Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Viết cho cuộc sống đáng yêu hơn

 VŨ VĂN
Làm bạn đọc nhiều lúc tôi quá ư chán chường khi cầm lên một tờ báo nọ trông thấy dày đặc nào là chém giết lẫn nhau, tình duyên tuyệt vọng, tù tội, tiêu cực đủ kiểu lớn nhỏ…Có cảm giác như cuộc sống này đang phủ một màu xám xịt. Thật như thế chăng? Chắc chắn là hoàn toàn không. Cái chính là người viết vì lý do này, lý do nọ đã vô tình nhồi nhét người đọc những ảo giác “chết người”như thế. Phải viết sao cho độc giả đáng yêu cuộc sống hơn, đó là điều mà mỗi nhà báo luôn luôn tâm niệm hướng tới.

Trên xa lộ thông tin hiện nay, cuộc chạy đua của báo chí thật sôi động. Khi những sự kiện lớn, những sự kiện nóng hổi diễn ra trong nước, quốc tế, hầu hết những tờ báo không bỏ lỡ cơ hội lao vào cuộc nắm bắt thật nhanh, thật đầy đủ mọi dữ kiện, thổi vào đó một cái nhìn định hướng để đưa ra “khách hàng” những sản phẩm độc đáo nhất riêng mình. Cạnh tranh thông tin lành mạnh sẽ kích thích sự ra đời nhiều hơn những tác phẩm báo chí có chất lượng cao. Tuy nhiên một khi sự cạnh tranh bị lạm dụng đến thái quá, dẫn đến những phản ứng tiêu cực về phía xã hội là điều tất yếu phải đến. Năm qua, một sự kiện nổi bật ở lĩnh vực nội chính trong nước là các cơ quan pháp luật đã triệt phá đường dây  “thế giới ngầm” do Năm Cam cầm đầu. Chiến công lớn của ngành công an đã nâng cao lòng tin nhân dân về một chế độ xã hội tốt đẹp, công bằng, nghiêm minh. 
Vậy trách nhiệm thông tin của nhà báo đến đâu ? Chính là căm phẫn, đấu tranh xoá bỏ cái xấu, cái ác, từ đó trân trọng tinh thần quên mình vì “nghiệp lớn”của những tập thể, cá nhân điển hình. Hai vấn đề cốt lõi đặt ra ấy, mỗi tờ báo đều cố gắng có những “định lượng” hợp lý cơ cấu trang mục, đạt giá trị thông tin cao nhất. Cách thể hiện đặc trưng của mỗi tờ báo đã tạo ra bạn đọc một cái nhìn đa diện, nhiều chiều, chuẩn xác hơn. Rất nhiều tờ báo tỏ ra khá “nhạy” khi cân đối dung lượng giữa điển hình tích cực với điển hình tiêu cực trên trang báo. Vụ án Năm Cam đã phát hiện ra “đồng phạm” là một vài nhà báo tự đánh mất mình, lóa mắt vì sự cám dỗ đồng tiền. Nếu chỉ thiên về phê phán không thôi, người đọc sẽ chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”. Ngược lại người đọc sẽ thấy yêu cuộc sống này hơn, trân trọng những đóng góp của báo chí nước nhà hơn khi “mặt phải” của trang báo là những tấm gương nhà báo dấn thân khắp mọi miền đất nước cho lẽ phải, cho an sinh của xã hội…
Dẫu vậy, giữa “muôn sắc màu” thông tin đáng quan tâm, vẫn còn xuất hiện những “đốm đen”  như mô tả quá sâu những cuộc thanh toán bạo lực, thậm chí có nhà báo vì câu khách, giật gân đã thổi phồng sự kiện lên, gây ngộ nhận bạn đọc, kết cục phải bị thu thẻ nhà báo, xử lý kỷ luật. Cái giá phải trả đối với người cầm bút “dựng chuyện” đã đành nhưng để giải tỏa hết tâm lý ngờ vực của bạn đọc không đơn giản chỉ vài dòng, kể cả một bài đính chính thật dài đi nữa cũng khó thể ngày một, ngày hai khôi phục lại lòng tin đối với báo chí.
Tôi chưa quên một hiện tượng cá biệt : một cô gái bị nhiễm aids giai đoạn cuối, điều trị tại bệnh viện Lâm Đồng, khiến cho nhiều ánh mắt đổ dồn về phía cô. Đủ cả dạng người đến cốt chỉ thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ; người khác đến để “nghe ngóng” có “mệnh hệ” gì với mình hay không…Đáng quý nhất là vẫn còn số đông người đến với cô gái để sẻ chia sự nghiệt ngã của một phận người. Có người không ngại ngần khi tình nguyện ở lại săn sóc ăn uống, giúp vệ sinh cá nhân cho cô gái….Cánh nhà báo đến thăm bệnh nhân “đặc biệt” này, mỗi người có một phương pháp tác nghiệp khác nhau.  Sau đó nhiều tờ báo lần lượt loan tin về trường hợp này. Lúc đó, làm người đọc tôi thực sự thất vọng khi trang báo nọ đăng rậm rì những số chữ miệt thị cô gái nọ, nào là sống thác loạn, nào là lăng loàn trắc nết, sẵn sàng trao cái vô giá của người con gái cho đủ mọi hạng người…Tờ báo còn “giật” hơn khi khoét sâu nỗi sợ hãi của một chàng xe ôm nào đó sực nhớ mình đã một lần lỡ “quan hệ” với cô gái…Đáng khen cho một nhà báo trẻ ở Lâm Đồng đã có một cái nhìn nhân văn với bài viết đăng trên báo địa phương “Am ảnh từ đôi mắt ấy”. Bài báo chỉ vài trăm chữ mà đau đáu những nỗi niềm. Tác giả đã giúp người đọc hãy xua tan đi những ánh nhìn soi mói, hóc hiểm mà mở rộng vòng tay nhân ái đối với cô gái đó nói riêng, đối với những người đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh quái ác của thế kỷ: căn bệnh aids…
Làm báo, tôi chuyên đi vào “đời sống” của mảng nội chính cũng gần mười năm. Mỗi lúc ngồi vào bàn máy “gõ” lên bài viết nào đó (tất nhiên là vấn đề của mảng mình phụ trách), tôi luôn tự vấn lòng mình: Hãy viết sao cho cuộc sống này đáng yêu hơn. Nhớ lần đầu khai sinh chuyên mục “câu chuyện pháp đình” trên báo Lâm Đồng, giao cho tôi một “suất diễn chính”, “vị” Thư ký Toà Soạn gặp riêng tôi “quán triệt”: “Nhớ là phải đứng ở góc nhìn nhân văn khi thể hiện câu chuyện!”. Từ đó thói quen “nhân văn” trong bài viết của tôi hình thành đến giờ. Nghiệm lại, tôi thấy thói quen ấy không khó, điều quan trọng là nơi “điều khiển” ( Ban Biên tập) có hướng mỗi cây bút vào một môi trường nghiêm ngặt để thói quen đó được sinh sôi, phát triển nâng lên “tầm” chân – thiện - mỹ thực sự hay không. 
Đà Lạt 2002