Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Lộc Quý hy vọng mùa rau tết

VĂN VIỆT
Hàng chục hecta rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở vùng nông nghiệp công nghệ cao thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ ( Đà Lạt) đang phát triển tươi tốt theo kế hoạch mùa vụ đón tết 2017, mở ra hy vọng gia tăng giá trị sản phẩm cho nông dân trong những năm trước mắt và lâu dài.

Vừa học vừa làm rau VietGAP
Vườn rau VietGAP gần 1ha nhà kính của ông Ngô Minh, Thôn trưởng thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ đón Tết Đinh Dậu với nhiều khoản lợi nhuận đã được hạch toán trước. Đây là số diện tích lần lượt chuyển đổi từ rau, hoa ngoài trời sang đa canh các loại rau nhà kính chất lượng cao trong năm cũ 2016. Theo hướng dẫn của chủ vườn Ngô Minh, tôi được khám phá những luống rau nối tiếp xanh non, hứa hẹn những ngày tết được mùa, được giá.
Đến mỗi luống rau liên canh trong nhà kính, ông Minh dừng lại và “thuyết minh” cho tôi: “Đây là rau bó xôi và xà lách, thời vụ 30- 40 ngày. Tiếp theo lơ trắng, sú tím, xuống giống chăm sóc từ 40- 60 ngày mới thu. Và còn nữa là cà chua đã trồng 80 ngày, đang thu hoạch đến ngày thứ 20…Tổng cộng 0,9ha diện tích nhà kính. Chưa kể diện tích ngoài trời có thêm luống rau cải thảo 0,2ha….Vừa học vừa sản xuất rau VietGAP từ vụ này đến vụ khác trong cả năm 2016, hộ gia đình chúng tôi mới cơ bản thực hành ổn định quy trình …”
Nhớ lại hơn 10 năm trước, cũng như những hộ gia đình nông dân trong thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt, hộ gia đình Ngô Minh tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật lẫn nhau để chuyển đổi từng diện tích nhỏ trồng rau ngoài trời sang trồng hoa cúc nhà kính. Lợi nhuận tăng lên rõ nét, diện tích nhà kính cả thôn Lộc Quý từ một vài hecta ban đầu đã mở rộng lên con số chục và hàng chục hecta cho đến ngày ngày nay. Trước nhu cầu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành bức thiết, ngành nông nghiệp Đà Lạt đã về thôn Lộc Quý tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau VietGAP cho nông dân.
“Mỗi khóa học nghề trồng rau VietGAP ở thôn Lộc Quý kéo dài trong 3 tháng. Hàng tuần học lý thuyết vào 2 buổi tối thứ năm và chủ nhật. Và thực hành trên vườn rau ban ngày trên các mô hình mẫu sản xuất rau VietGAP trong thôn. Trong 4 năm qua, ngành nông nghiệp Đà Lạt đã tổ chức 4 lớp tập huấn VietGAP ở thôn Lộc Quý, mỗi lớp thu hút khoảng 30 học viên nông dân trong thôn…”- học viên Ngô Minh đồng thời là Thôn trưởng thôn Lộc Quý cho biết.
Ông Đặng Cư, một trong những học viên của lớp học VietGAP ở thôn Lộc Quý nói thêm: “Bây giờ, nông dân thôn Lộc Quý học nghề VietGAP áp dụng trên vườn rau của mình đều có thói quen ghi đầy đủ nhật ký chăm sóc hàng ngày. Nhờ vậy, phần lớn lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng đúng liều lượng, cân đối, đảm bảo an toàn, nên sản phẩm thu hoạch thường xuyên bán ra ở mức cao hơn mặt bằng giá chung của thị trường…”
                         Biết trước lợi nhuận khi gieo trồng
Hôm tôi đến tiếp xúc với vườn rau VietGAP của Thôn trưởng Ngô Minh khi vừa qua ngày rằm tháng chạp năm 2016, đã có đối tác đến tận khu vườn 500 mét vuông nhà kính thu mua 10 đợt cà chua, mỗi đợt từ 50- 70kg. Với giá bao tiêu khá cạnh tranh- trên dưới 25.000đồng/kg, dự báo đến qua rằm tháng giêng Đinh Dậu năm 2017, sẽ kết thúc vụ mùa cà chua VietGAP đầu tiên của ông Minh với lợi nhuận khoảng 500triệu đông/ha/năm. Với các loại rau VietGAP ngắn ngày khác như xà lách, tần ô, bó xôi, lơ trắng, lơ xanh…trong na 2016, ông Minh canh tác từ 6- 7 vụ trong nhà kính, lợi nhuận bình quân từ 400- 500 triệu đồng/ha.
Tương tự với hộ ông Đặng Cư ở cùng thôn Lộc Quý đón Tết Đinh Dậu năm 2017 bằng 500 mét vuông nhà kính trồng ớt ngọt. Trong một tuần lễ đầu tiên của tháng chạp năm 2016, ông Cư thu hoạch từ 200- 300kg ớt ngọt, bán cho thương nhân thu tại vườn từ 25.000đồng đến 32.000đồng/kg, tăng hơn 6.000 đồng đến 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Qua hạch toán, lợi nhuận từ cây ớt ngọt của ông Cư biết trước sẽ vượt mức 500 triệu đồng/ha/năm.   
 Hiện nay hộ ông Đặng Cư đang thâm canh 0,8ha rau VietGAP, gồm 0,6ha nhà kính và 0,2ha ngoài trời. Sau vụ rau Tết Đinh Dậu, ông Cư tiếp tục thu hoạch lứa khoai tây ngoài trời, cộng với những vụ rau trước đó, đạt tổng lợi nhuận dự kiến khoảng 300 triệu đồng/ha/năm trở lên.
“ Toàn thôn Lộc Quý có khoảng hơn 10ha trồng rau VietGAP bán Tết Đinh Dậu 2017, trong đó chiếm đa số diện tích trồng trong nhà kính. Qua giữa tháng chạp năm cũ 2016, nhiều đối tác đã tìm đến Lộc Quý thỏa thuận mức giá tối thiểu cho nông dân biết trước khoản lợi nhuận trên từng luống rau. Tín hiệu này thật khả quan cho vùng rau VietGAP Lộc Quý đón năm mới 2017…”- Thôn trưởng Ngô Minh đánh giá./. 
THANG 1/2017