VĂN VIỆT
Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và
Tây Nguyên vừa hoàn thành 3 năm nghiên cứu, gây trồng thử nghiệm cây hoàng liên
ô rô và cây bá bệnh dưới tán rừng Lâm Đồng. Đây là 2 loài cây dược liệu hoang
dã làm nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược trong nước, mang lại nhiều ý nghĩa
về giá trị kinh tế và hiệu quả sử dụng đất rừng.
Các tài liệu khoa học đã ghi: Cây hoàng liên ô rô (mahonia
nepalensis DC) chứa hoạt chất berberine có tác dụng giảm đau, chống viêm nhiễm,
lợi tiểu; chữa kiết lị, tiêu chảy…Cây bá bệnh (eurycoma longifolia jack) chứa hoạt
chất quassinoid hỗ trợ cơ thể tăng cường miễn dịch, giảm stress, chữa đái tháo
đường, viêm gan siêu virus…
Tuyển chọn 12 dòng cây có hàm lượng hoạt
chất cao
Điều tra của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và
Tây Nguyên đã xác định: Cây hoàng liên ô rô phân bổ trên địa bàn Đà Lạt và Lạc
Dương với độ cao từ 1.500m trở lên. Trong đó thường sinh trưởng tập trung thành
từng quần thể hơn 300m², chạy dọc ven các
khe suối dưới tán rừng thông 3 lá; hoặc rải rác từng đám nhỏ khoảng 15 cây, che
bóng bên trên là tán rừng hỗn giao lá rộng. Hàng năm hoàng liên ô rô vào mùa
hoa nở rộ trong 15 ngày cuối tháng 2; mùa trái chín bắt đầu giữa tháng 3 kéo
dài qua đầu tháng 5.
Và cây bá bệnh phân
bổ trên độ cao từ 200m đến hơn 1.100m, thuộc địa bàn 10 huyện, thành trong tỉnh
Lâm Đồng ( trừ Đà Lạt và huyện Đơn Dương). Với địa hình sinh trưởng gồm các tỷ
lệ 57% sườn dốc, 33% đỉnh đồi và 10% chân dốc, cây bá bệnh thường tái sinh tự
nhiên trên nương rẫy mới và dưới tán rừng thông 3 lá. Vào thời điểm 15 ngày
cuối tháng 3 hàng năm, cây bá bệnh nở hoa đồng loạt rồi đậu trái từ đầu tháng 3
đến đầu tháng 5.
Qua phân tích hàng loạt mẫu thu nhận trong nhiều môi
trường sinh thái khác nhau, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
đã chọn 6 dòng cây hoàng liên ô rô trong khu vực Vườn Quốc gia Bidoup- Núi Bà,
Langbiang, huyện Lạc Dương và khu vực thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, Đà Lạt, cùng
6 dòng cây bá bệnh tại xã Tân Thượng và xã Tam Bố, huyện Di Linh có hàm lượng
các hoạt chất berberine, quassinoid cao nhất để thử nghiệm gây trồng trên tổng
diện tích 2ha.
Nhân giống hữu tính và vô tính
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam
Trung Bộ và Tây Nguyên cho thấy: Hạt giống hoàng liên ô rô và bá bệnh thu hoạch
xong phơi khô, làm sạch, đưa vào tủ lạnh bảo quản ở nhiệt độ 10 độ C từ 3 đến 6
tháng trước khi gieo ươm. Đầu tiên, xử lý hạt giống sạch nấm bệnh và diệt trừ
mầm bệnh côn trùng 2 loài cây này bằng cách ngâm vào thuốc tím (KMnO4) trong
thời gian khoảng 10 phút. Tiếp theo vớt ra rửa sạch, rải đều hạt trên mặt khay
rồi phủ lên một lớp cát mịn. Tưới nước giữ độ ẩm liên tục từ 10- 20 ngày thì
hạt nẩy mầm đạt tỷ lệ từ 50- 55%. Chăm sóc phát triển thành các cặp lá mới đưa cây
con ra cấy vào bầu đất. Khi cây con có chiều cao từ 20- 25cm (khoảng 11- 12
tháng tuổi), đạt tiêu chuẩn “3 không” ( không bị sâu bệnh, không bị cụt ngọn và
không bị vỡ bầu đất) thì xuất vườn.
Với nhân giống vô tính cây hoàng liên ô rô và cây bá
bệnh, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên áp dụng phương pháp giâm
hom, sử dụng thuốc NAA nồng độ 0,5% để kích thích ra rễ. Giâm hom trồng ở dưới
tán rừng Lâm Đồng đạt tỷ lệ ra rễ 60% vào mùa mưa và 45% vào mùa khô.
Sau 18 tháng nhân
giống trồng thử nghiệm trên tổng diện tích 2ha với nhiều khu vực sinh thái khác
nhau, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã tổ chức 2 hội thảo
khoa học, tiếp nhận góp ý của nhiều nhà khoa học, quản lý, cán bộ kỹ thuật,
bước đầu đề xuất 2 quy trình kỹ thuật có thể áp dụng gây trồng 12 dòng hoàng
liên ô rô và bá bệnh dưới tán rừng thông 3 lá Lâm Đồng. Theo đó, hoàng liên ô
rô và bá bệnh có thể tạo cây con từ hạt và giâm hom trong túi bầu nhựa PE, kích
thước 7 x 14cm. Thành phần trong bầu đất gồm 75% đất mặt và 25% xơ dừa. Từ
tháng 4 đến tháng 5, phát dọn thực bì toàn diện, đào hố cách gốc cây thông khoảng
1,5m, kích thước hố 30 x 30 x 30cm, bón lót từ 100- 150gam phân hữu cơ vi sinh/hố.
Thời vụ trồng thuần loài hoàng liên ô rô và bá bệnh từ tháng 6 đến tháng 8, mật
độ 4.400 cây/ha, cự ly 1,5 x 1,5m.
Quy trình chăm sóc năm thứ 1 với 2 giai đoạn: Trồng
dặm trong tháng đầu tiên, nơi có tỷ lệ cây sống dưới 85%; tháng 10 và tháng 11,
phát dọn thực bì kết hợp xạc cỏ, vun gốc đường kính 80cm. Năm thứ 2 xử lý 2 lần
thực bì và vun xới gốc; 1 lần bón thúc phân NPK từ 50- 100gam/hố. Năm thứ 3 và
thứ 4 áp dụng các biện pháp kỹ thuật tương tự năm thứ 2. Ngoài ra còn áp dụng các
biện pháp ngăn chặn động vật phá họaị, làm đường ranh cản lửa, giảm vật liệu
cháy rừng…
Qua việc công bố những quy trình gây trồng cây hoàng
liên ô rô và bá bệnh sau 3 năm đầu tư nghiên cứu của Viện Khoa học lâm nghiệp
Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, thiết nghĩ, các cơ quan chuyên trách trong tỉnh Lâm
Đồng cần tổ chức phổ biến rộng rãi đến từng nông hộ ở địa phương, đồng thời bắt
tay vào chọn các dòng cây sinh trưởng tốt nhất, có hoạt chất dược tính cao nhất
để nhân giống cấy mô trồng đại trà theo quy hoạch từng vùng nguyên liệu tập
trung, phù hợp dưới những tán rừng thông 3 lá trên địa bàn./.
THÁNG 8/2016