Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Hai vùng rau GAP Thảo Nguyên

VĂN VIỆT
Sau 15 năm cung cấp rau mang thương hiệu Thảo Nguyên, nông dân Nguyễn Lam Sơn ở Thánh Mẫu, Đà Lạt đã xây dựng 70ha diện tích hai vùng rau GAP sản xuất theo hợp đồng ở thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng, ổn định đầu vào và đầu ra trong từng thời vụ.

Đưa rau an toàn vào hội chợ
Khởi nghiệp kinh doanh rau, củ, quả của nông dân Nguyễn Lam Sơn ( sinh năm 1968) bắt đầu rõ nét vào cuối năm 2001 khi tham gia một hội  chợ trưng bày rau an toàn ở thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đó anh Sơn cùng những hộ gia đình người thân chọn ra các sản phẩm rau an toàn, canh tác chủ lực trên 10ha ở khu vực Thánh Mẫu, Đà Lạt, như: súp lơ, bắp cải, khoai tây, carrot, bó xôi, cải thảo, xà lách…giới thiệu trong một tuần lễ diễn ra hội chợ này. “ Ngay trong ngày đầu tiên khai mạc hội chợ ở thành phố Hồ Chí Minh, quày rau an toàn Đà Lạt quy mô hộ từng gia đình chúng tôi không ngờ thu hút khá đông khách hàng tiêu dùng và khách hàng đối tác tham quan, tìm hiểu về thời vụ, nguồn giống, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, giá thị trường bán sỉ, lẻ hàng năm…Đến ngày cuối cùng hội chợ thì đại diện hệ thống siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề khảo sát, trao đổi một số nội dung hợp tác trên đồng rau chúng tôi …”- anh Sơn nhớ lại.
Cũng theo lời anh Sơn, 15 năm trước, nông dân Đà Lạt mới thực hành trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn trong tỉnh Lâm Đồng vì chưa tiếp cận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP như bây giờ. Trong đó có trên 10ha rau an toàn của hộ gia đình Nguyễn Lam Sơn và của những người thân cũng chỉ bắt đầu sản xuất theo quy trình thích ứng với nắng, mưa ngoài trời. Nhưng bù lại ở phần lớn nguồn giống rau canh tác đều đảm bảo xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, có khả năng đề kháng với nhiều loại dịch hại, nên không cần thiết phải sử dụng nhiều lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Bởi vậy, sau khi trực tiếp lên đồng rau của đại gia đình anh Sơn lấy các mẫu đất, nước, sản phẩm thu hoạch… kiểm định đạt trong ngưỡng an toàn, đại diện hệ thống siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh chính thức ký hợp đồng tiêu thụ ổn định thời hạn một năm đầu tiên. Kết quả, mỗi ngày thương hiệu “Rau Thảo Nguyên” của Sơn đã cung ứng siêu thị thành phố Hồ Chí Minh từ 2- 3 tấn rau an toàn các loại đạt yêu cầu chất lượng. Từ đó, Sơn dần dần xây dựng và nâng cao uy tín, mở rộng liên kết thêm nhiều đối tác thu mua các loại “Rau Thảo Nguyên” với sản lượng tăng liên tục đến nay lên đến 15 tấn rau VietGAP mỗi ngày.
Mỗi vùng GAP một thế mạnh
“Mừng nhiều vì gắn kết được với đối tác đầu ra, nhưng cũng lo không ít khi tìm đối tác đầu vào là người nông dân sản xuất rau ở Đà Lạt và các vùng phụ cận…”- Sơn tâm sự. Thực tế, những năm về sau này, hợp đồng ký kết với đối tác tiêu thụ không chỉ ở hệ thống siêu thị và khách sạn, nhà hàng ở thành phố Hồ Chí Minh; mà còn thâm nhập thị trường thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận; bên cạnh đạt chất lượng VietGAP còn phải đáp ứng về sản lượng và chủng loại rau thu hoạch hàng ngày, hàng tuần. Với những điều kiện này, khi Sơn tìm gặp từng hộ nông dân đều phải tích cực trao đổi thường xuyên, đồng thời thông qua các mối quan hệ nông dân quen biết với nông dân, cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất lâu năm mới nhận được sự đồng thuận ký hợp đồng thực hiện. Sơn lên kế hoạch tổ chức ký hợp đồng liên kết với nông dân thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu ở địa bàn thành phố Đà Lạt. Giai đoạn sau ở địa bàn thị trấn Liên Nghĩa và xã Tân Hội, huyện Đức Trọng.
Cứ sau 1 năm kết thúc hợp đồng đầu vào- đầu ra, chủ nhân thương hiệu “Rau Thảo Nguyên”, Nguyễn Lam Sơn cùng ngồi lại với các bên đánh giá, bổ sung những nội dung thiết thực trong hợp đồng 1 năm tiếp theo. Đến nay, qua 15 lần thực thi hợp đồng liên kết với nông dân, thương hiệu “Rau Thảo Nguyên” đã tổ chức sản xuất theo kế hoạch trên 2 vùng rau VietGAP ở Đà Lạt và Đức Trọng, mỗi vùng chọn canh tác “gối đầu” những sản phẩm thế mạnh khác nhau. Đó là bố trí sản xuất cho gần 10 hộ gia đình ở vùng rau Đà Lạt với bắp cải trắng, bắp cải tím, tần ô, củ dền, cải thảo, bó xôi….; vùng rau Đức Trọng với khoảng 15 hộ gia đình sản xuất cà chua, carrot, su su, củ cải, su hào, cải thìa…Toàn bộ sản phẩm “Rau Thảo Nguyên” thu hoạch đưa vào sơ chế cắt gọt, rửa sạch, đóng gói…vận chuyển đến các tỉnh phía Nam trong ngày; đưa ra đầu mối tiêu thụ ở Hà Nội bằng xe lạnh trong vòng 28 tiếng đồng hồ.
“Dù chưa thống kê chính thức sản xuất liên kết thu lợi nhuận chi tiết trên một đơn vị diện tích, song thực tế đời sống từng hộ gia đình nâng cao qua hàng năm khá rõ nét. Không còn tình trạng rau thu hoạch bị ế thừa như trước đây canh tác phân tán, nhỏ lẻ. Nhiều hộ được Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên chúng tôi cho vay vốn từ 100- 200 triệu đồng/hộ, không tính lãi suất một năm để lắp đặt mới diện tích nhà kính công nghệ cao. Mục tiêu 3 năm tới, chúng tôi sẽ tăng cường gặp gỡ từng hộ gia đình nông dân để thiết lập hợp đồng sản xuất 2 vùng rau GAP Đà Lạt và Đức Trọng tăng thêm diện tích khoảng 30ha … ”- Chủ doanh nghiệp “Rau Thảo Nguyên” chia sẻ.
Theo Phòng Kinh tế Đà Lạt, thương hiệu “Rau Thảo Nguyên” đã được cấp chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Rau Đà Lạt”, tạo thêm một lợi thế mới giúp nông dân - doanh nhân Nguyễn Lam Sơn vững tin hơn trong  phát triển chiến lược sản xuất, kinh doanh trên 2 vùng rau GAP Đà Lạt và Đức Trọng trong thời gian tới./.
THANG 8/2016