VĂN VIỆT
Nông gia Tô Quang Dũng ( thế hệ cuối 7X) ở phường 8, Đà
Lạt mạnh dạn đầu tư nguồn vốn khá lớn để áp dụng cùng lúc 3 công nghệ canh tác
rau đạt chất lượng xuất khẩu, gồm: thủy canh, địa canh và bán thủy canh, mang
về lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm.
Từ địa canh cây mới
Bây giờ cứ giữa buổi trưa hàng ngày, bất kể mùa khô
hay mùa mưa, căn nhà số 450, đường Nguyên Tử Lực, Đà Lạt lại khẩn trương sơ chế
cả ngàn ký rau công nghệ cao các loại vừa thu hoạch để kịp chuyển đến các siêu
thị, chợ đầu mối và các doanh nghiệp xuất khẩu ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng
ngay trong ngày. Điều đặc biệt ở đây gồm những sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn GAP
của Việt Nam và quốc tế, được chủ nhà Tô Quang Dũng tổng hợp các giải pháp công
nghệ đã tiếp cận từ Hà Lan, Nhật Bản, Malaysia…để triển khai phù hợp với đặc
điểm sinh thái của từng khu vực nhà kính, tọa lạc trên diện tích trang trại gần
4,5ha của mình ở xã Lát và xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.
Trong đó, ở xã Đạ Sar với công nghệ sản xuất rau địa
canh (rau trồng trực tiếp xuống đất), chủ nhân Tô Quang Dũng chọn cây ớt chuông
(ớt ngọt) làm cây chủ lực, kết thúc mỗi vụ thu hoạch sẽ luân canh với các loại rau
ăn lá ngắn ngày khác. Đến đầu tháng 8/2016, Dũng đang thu hoạch sản phẩm ớt chuông
đến tháng thứ 3 trên diện tích 1ha, sản lượng bình quân mỗi ngày từ 300- 400kg.
“ Trang trại mua giống ớt chuông mới nhập từ Hà Lan về trồng địa canh trên diện
tích đất trước đây chỉ trồng các loại cây hoa màu ngoài trời. Trồng cây mới
trong nhà kính công nghệ cao, phủ màng ni lông trên mặt đất, trên đó bố trí từng
ô hình tròn, mật độ trồng khoảng 40.000cây/ha, nên ở vụ mùa đầu tiên, gần như
không xuất hiện sâu bệnh gây hại. Chăm sóc ớt chuông theo quy trình thực hành
nông nghiệp tốt, tưới cây bằng chế độ tự động, hơn 90 ngày xuống giống sẽ bắt
đầu vào thời kỳ thu hoạch kéo dài đến khoảng hơn 10 tháng sau…”- Dũng nhận định.
Và Dũng
cũng đưa ra giá trị sản xuất trong cả vụ mùa ớt chuông địa canh khoảng 14 tháng
là: trung bình mỗi cây thu hoạch 4kg, nhân lên 40.000cây/ha, thành tổng sản
lượng 160 tấn. Với giá thị trường trong 3 tháng vừa qua khoảng 25.000 đồng/kg,
trừ hết mọi chi phí, Dũng nắm chắc phần lãi 2 tỷ đồng trên 1ha ớt chuông
này.
Đến bán thủy canh và thủy canh đất cũ
Nhìn lại cách đây hơn 5 năm, nông gia Tô Quang Dũng từ
Đà Lạt vào xã Lát, huyện Lạc Dương quyết định lắp đặt hơn 3.000m² nhà kính trồng rau bó xôi và các loại rau xà
lách theo phương pháp địa canh, vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm. Nhờ nhanh nhạy
nắm bắt thị trường kết hợp tinh thần chịu khó học hỏi kỹ thuật từ mọi nơi, mọi
lúc, Dũng bắt tay trồng rau bó xôi và các loại rau xà lách theo phương pháp cuốn
chiếu, mỗi tháng thu hoạch 3 lần, sản lượng mỗi lần từ 1,8- 2 tấn/1.000m², ước thu lãi trung bình hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, theo hợp
đồng cung ứng rau xà lách, rau bó xôi quanh năm, Dũng phải sản xuất địa canh từ
lứa rau này đến lứa rau khác, dẫn đến khả năng hấp thu dinh dưỡng trong đất ngày
càng giảm xuống, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Nhận ra những hạn chế của tình trạng “cây quen, đất
cũ” cần khắc phục, Dũng chuyển sang hình thức trồng luân canh các loại rau ăn
lá trong nhà kính. Đến năm 2014, sau khi khai thác thêm nhiều thị trường mới,
Dũng lần lượt mở rộng diện tích hơn 2ha nhà kính ở xã Lát, huyện Lạc Dương nêu
trên để trồng cà chua beef và ớt sừng bằng công nghệ bán thủy canh. Theo đó,
hai loại cây này được trồng trên giá thể phối trộn xơ dừa, trấu, than…với các
chế phẩm sinh học để nuôi bộ rễ thông qua lượng phân bón cung cấp theo hệ thống
nước nhỏ giọt tự động, hàng ngày bơm lên từ nguồn nước ngầm trong lòng đất.
Kết quả đến nay, Dũng cho biết: “ Áp dụng kỹ thuật bán
thủy canh của Hà Lan, mật độ trồng ớt sừng 35.000cây/ha, qua 100 ngày chăm bón
tích cực đã thu hoạch liên tục đến một năm sau, đạt tổng sản lượng khoảng 90 tấn
xuất khẩu sang Nhật Bản. Tương tự, cà chua beef với mật độ trồng 28.000 cây/ha.
Thời gian từ lúc xuống giống đến ngày thu hoạch cuối cùng trong một vụ mùa
khoảng 8 tháng. Năng suất trái cà chua từ 7- 8kg/cây, thu hoạch và bán tươi
trong ngày đến các siêu thị và chợ rau đầu mối ở nhiều vùng miền trong nước.
Hạch toán lợi nhuận trồng ớt sừng và cà chua bán thủy canh cũng đạt tương đương
2tỷ đồng/ha/năm… ”
Riêng 2.000m² trồng
thủy canh khoảng 5 loại xà lách Mỹ ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, Dũng đã đầu tư
gần 1 tỷ đồng khép kín dây chuyền cung cấp và thu hồi dung dịch nước hòa tan
phân hữu cơ với các loại dưỡng chất sinh học. Nếu tính chung kinh phí đầu tư
nhà kính thì con số này cộng lại gần 1,5 tỷ đồng. Tham quan một vòng nhà kính
thủy canh, tôi cảm nhận được một không gian trong lành, khoáng đạt, hoàn toàn
không có mùi thuốc bảo vệ thực vật. Từng đường rau xà lách thủy canh sắp đặt
ngay hàng thẳng lối, nối tiếp theo mỗi khu vực trồng từ 3 ngày đến 30 ngày
tuổi, nên mỗi ngày đều có sản phẩm thu hoạch khoảng 250- 300kg/2.000m².
“So sánh xà lách địa canh thì xà lách
thủy canh tăng sản lượng gấp 2- 3 lần, giá bán ra cao hơn từ 10- 15%. Và công
nghệ bán thủy canh trên cây cà chua và cây ớt sừng đã cách ly sự xâm nhập của
các loài bệnh hại sinh sôi trong lòng đất, có thể chuyên canh ngày này qua
tháng khác. Riêng công nghệ trồng ớt chuông địa canh cần luân canh với các loại
rau ngắn ngày nhằm cải tạo đất tơi xốp, sạch bệnh trước khi xuống giống trồng
vụ mới….”- nông gia Tô Quang Dũng chia sẻ kinh nghiệm./THÁNG 8/2016