Minh nói kinh nghiệm nếu hạt cà phê arabica Đà Lạt rang bằng than đá sẽ “hăng mùi” khó chịu; còn rang bằng than gỗ thì không đủ nhiệt độ để dậy mùi thơm đượm. “Từ năm 16 tuổi trở đi, tôi bắt đầu tham gia cùng ba – mẹ và anh em rang xay cà phê arabica trong mái hiên nhà nhà của mình hàng ngày từ 4-5 giờ sáng trên đường phố Phan Đình Phùng, Đà Lạt. Lửa được nhen lên trong chiếc lò tự chế với những thanh ngo dầu vuông dài như chiếc đũa. Bên trên thanh ngo dầu chất lên một đống củi hình tháp. Khi lửa bén to ngọn, đặt bên trên chiếc lò gang hình trụ chứa đầy hạt cà phê arabica, quay tròn đều bằng tay quay bên ngoài. Mỗi mẻ rang từ 12- 15 kg cà phê nhân, thời gian từ 30- 40 phút...”  Tôi “khai thác” thêm : “ Những người thợ rang cà phê lâu năm thường kiểm tra chất lượng hạt nhân cà phê rang đạt đến độ chuẩn bằng tai nghe tiếng nổ lục bục nhỏ đều, bằng mũi giữ mùi thơm dịu, bằng mắt nhận diện màu sắc vừa chuyển từ vàng sang nâu đậm... ” Chủ nhân cơ sở Cà phê Vĩnh Ích, anh Trần Minh cười khiêm tốn: “Quen nghề thôi mà...”  
Đà Lạt arabica qua Nga, qua Nhật…
Khi tiếp chuyện với tôi, vợ chồng anh Minh- chị Mỹ vừa tham gia giới thiệu sản phẩm cà phê Arabica Đà Lạt từ Nhật Bản trở về. Hơn một tuần phục vụ khách hàng Nhật khám phá phẩm chất cà phê arabica Đà Lạt trên đất nước Nhật, vợ chồng anh Minh- chị Mỹ đã có nhiều trải nghiệm quý báu . “Quày hàng Cà phê Arabica Vĩnh Ích, Đà Lạt của chúng tôi sắp xếp “sánh vai” với quày cà phê arabica của “ông lớn” Brasil, được khách hàng người Nhật đánh giá chất lượng đỉnh cao tương đương nhau. Và họ còn thông tin rằng, sản lượng hiện xuất khẩu cà phê arabica Đà Lạt qua Nhật không đáng kể so với nhu cầu. Còn rất nhiều thị trường lớn trên nước Nhật chưa được cơ hội tiêu thụ cà phê arabica Đà Lạt...”- anh Minh kể.
Về lại Đà Lạt chưa lâu, mở hộp thư email, anh Minh- chị Mỹ đã nhận đơn đặt hàng từ đối tác Nhật mua các sản phẩm cà phê arabica Vĩnh Ích, cho thấy kết quả thiết thực sau một chuyến xuất ngoại lần thứ 2 của mình. Trước đó, cùng thời gian này năm ngoái, anh Minh- chị Mỹ xuất ngoại lần thứ nhất qua nước Nga trong một chương trình xúc tiến thương mại của Lâm Đồng, mang theo 500kg cà phê arabica hạt nhân rang chín và đã bán hết nhanh trong tuần lễ đầu tiên khai trương. “ 2 tháng sau đó, anh Minh phải về Đà Lạt trực tiếp rang cà phê hạt nhân arabica Vĩnh Ích để chuyển sang thêm hàng trăm nữa cho tôi bán theo nhu cầu của khách hàng nước Nga.... ”- chị Mỹ kể thêm.  
Điều trùng hợp trong lúc kể chuyện xuất khẩu cà phê qua Nga thì gặp nhiều khách du lịch Nga đến cơ sở Cà phê Vĩnh Ích chọn mua các sản phẩm cà phê arabica Đà Lạt dạng hạt rang và dạng bột. Khi tôi nâng máy ảnh lên ghi hình lưu niệm cùng với chị Mỹ, khách Nga cười tươi “hợp tác” rồi cởi mở: “ Cà phê arabica trên độ cao 1.500m ở Đà Lạt thật tuyệt vời !”.
Tinh túy một góc trời riêng
Đối chiếu các tài liệu khoa học trên thế giới thì cà phê arabica thường trồng thích hợp với độ cao so với mặt biển hơn 600m, nhưng chất lượng tuyệt hảo khi ở độ cao  từ 1.500m trở lên như Đà Lạt. Có lẽ địa hình vùng cao nguyên Đà Lạt, cây cà phê arabica càng gần hơn với mây trời, sương khói, hấp thu dồi dào những tinh túy của thiên nhiên ưu đãi, quanh năm đã dâng tặng con người những dư vị hạt nhân chua- đắng- thơm hòa quyện khó quên.  
    Bây giờ quán cà phê ở Đà Lạt xuất hiện mới đa dạng loại hình trong biệt thự sân vườn, trên đồi cao, bên suối, hồ...kinh doanh nhiều sản phẩm cà phê arabica xen lẫn cà phê robusta cùng muôn ngàn các loại nước giải khát khác. Nhưng không phải là không có các quán cà phê mới mở cửa chuyên phục vụ khách một loại cà phê arabica của Đà Lạt như Quán Coffee Dalata, tọa lạc bên đường phố 3 Tháng 4. Chủ Quán Coffee Dalata là thanh niên “giữa 7X” Đỗ Văn Ẩn trải lòng: “ Tôi sinh ra và lớn lên ở thung lũng Tân Lạc, thuộc địa bàn phường 3, Đà Lạt ngày nay. Hồi nhỏ hay chơi đùa trong sân vườn nhà phủ xanh những hàng cây cà phê moka thuộc dòng cà phê arabica. Nay tôi mở Quán Coffee Dalata mong muốn hợp tác với nông dân Đà Lạt góp phần khôi phục diện tích cà phê moka Đà Lạt, kết hợp lưu giữ một phần ký ức về khoảng không gian cà phê moka ngày xưa ấy...”
Đón chào năm mới Đinh Dậu 2017, vùng cà phê arabica nức tiếng Cầu Đất- Xuân Trường, Đà Lạt vừa chạm mức hoàn thành ghép cải tạo 200ha và tái canh trồng mới 40ha. Nhà nông Lê Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường chia sẻ: “Dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và phong trào xây dựng nhà kính trồng rau, hoa, nhưng vùng cà phê arabica Cầu Đất- Xuân Trường vẫn ổn định diện tích gần 1.300ha. Riêng hộ gia đình tôi có 3ha cà phê arabica đang thời kỳ kinh doanh, nay bắt đầu chuyển lại lần lượt cho các con của mình tiếp tục đầu tư thâm canh. Nghề trồng cây cà phê arabica đã trở thành nghề truyền thống của nông dân Xuân Trường.... ”
Nhìn bao quát trên những địa hình cao 1.500- 1.600m ở Đà Lạt đã đón nhận “công dân” cà phê arabica du nhập về từ vùng Nam Mỹ hơn trăm năm trước, tổng diện tích đến nay ổn định khoảng 3.500ha. Nông dân đời trước truyền nghề lại nông dân đời sau gắn bó, thủy chung, không ngừng nâng cao giá trị tinh thần đối với cây cà phê arabica Đà Lạt. Trân quý nguyện vọng của nông dân, chính quyền thành phố Đà Lạt đã hoàn thành các thủ tục đề xuất lên Bộ Khoa học và Công nghệ xét cấp độc quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cà phê arabica Cầu Đất- Đà Lạt” .
Vậy là tôi đang có nhiều hơn những “bảo chứng” cho niềm lạc quan của mình về vị trí “ngôi vương” của cây cà phê arabica riêng một góc trời Đà Lạt không xa...
Đà Lạt cuối đông năm 2016