Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Xuống biển đi…leo núi


VĂN VIỆT

Quy Nhơn – Sông Cầu có tuyến Quốc lộ 1D được xem là một trong những tuyến đường ven biển đẹp nhất Việt Nam. Khá nhiều tour du lịch gia đình tham quan bên cung đường này để tận hưởng cảm giác mặn nồng của biển biếc cuối tuần; và đặc biệt kỳ thú khi được leo trèo trên những tảng núi đá cheo leo, gập ghềnh uốn quanh bờ bãi.

Bằng sự lựa chọn ngẫu nhiên trên đường tham quan Quy Nhơn – Sông Cầu, chúng tôi ghé vào khu du lịch Bãi Xếp. Thật ngỡ ngàng khi bước vào khu du lịch biển thì bắt gặp…rừng lại ngát xanh bốn bề. Những loài cây xanh, si, đa, và nhiều loài cây lá rộng khác…cùng quang hợp với những “dòng lửa” nhiệt đới, tạo thành khu vườn hít thở mát dịu. Cả khuôn viên du lịch ước tính chừng 15 ha, chủ nhân ở đây đã mở những lối đi cho khách dạo bộ bằng nền đá núi. Bên trên được che bóng nắng bằng những cánh dù rợp cây lá tự nhiên, len lỏi từng chùm hoa nắng. Phối cảnh trong khu du lịch dày đặc cây xanh, có một vài cụm non bộ đắp lên từng bờ đá, nước chảy quay vòng bằng hệ thống máy bơm nước. Rồi lúc dạo chơi mỏi chân, ngả lưng bên trong lán trại gỗ cũng được dựng lên trên những…tảng đá. Biển mênh mông rập rờn trong mắt. Sóng biển vỗ ì oạp vào vách đá. Và đá với đá nằm san sát, gối chồng lên nhau trên bãi cát chạy dài dưới chân những ngọn núi nghiêng nghiêng, quây quần với biển.    
    Dạo chơi trên bãi đá phủ bám đầy cát biển Quy Nhơn thật vui thích. Có lẽ bàn tay sắp đặt muôn đời của tạo hóa nên dường như những dãy núi đá ở đây thường dịu dàng hơn giữa biển. Trên bờ biển còn đây những tảng đá đã ngả màu thời gian trăm năm. Những nhà làm du lịch đã cất công sức, vốn liếng để di dời và “tái định cư” những quần thể đá sống động trên những bãi biển này, bước đầu hình thành một môn thể thao tắm biển kết hợp với việc chinh phục từng tảng đá rồi leo lên đến những sườn núi đá. Biển ở đây còn đậm vẻ hoang sơ, nước trong vắt hiện rõ đến từng hạt cát vàng ươm. Bãi tắm ra xa cả trăm mét mới ngập nước đến quá ngực người. Chiều đến sóng biển thường xô bờ bồng bềnh dịu êm. Leo trèo chới với bên bờ đá, chênh vênh trên vách núi đá…du khách tìm thấy một chút phiêu lưu trước dáng núi, hình biển giữa bao la của vũ trụ đất trời.        
Đường Quốc lộ 1 D ven biển Quy Nhơn – Sông Cầu hiện đã có trên dưới mười bãi tắm biển đang được đầu tư khai thác, có đá tảng và núi đá để du khách bách bộ lên từng độ cao ngắm biển. Đặc biệt từ ven tuyến lộ này, du khách dễ dàng đặt chân lên điểm dốc cao của đèo Son để thu vào tầm mắt cả bức tranh nhộn nhịp của thành phố biển Quy Nhơn. Sườn núi Ghềnh Ráng nơi đây nối dài đến bãi biển Quy Hòa - nơi ra đời những vần thơ thế thái nhân tình tuyệt tác của thi sĩ Hàn Mặc Tử tài hoa, bạc mệnh. Biển Quy Hòa và khu du lịch Ghềnh Ráng được xếp hạng thắng cảnh quốc gia. Đây là khu vực biển giành cho an dưỡng, chữa bệnh nổi tiếng của Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Hàn Mặc Tử đang nằm yên nghỉ nghìn thu nơi đây. Mộ phần, bia đá khắc tên, tượng chân dung của Hàn được dựng lên ở lưng chừng sườn núi đá phía tây Ghềnh Ráng. Các nhà đầu tư du lịch  trong nước đang tiếp tục đầu tư mở rộng thắng cảnh du lịch Ghềnh Ráng chạy dài theo sườn núi đá đến đôi chục héc ta này…
Ở bất cứ khu du lịch nào từ Ghềnh Ráng đến hết tuyến đường Quốc lộ 1D, Quy Nhơn – Sông Cầu đều cho thấy nhà đầu tư du lịch tỏ ra khá chăm chút, nâng niu sắp xếp, thiết kế từng viên đá cuội, từng phiến đá nhỏ đến từng khối đá, tảng đá và từng dãy núi đá. Họ tận dụng mọi lợi thế của đá để khai thác du lịch theo mô hình: Một bên biển và… một bên đá thật mới lạ, hấp dẫn du khách gần xa. Quy Nhơn- Đà Lạt hè 2007