Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Dâu tây ngoài trời - ít vốn, lời nhiều

VĂN VIỆT
Nhiều hộ nông dân ở xã Đạ Sar, Lạc Dương đã tiếp cận kỹ thuật mới để canh tác ngoài trời đối với các nguồn giống dâu tây đề kháng nhiều loại bệnh “hiểm nghèo”, đạt tỷ lệ lợi nhuận vượt trội so với mức vốn đầu tư ban đầu.

Dâu tây 4 năm tuổi vẫn đạt năng suất
Một sáng cuối tháng 8/2016 nắng trong, tôi đến khu vực Bãi Sậy thuộc địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương được trải nghiệm thu hái dâu tây trong những thửa vườn canh tác ngoài trời. Đây là khu thung lũng dâu tây chỉ cách mặt đường tỉnh lộ 723 vài trăm mét, nông dân đã góp tiền xây dựng thành một cung đường bê tông đủ rộng cho một chiều xe ô tô lên – xuống phục vụ sản xuất và tham quan du lịch. Nhìn từ đầu con dốc tiếp giáp với tuyến đường nhựa Đà Lạt- Nha Trang nơi này, hiện ra cung đường bê tông chạy vòng sườn đồi thông xanh mát trước khi bước vào những thửa vườn dâu bậc thang đậu trái chín đỏ mỗi ngày. “Ngày trước luồn rừng qua khu Bãi Sậy thường thấy nhiều người đãi thiếc. Mấy năm gần đây thì thường xuyên gặp đông khách du lịch đến chụp hình rừng thông, hái dâu tây ăn tươi tại chỗ và mua về nhà làm quà đặc sản cho chuyến đi… ”- một hộ nông dân trồng rau ở thung lũng Bãi Sậy kể.
Lúc này đã quá nửa buổi sáng, tôi được các nữ nhân công là người đồng bào dân tộc thiểu số trong xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương hướng dẫn hái xuống cẩn thận những trái dâu tây chín rộ để thưởng thức trực tiếp. Vị chua chua, ngọt ngọt chứa đầy nước hòa tan trong hương thơm dìu dịu đặc trưng giống dâu tây trồng ngoài trời, quanh năm thích ứng với khí hậu mưa nhiều, nắng ít của cao nguyên Langbiang. Hỏi cây dâu tây ở đây đã bao nhiêu năm tuổi, đại diện hộ gia đình chủ vườn Nguyễn Văn Lực cho biết: “ Trên tổng diện tích hơn 3.400 mét vuông, thời gian từ 4 năm trở về trước, gia đình chúng tôi trồng luân canh các loại rau bắp sú, cải thảo, khoai tây…,nhưng do ngày càng xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại rất khó phòng trừ, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và hiệu quả thu hoạch. Với mong muốn tăng thêm thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường canh tác, thời gian từ 4 năm trở về sau này, hộ gia đình chúng tôi tìm đến các cơ quan nghiên cứu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng để được tư vấn chọn cây trồng mới. Kết quả, hộ gia đình chúng tôi được chuyển giao kỹ thuật chuyển đổi trồng giống dâu tây ngoài trời, bắt đầu trên diện tích 1.400 mét vuông rồi mở rộng đến nay tăng lên tổng cộng 3.400 mét vuông…”    
Theo đó, hộ gia đình anh Lực mua cây dâu tây giống cấy mô từ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng) về trồng đồng loạt với mật độ 4.000 cây/1.000 mét vuông diện tích ngoài trời. Trồng dâu tây trên từng luống đất đắp cao từ 25- 30cm, cây cách cây 35- 40cm, hàng cách hàng 40- 45cm. Tính theo thời giá hiện thời 4.000 đồng/cây giống dâu tây thì diện tích 1.000 mét vuông trồng 4.000cây với nguồn vốn 16 triệu đồng. Cộng với hơn 14 triệu đồng lắp đặt hệ thống béc tưới được bơm lên từ nguồn nước mạch ngầm trong lòng đất, thành tổng chi phí đầu tư hơn 30 triệu đồng.
Với kỹ thuật bón phân và tưới nước cân đối liều lượng, thường xuyên giữ sạch cỏ kết hợp với cắt cành tỉa lá đúng thời điểm, đã đưa diện tích dâu tây 3.400 mét vuông của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Lực ở Suối Cạn, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương đang thu hoạch từ tuổi cây năm thứ nhất đến năm thứ tư với tổng năng suất từ 100- 200kg/2 ngày. Nhân mức giá thị trường tháng 8/2016 là 80.000đồng/kg, thành tổng doanh thu 8- 16triệu đồng/2 ngày/3.400 mét vuông.   
Đề kháng với bệnh thối rễ, cháy lá
Cùng tọa lạc ở khu thung lũng Bãi Sậy, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương còn có vườn dâu 6.000m² của hộ gia đình chị Lê Thị Thu Hà đang chăm sóc và thu hoạch với nhiều lứa cây khác nhau. Trong đó gồm 3.000m² vườn dâu sinh trưởng hơn 2 tháng tuổi, thu bói khoảng 10kg/2ngày. Và 3.000m² vườn dâu 2 năm tuổi, thu hoạch từ 150- 200kg/2 ngày. “Đất Bãi Sậy trồng rau thì luân canh nhiều loại giống khác nhau, cứ 3- 4 tháng phải cải tạo đất trồng mới trở lại. Còn trồng cây dâu tây ngoài trời của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng sản xuất, nếu chăm sóc tích cực đến hơn 4 năm sau mới xuống giống tái canh. Hơn nữa, hộ gia đình chúng tôi đã tự sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà phê để cung cấp dinh dưỡng cho cây dâu tây, đồng thời tưới tiêu bằng nguồn nước ngầm an toàn, góp phần giúp cây dâu tăng thêm sức đề kháng đối với các loại bệnh cháy rễ, thối lá chết hàng loạt vẫn còn xảy ra trong mùa mưa ở những vùng dâu tây khác…”- chị Hà chia sẻ.
Dự kiến trong năm 2017, hộ gia đình chị Lê Thị Thu Hà tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu tây ngoài trời khoảng 5.000m² ở khu vực Đạ Đum, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Bởi thực tế bạn hàng ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ đặt hàng tiêu thụ dâu tây ngoài trời của chị Hà ngày một nhiều, nhưng diện tích sản xuất hiện có thì sản lượng thu hoạch đến đâu bán hết nhanh đến đó.
Từ kết quả sản xuất dâu tây ngoài trời của khu Bãi Sậy, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương trong 4 năm vừa qua, thạc sĩ Hà Minh Lương, cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, đánh giá: “ Nếu so sánh với giống dâu tây Sweet Charlie cao cấp đang trồng ở nước Mỹ thì các giống dâu tây canh tác ngoài trời ở Bãi Sậy, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương ( có tên gọi D4 và D7) đạt chất lượng tương đương, nhưng năng suất cao hơn từ 40g/cây/tháng trở lên…Đây là con số triển vọng để  tiếp tục khôi phục và phát triển diện tích trồng dâu tây ngoài trời ở các vùng đất Lạc Dương, Đà Lạt, Đơn Dương…”/.THANG 8/2016