Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Giảm phụ thuộc nguồn giống hoa nhập khẩu

VĂN VIỆT
Nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học nhận định rằng, Lâm Đồng hoàn toàn đủ điều kiện chọn tạo thành công các loại hoa cắt cành giống mới đạt chất lượng và năng suất cao, góp phần giảm chi phí sản xuất do phụ thuộc vào nguồn giống hoa nhập khẩu.

Khai sinh 12 giống hoa cúc, đồng tiền, cẩm chướng…
Đến nay, sản lượng hoa cắt cành ở Lâm Đồng (chủ yếu trên địa bàn Đà Lạt và các vùng phụ cận) đạt khoảng hơn 2,3 tỷ cành/năm. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ trong nước vẫn chiếm tỷ lệ lớn với 85- 90%, tỷ lệ còn lại 10- 15% xuất khẩu với sản lượng tập trung ở các doanh nghiệp sản xuất hoa quy mô lớn của tỉnh Lâm Đồng. Theo Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa thì nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là “do chưa đồng đều về chất lượng hoa và chưa đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật canh tác và quy trình quản lý sau thu hoạch. Bên cạnh đó, người sản xuất còn thiếu thông tin thị trường, tính chất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa quan tâm nguồn giống bản quyền…nên đã làm cản trở phần lớn sản phẩm hoa Lâm Đồng tiếp cận với thị trường nước ngoài…”
Với chức năng được giao, từ hơn 10 năm trước, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa đã tuyển chọn và trồng khảo nghiệm thành công các giống hoa cúc C41, C43 và cẩm chướng Ever Green, Ni Va nhập nội trên địa bàn Lâm Đồng, sau đó được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới đưa vào chuyển giao sản xuất rộng rãi. Từ đó, Trung tâm này tập trung chọn lọc và lai tạo các giống hoa mang bản quyền Việt Nam.
Kết quả đã khai sinh 12 dòng hoa cúc, đồng tiền và cẩm chướng lai tạo mới, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất. Qua thực tế canh tác trên đồng hoa ở Lâm Đồng và các tỉnh, thành khác trong nước cho thấy: Các giống hoa cúc C05.1, C05.3 C07.7, C07.16 và C07.24…có khả năng kháng bệnh rỉ sắt và ruồi đen, đạt tỷ lệ khá cao về hoa nở đồng đều, màu sắc phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tiếp theo là giống hoa đồng tiền G04.6, G04.7, G05.76 và G05.82…kháng bệnh nấm cổ hoa và ruồi trắng, đạt năng suất khá cao, màu hoa giữ tươi dài ngày. Cuối cùng gồm các giống hoa cẩm chướng D06.1, D06.9 và D06.10 kháng bệnh rỉ sắt và bệnh héo rũ, hoa nở dạng chùm tỏa mùi thơm, đạt sản lượng ổn định hàng năm.       
Triển vọng từ các tổ hợp lai hàng trăm dòng hoa
Ông Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa, đánh giá: “Việc chọn tạo giống hoa mới của Trung tâm chúng tôi là bước tiến đóng góp quan trọng vào việc phát triển khoa học công nghệ xây dựng bản quyền giống hoa Việt Nam, phục vụ đắc lực cho sản xuất và xuất khẩu hoa của Việt Nam trong tương lai, giảm dần phụ thuộc vào nguồn giống hoa nhập khẩu từ nước ngoài…” Được biết, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa đã chọn lọc từ các tổ hợp lai hàng trăm dòng hoa hồng, cúc, đồng tiền, cẩm chướng, lay ơn… có triển vọng đưa vào sản xuất. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có kinh phí đầu tư, nên trước mắt chỉ đang dừng lại ở phạm vi trồng khảo nghiệm.
Tương tự ở Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng, những năm gần đây, đã chọn tạo, bổ sung vào nguồn giống hoa mới của địa phương nhiều giống hoa địa lan, hoa đồng tiền với đa dạng màu sắc. Bước đầu đưa vào sản xuất, các giống hoa lai tạo mới ở Trung tâm này cũng đã chứng tỏ sự hấp dẫn về màu sắc, hình dạng, độ bền, giúp người sản xuất nâng cao giá trị kinh tế thu nhập, góp phần giảm phụ thuộc nguồn giống hoa nhập khẩu qua từng mùa vụ.
Để lai tạo, phát triển ngày càng phong phú sản phẩm hoa đạt chất lượng xuất khẩu ở Lâm Đồng trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng đề xuất cần tăng cường hơn nữa các nguồn vốn đầu tư về nghiên cứu lai tạo các dòng hoa có tính trạng mới lại, thích ứng với điều kiện khí hậu ôn hòa của Đà Lạt và các vùng phụ cận. Qua đó, không ngừng nâng cao năng lực sản xuất các giống hoa chọn tạo của các đơn vị chuyên sâu trên địa bàn Lâm Đồng./.
THÁNG 1/2017