Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Khi “hoa nhãn hiệu” xuất vườn

VĂN VIỆT
Đón chào năm kế hoạch 2017, những cành hoa xuất vườn mang nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” tiếp tục cung ứng theo hợp đồng gia tăng sản lượng ngay từ tháng đầu tiên, cho thấy một bước tiến mới của nghề trồng hoa chất lượng cao ở Đà Lạt và vùng phụ cận.

Người Nhật chọn mua “hoa nhãn hiệu” của nông dân
Trong một tháng mới đây, nông dân Nguyễn Văn Trung (Tổ Đa Phước 2, phường 11, Đà Lạt) đã xuất vườn 15 lô hàng hoa cẩm chướng “đầu tay” qua Nhật đều “thuận bườm xuôi gió”. Trung bình mỗi lô hàng hoa cẩm chướng gắn nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” của anh Trung xuất khẩu qua Nhật từ 5.000 – 6.000 cành/2 ngày, chiếm 50-60% trên tổng sản lượng thu hoạch trên diện tích 1ha nhà kính của anh Trung.
Theo lời Trung, gần 20 năm trước, sau khi rời ghế nhà trường phổ thông, Trung đã ra riêng tự lập cơ nghiệp với 1ha trồng các loại rau ngoài trời, tọa lạc trên một khu đồi cao thuộc Tổ Đa Phước 2, phường 11, Đà Lạt nói trên.Tích cực luân canh các loại rau ngoài trời Đà Lạt đem lại cho hộ gia đình anh thu nhập ổn định hàng tuần, hàng tháng, cuộc sống không phải chật vật khó khăn. Từ nền tảng xuất phát “vào đời” nông gia khá thuận lợi, đến giai đoạn 2003 – 2008, anh Trung quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích 1ha trồng rau ngoài trời sang trồng hoa cúc nhà kính. Nhờ lợi nhuận hoa cúc hàng năm gia tăng tích lũy, từ năm 2009 đến nay, Trung đã đầu tư đồng bộ hệ thống nhà kính công nghệ cao trên 1ha với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng để nâng cấp chuyển đổi từ hoa cúc sang thâm canh hoa cẩm chướng, quyết tâm tạo ra một bước đột phá mới trong mỗi sản phẩm “hoa nhãn hiệu” Đà Lạt của mình.
Một ngày nắng đẹp sắp sửa sang xuân mới, anh Trung đưa tôi tiếp cận khu nhà kính bậc thang trồng hoa cẩm chướng với thiết kế dây chuyền hiện đại, bài bản. “Đây là 2 hệ thống tưới nước tự động phun sương trên giàn cao và tưới nhỏ giọt chôn ngầm dưới đất, vận hành luân phiên hàng tuần với 2 chức năng bổ trợ lẫn nhau đảm bảo từng cành hoa sinh trưởng cứng cáp, thẳng đều, búp hoa phát triển sẽ nở bung to, màu sắc giữ tươi lâu ngày…Cụ thể, giàn tưới trên cao dùng bơm phun chủ yếu thuốc sinh học trực tiếp vào thân, lá, cành, kết hợp với rửa trôi các loại sâu hại, nấm bệnh bám dính. Giàn tưới nhỏ giọt dẫn nước phân bón hòa tan (cũng chủ yếu phân vi sinh) cung cấp dinh dưỡng vào bộ rễ phân phối nuôi đều khắp các bộ phận của cây hoa hàng ngày…”- Trung thuyết minh.
Để lắp đặt và vận hành nhịp nhàng 2 hệ thống tưới công nghệ cao như vậy, anh Trung không ngừng chịu khó tự học hỏi, tiếp nhận bằng nhiều nguồn kiến thức khác nhau và kinh nghiệm thực tế từ những nhà vườn tỷ phú trồng hoa ở Đà Lạt. Tương tự việc chọn được nguồn giống hoa cẩm chướng về trồng đạt chất lượng cao, Trung đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia và nhà nông kỹ thuật cao, đã và đang thực hành sản xuất ở nhiều địa hình diện tích đất khác nhau. Đến khâu tiêu thụ với chất lượng sản phẩm hoa cẩm chướng lợi thế đặc thù luôn giữ vững và từng bước nâng cao, gắn nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt”, đã hấp dẫn các đối tác Nhật Bản tự tìm đến Trung đặt vấn đề hợp tác bao tiêu dài hạn.
“ Ước tính trong một tháng vừa qua, chiếm 60% sản lượng thu hoạch hoa cẩm chướng của hộ gia đình chúng tôi gắn nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” xuất khẩu sang nước Nhật đạt các yêu cầu về chất lượng. Người Nhật đặt chân đến tận vườn sản xuất chọn mua từng cành hoa cẩm chướng, nên khi vận chuyển ra khỏi vườn là coi như hộ gia chúng tôi vừa hoàn thành giao một lô hàng xuất khẩu và nhận đủ giá tiền thỏa thuận…”-Trung chia sẻ.
  Đến nay qua gần 4 năm sản xuất “hoa nhãn hiệu”, hộ gia đình Nguyễn Văn Trung còn tăng nguồn vốn tự có của mình để canh tác mới 2ha sản xuất hoa cẩm tú cầu ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt. Vào thời điểm cuối tháng 12/2016, Trung thu bán mỗi ngày cho thương lái đến gom hàng chở đi từ 2.000- 3.000 cành. Hạch toán sơ bộ trong cả năm 2016, hoa cẩm tú cầu 2ha ngoài trời này đã mang về cho Trung khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi.
Doanh nghiệp với 20ha “hoa nhãn hiệu”
Cùng sản xuất tập trung các loại “hoa nhãn hiệu” Đà Lạt, trong vài năm gần đây, Công ty cổ phần Rừng Hoa Đà Lạt đã tăng diện tích các loại hoa cắt cành ( hồng, cúc, lily, cẩm chướng) từ 10ha lên 20ha ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Giám đốc công ty này, ông Nguyễn Đình Sơn nhận định: “Nhu cầu thị trường tiêu thụ hoa tươi cắt cành trong nước và xuất khẩu ngày càng khắt khe, công ty chúng tôi luôn chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống nhà kính cùng các dây chuyền, thiết bị công nghệ cao để chăm sóc, thu hoạch từng cành hoa sạch bệnh, hình dáng đạt các tiêu chuẩn về sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt”. Mỗi năm công ty đạt năng suất trung bình 600.000 cành hoa/ha, tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng/ha/năm…”
Tổng hợp của Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt cho biết, bước vào năm 2017, đã có gần 190 đơn vị doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình sản xuất- kinh doanh 11 loài hoa ở Đà Lạt và các vùng phụ cận được xét cấp chứng nhận sử dụng độc quyền nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt”. So với cùng kỳ, tăng thêm 85 đơn vị.

“ Năm 2017 khẳng định thêm một năm thành công của những đơn vị gắn nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” trên sản phẩm hoa đạt chất lượng cao của mình. Phòng kinh tế Đà Lạt tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan, tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa để giúp ngày càng nhiều những đơn vị sản xuất- kinh doanh hoa hoàn tất nhanh chóng những thủ tục cấp mới Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt”, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường hội nhập đang phát triển cà chiều rộng lẫn chiều sâu…”./. THANG 1/2017