Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Nhà nông 3 trong 1 ở Mê Linh

VĂN VIỆT
Nhà nông Lưu Thành Vui ở xã Mê Linh, Lâm Hà đã và đang phân công lao động trong gia đình sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm từ nguyên liệu đến chế biến công nghiệp và xúc tiến thương mại, góp phần hạn chế mất cân đối cung- cầu sau những vụ mùa thu hoạch. 

Nuôi chồn hương và rang xay cà phê
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh, Lâm Hà, anh Ha K’Lê bảo tôi cứ đến bên cầu Cam Ly Thượng dừng lại là “chạm cửa” nhà nông Lưu Thành Vui với nhiều kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ. Được hẹn trước, ông Vui bố trí cả buổi sáng làm hướng dẫn viên cho tôi trải nghiệm, ghi nhận những bước phát triển kinh tế trong hộ gia đình nông dân “3 trong 1” của mình. Đang lúc có nhiều khách hàng là người hưu trí dùng trà, cà phê quây quần bên bộ bàn ghế gỗ lũa, tôi được mời vào ngồi chung, chuyện trò cởi mở.
“ Mời khách Đà Lạt một ly cà phê chồn đặc sản của Mê Linh, Lâm Hà nhé ! ”- Vừa nói, ông Vui bước nhanh đến quày xay hạt nhân thành bột rồi pha chế một ly cà phê đậm đặc cho tôi. Đã sang tuổi lục thập, trông ông Vui vẫn khá hoạt bát. Trong khoảng thời gian không quá mười phút, ông Vui đã “vận hành” xong các thao tác pha chế cà phê giữ lại hương vị và nguyên chất hoang dã của…cà phê. Cụ thể, bỏ vào chiếc cối nhỏ một lượng hạt nhân cà phê đã rang giòn để xay bột đen mịn, vừa đủ múc vài muỗng đổ vào ngăn trên của chiếc bình thủy tinh, ngăn dưới đựng nước tinh khiết. Đặt bình thủy tinh lên chiếc chén cồn bằng lòng bàn tay, bật lửa đốt. Nước sôi ngăn dưới phả lên ngăn trên, ngấm đều trong lớp cà phê bột. Khi cháy hết lửa, lượng nước cà phê đen hoàn nguyên về ngăn dưới để rót ra ly bốc hơi nóng hổi.  
“Tôi thường xuyên uống cà phê buổi sáng của quán ông Vui vì biết rõ chất lượng an toàn thực phẩm, hoàn toàn không hòa trộn hóa chất. Hơn nữa, giá ly cà phê chồn hoặc cà phê phơi khô rang xay ở đây chênh lệch không đáng kể, chỉ ngang bằng với mức giá ở các quán cà phê bình thường ở phố huyện mà thôi…”- ông Thư, một cán bộ hưu trí định cư hơn 30 năm ở xã Mê Linh, đánh giá.
Nhâm nhi vừa hết ly cà phê, tôi được chủ nhân Lưu Thành Vui dẫn ra khu chuồng nuôi hơn 20 con chồn hương, tổng diện tích khoảng 60 mét vuông, khá bài bản và vệ sinh sạch sẽ. Ông Vui kể lại rằng, gần 3 năm trước, ông tìm đến một trang trại ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Hòa mua một lần về nuôi hơn 20 con chồn hương, tổng số tiền hơn 100triệu đồng. Phải mất mấy tháng đầu chăm sóc cho đàn chồn hương thích nghi với khí hậu vùng phụ cận Đà Lạt, ông Vui mới bắt đầu thử nghiệm cho từng con chồn ăn cà phê nguyên trái chín để thu hoạch hạt nhân thải ra ngoài. 

Nhờ kỹ thuật viên của trang trại bán chồn hương trực tiếp hướng dẫn, ông Vui dần dần tiếp cận đầy đủ quy trình nuôi chồn hương và sản xuất cà phê chồn được khách hàng tin dùng.
Theo đó, vào mùa thu hoạch cà phê, nhiều lao động trong hộ gia đình ông Vui chia nhau mỗi người mỗi khu vực chọn hái bằng tay từng trái chín mọng vào thời điểm chiều mát hàng ngày. Đem về nhà rửa sạch, bày biện ra đĩa cho chồn ăn được ngon miệng. Sau một đêm tiêu hóa, sáng sớm ra thu gom toàn bộ lượng phân cà phê chồn thải phân ngoài. 
Đổi bữa ăn quay vòng cho chồn bằng tỷ lệ 2 bữa ăn trái chín cà phê với 1 bữa ăn cháo gà. Kỹ thuật chế biến cà phê chồn tiếp theo được thực hành quy trình khép kín với 2 giai đoạn chính: Giai đoạn thứ nhất, đãi rửa trôi toàn bộ lớp phân chồn bao quanh bên ngoài; đem phơi khô ngoài trời từ 3- 4 nắng; đưa vào máy làm sạch vỏ lụa của hạt nhân, phơi khô thêm lần nữa. Giai đoạn thứ hai, trải đều hạt nhân cà phê chồn lên sàn phân loại, lấy hạt chắc và bỏ hạt lép. Đưa vào rang khoảng 90 phút mới đong vào các túi ni lông buộc chặt, ủ ấm từ 4- 5 ngày rồu thu hạt sản phẩm, xay thành bột cà phê pha chế sử dụng.
Đến nay, trang trại gia đình ông Vui thâm canh 10ha cà phê kinh doanh, trong đó chiếm 70% cà phê vối  (sản lượng 4- 5 tấn nhân/năm) và 30% cà phê chè (sản lượng 15- 20 tấn tươi/năm). 3 năm gần đây, mỗi năm, bên cạnh việc phát triển kinh doanh tại nhà ở xã Mê Linh, Lâm Hà, ông Vui không ngừng tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nên sản phẩm cà phê chồn và cà phê chế biến thông thường đã tăng lên một phần đáng kể trong tổng sản lượng thu hoạch cà phê nguyên liệu. Riêng dây chuyền chế biến cà phê của gia đình ông Vui đã trang bị đồng bộ bằng thiết bị máy móc của Pháp.      
An toàn rượu nếp ủ men lá
Nhưng không chỉ có sản phẩm cà phê chế biến, mấy tháng vừa qua, khách du lịch trong nước và nước ngoài ghé lại quán nhà của ông Vui được cảm nhận hương vị nồng thơm đặc trưng của nước rượu nếp cái hoa vàng. Đây là nghề ủ rượu gia truyền nhiều đời của gia đình ông Vui, nay khôi phục trở lại, mong muốn tạo thêm một mặt hàng “cây nhà lá vườn” chế biến mới, nhằm chung tay phục vụ các tour du lịch dã ngoại của Lâm Đồng. Hỏi về công thức ủ rượu nếp cái hoa vàng, ông Vui chia sẻ: “ Nếp cái hoa vàng sản xuất từ vùng đồng bằng Bắc Bộ hoặc một vài thửa ruộng ở xã Tân Văn, Lâm Hà, mua về nấu chín bằng hơi nước trên nồi cách thủy. Trộn đều, đưa vào trong các chum vại ủ dưới một loại lá rừng lên men thu hái từ các vùng rừng núi Tây Bắc. Sắp đặt tuần tự các chum ủ men rượu trong hầm sâu từ 2,5- 3m, đến 100 ngày sau mới đưa ra sử dụng…”
Ông Vui khai sinh tên rượu là “Rượu Bách Nhật” đóng gói bao bì, chuyển đi phân phối nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, hiện số lượng khách hàng đặt mua với chiều hướng tăng dần. “Khách Đà Lạt nên uống thử thêm một ly rượu bách nhật của xã Mê Linh để biết…”- thêm một cán bộ hưu trí nhiệt tình mời. Tôi nâng ly, cảm nhận từng vị ngòn ngọt của nếp, đắng thơm, cay cay của lá rừng lên men. Như muốn giúp tôi giải tỏa ngay những ngờ vực về chất lượng rượu vừa uống thử, chủ nhân Lưu Thành Vui mở trong tập hồ sơ kinh doanh cho mọi người cùng xem “Giấy Chứng Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với sản phẩm cà phê bột và rượu bách nhật” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cấp đến hết thời hạn vào tháng 5/2018.     
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh, Lâm Hà, anh Ha K’Lê nhận định: “Mô hình sản xuất kết hợp với chăn nuôi và chế biến nông sản của hộ gia đình ông Lưu Thành Vui đang cần khuyến khích nhân rộng, nhằm góp phần khắc phục tình trạng được mùa, mất giá và được giá, mất mùa vẫn còn xảy ra trên địa bàn…”/.
THANG 8/2016