Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Rau GAP Đơn Dương- Thương hiệu Đà Lạt

VĂN VIỆT
Sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, HTX Thiện Thanh vừa được UBND thành phố Đà Lạt cấp Chứng nhận độc quyền sử dụng nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” trên sản phẩm cung ứng đến hệ thống siêu thị và các chợ rau đầu mối ở nhiều tỉnh, thành trong nước.

Khởi nghiệp với cà chua Đơn Dương
Cách đây gần 10 năm, nam thanh niên 8X, Trần Thiện Thanh ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương đã quyết định “tạm gác” nghề cơ khí để trở về khởi nghiệp theo nghề truyền thống trồng rau, hoa của gia đình. Cũng như những hộ nông dân khác, Thanh chọn cà chua làm cây trồng sản xuất chủ lực, từ đó qua từng mùa vụ đã thường hay “nếm trải” cảnh may- rủi ở thị trường đầu ra ngoài hợp đồng.
    Mong muốn ban đầu chỉ đưa sản phẩm cà chua đất Đơn Dương trực tiếp đến tay người tiêu dùng ở quê hương miền Trung Nam Bộ của ba mẹ mình, trên diện tích gần 1,5ha, Thanh sản xuất cuốn chiếu rồi thu hoạch đóng thùng, chuyển ra các chợ quê bán mỗi ngày vài chục ký đến gần trăm ký. Nhờ cà chua Đơn Dương của Thanh với chất lượng khác biệt, giá cả cạnh tranh (vì không bán qua khâu trung gian), nên những giỏ hàng đầu tiên đã tiêu thụ rất nhanh ngoài dự kiến. Từ đây, Thanh nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần và tập hợp dần dần từng nhóm hộ nông dân sản xuất cà chua theo hình thức liên kết ổn định.
“ Sau 10 năm khởi nghiệp sản xuất cây cà chua gắn với việc khai thác thị trường đầu ra – may mắn không chỉ mang lợi nhuận căn bản sau mỗi chuyến hàng, mà còn được kết nối với bạn hàng lớn từ nhiều vùng miền trong nước đến cùng hộ gia đình chúng tôi trên đất Đạ Ròn, Đơn Dương để khảo sát thực địa, ký kết hợp đồng theo chuỗi giá trị hơn 20 mặt hàng rau các loại. Trong đó đáng kể nhất là những hợp đồng triển khai hàng năm với Công ty Vineco, một công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup, mỗi tháng cung cấp gần 175 tấn rau, doanh thu khoảng 2,4 tỷ đồng…”- Thanh cho biết.    
Thị trường lớn với thương hiệu rau Đà Lạt
Ngày 29/01/2016, HTX Thiện Thanh chính thức hoạt động tại số 98, thôn Suối Thông B1, xã Đạ Ròn, Đơn Dương. Nam thanh niên 8X Trần Thiện Thanh được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX với 33 thành viên sản xuất hơn 52ha diện tích rau VietGAP, gồm 1ha nhà kính, nhà lưới và 51ha sử dụng màng phủ ni lông ngoài trời, bón phân qua hệ thống tưới nước ngầm tự động nhỏ giọt, phun mưa...
 Tôi đến tham quan vườn rau của anh Thái Thành Tân, một hộ thành viên của HTX Thiện Thanh đang lúc thu hoạch rau xà lách trong nhà lưới 3.000mét vuông. Đây là diện tích nhà lưới mới lắp đặt và đưa vào sử dụng trong năm 2016 với tổng giá trị đầu tư gần 55 triệu đồng, trồng luân canh các loại rau ngắn ngày như bên cạnh các loại xà lách còn có cải thảo, bắp sú… “ Hộ gia đình chúng tôi sản xuất rau VietGAP trên tổng diện tích 1,6ha. Sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm của HTX Thiện Thanh, được biết trước khoản lợi nhuận của mình để yên tâm đầu tư. Trước khi tham gia HTX Thiện Thanh, sản phẩm rau thu hoạch của hộ gia đình chúng tôi phải bán ra theo mức giá thông báo của thương lái sau khoảng 7 ngày nhận hàng. Cũng có lúc, thương lái đến đặt cọc mua cả vườn rau sú, cải thảo, xà lách…mới 10- 15 ngày sinh trưởng. Đến khi thu hoạch bất ngờ gặp giá thị trường giảm ở thấp nhất, thương lái thường chịu mất tiền cọc để không trở lại vườn rau nữa…Nông dân chúng tôi phải bỏ mặc từng luống rau tự phân hủy giữa mưa, nắng tại vườn… ”- Tân nói.
Giám đốc HTX Thiện Thanh, nam thanh niên 8X Trần Thiện Thanh nói thêm: “ Trong năm 2016, giữa HTX và hộ gia đình thành viên đều ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ ổn định từng loại rau phù hợp với từng điều kiện về đất đai, nguồn vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật canh tác…” Cụ thể, bên HTX phải chịu trách nhiệm tiêu thụ hàng hóa do bên hộ thành viên sản xuất để cung cấp cho siêu thị trong nước. Bên hộ thành viên phải ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất theo quy trình VietGAP. Hai bên hợp tác trên tinh thần cùng có lợi và hỗ trợ lẫn nhau. Nếu xảy ra bất đồng, hai bên sẽ giải quyết bằng hình thức thương lượng…
   Bên cạnh thị trường siêu thị, đến nay, rau VietGAP của HTX Thiện Thanh ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương đang cung cấp thị trường các chợ đầu mối ở Thủ Đức, Bình Điền ( TPHCM), Long Khánh (Đồng Nai) và ở các tỉnh Đắk Nông, Bà Rịa- Vũng Tàu… với mỗi tháng đạt tổng sản lượng trung bình 150 tấn, doanh thu 1,1 tỷ đồng
Đặc biệt qua kết quả kiểm tra quy trình đạt chuẩn VietGAP trên 52ha của 33 hộ gia đình thành viên sản xuất trên vùng rau xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, trong tuần đầu tiên của năm mới 2017, UBND thành phố Đà Lạt đã ban hành quyết định cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt” cho HTX Thiện Thanh.
Thống kê vào thời điểm đầu năm 2017, UBND thành phố Đà Lạt đã xét cấp Chứng nhận độc quyền sử dụng nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” cho gần 45 cơ sở sản xuất các loại đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trong đó chiếm 80% ở vùng rau Đà Lạt; 20% còn lại ở vùng rau Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương. Trong năm 2016 vừa qua, doanh thu tăng trung bình 30% đối với mỗi cơ sở sản xuất gắn nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”.
Chính thức ghi danh vào 1 trong 45 cơ sở sản xuất được cấp UBND thành phố Đà Lạt cấp Chứng nhận nhãn hiệu :Rau Đà Lat”, Giám đốc Trần Thiện Thanh nhận định: “Tin vui sử dụng độc quyền nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” cho HTX Thiện Thanh là nguồn động lực mới giúp chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích gắn với nâng cao sản lượng và giá trị rau VietGAP trên đất Đạ Ròn, Đơn Dương trong năm mới 2017 này…”THÁNG 01/2017