Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Người lữ hành không đơn độc

Ghi chép của VŨ VĂN
Tết Tân Mão 2011 đánh dấu hai mươi năm đặt chân đến vùng đất lành Lâm Đồng của người đàn ông từ miền núi địa đầu phía Bắc. Giữa bao khó khăn và khắc nghiệt, nhiều lúc tường chừng như bỏ cuộc thì người đàn ông ấy lại may mắn gặp được những “quý nhân” nâng đỡ bước hành trình.

Người đàn ông ấy tên là Thào Hùng Khải, sinh năm 1966, cầm tinh con ngựa nên có lẽ như được vận vào phận số “dặm dài da ngựa* từ khi bước qua tuổi. 25. “Tôi sinh ra ở Bắc Cạn, vùng rừng núi, suối thác đẹp lắm. Lớn lên tôi là một trong số kh6ng nhiều con em ở làng Mông được cha mẹ động viên đi học đến hết lớp 9/12. Một lần học phần địa lý đất nước ta xinh đẹp, tôi biết được ở vùng cao nguyên Lâm Đồng rộng lớn, đất đỏ tốt tươi cho các loại cây công nghiệp dài ngày. Học, đọc và tự hình dung, bỗng dưng tôi cứ cuốn hút ước mơ lập thân, lập nghiệp trên từng luống cây trên cao nguyên Lâm Đồng nhiều tiềm năng ấy…”- Khải nhớ lại. Nhưng rồi rời ghế nhà trường, lấy vợ sinh con, Khải có điều kiện để lên đường. Bắt đầu năm đó- năm 1991, Khải đang là người đàn ông 25 tuổi đã quyết định tiên phong cùng với bốn người Mông vào khu vực cao nguyên Lâm Đồng với ý định tìm đất định canh, định cư lâu dài. Nhưng Lộc Thành không phải là vùng đất trước tiên mà Khải cùng nhóm người Mông đặt chân đến. Mà đó chính là vùng đất Cát Tiên khi Khải lần ra địa chỉ người phụ nữ Mông đồng hương lấy chồng ở đây. Gặp đồng hương tay bắt  mặt mừng, hàn huyên mãi như không bao giờ hết chuyện nhưng thời gian lại không cho phép được nhiều. Qua sự chỉ dẫn đường đi lối lại làm ăn từ ruộng vườn của đồng hương ở Cát Tiên, Khải dẫn nhóm người tiếp tục vượt đèo lên hướng Bảo Lộc dù không ai có người quen ở xứ chè này. 
Nhưng mới đến ngã ba Madaguoi của huyện Đạ Huoai, bốn người Mông đi cùng Khải không còn đủ kiên nhẫn, đã cùng quày quả đón xe đò trở ngược về Bắc. Khải lưỡng lự một hồi lâu rồi mạo hiểm ở lại một mình. Lên đến Bảo Lộc, Khải mệt mỏi bước vào một nhà hàng bên đường phố gọi một đĩa cơm trả giá trước bằng với số tiền còn lại cuối cùng trong chiếc bóp nhỏ. Thấy một người khách lẻ ăn hết nhanh ngon lành một đĩa cơm, hành lý bên mình là một túi xách đã cũ kỹ phủ dày những lớp bụi bặm nhiều ngày, bà chủ quán bằng lớp tuổi mẹ của Khải đến gần hỏi thăm. Khải nói thật về hoàn cảnh lỡ đường của mình, bà chủ quán động lòng nói: “Thôi, cháu cứ ở lại và tạm thời giúp việc phục vụ quán hàng ngày. Cô lo ăn lo chỗ ngủ cho cháu mà không lấy tiền đâu. Rồi ngày mai chú về, chú sẽ giới thiệu người quen để giúp đỡ cháu đi tìm đất mới để trồng trọt thử xem sao…” Khải thốt lên trong lòng : “Mình đã quá may mắn gặp được ân nhân đây rồi. Ông trời đã cho mình không phải đơn độc nữa rồi…” 
Lần đầu nghỉ mấy đêm ở Bảo Lộc với Khải thật tuyệt vời. Cao nguyên mênh mông, phố xá yên tĩnh với hương trà thơm ngát. Được người chú - chủ nhà hàng vừa nhận kết nghĩa - dẫn đi giới thiệu với một số người quen ở xã Lộc Thành dẫn đi tìm đất mới. Ban ngày lội bộ trong rừng sâu. Ban đêm trở ra phố Bảo Lộc nghỉ ngơi. Kết cuộc cũng đã nhăm nhắm một khu đất bằng ở phía đông Tà Ngào, dưới chân thác nước bảy tầng đẹp như tranh ở vùng xa Lộc Thành bấy giờ. Sáng hôm đó, Khải thưa chuyện với người cô chú kết nghĩa để về Bắc Cạn gọi thêm mấy hộ gia đình người Mông trong làng đi tiền trạm đất Lộc Thành. Cô chú kết nghĩa cho tiền xe động viên Khải. Về quê đặt chân vào nhà chưa kịp nghỉ mệt thì các bậc cao niên trong họ, trong làng đã trách móc Khải : “ Bao nhiêu người đi tìm đất mới nay đã trở về làng hết rồi. Có người còn chưa chữa hết bệnh sốt rét của đất lạ xứ người. Mày đã tự làm khổ mày, làm khổ vợ con mày mong ngóng chờ đợi, giờ lại rủ rê làm khổ người làng nữa hay sao…” Chờ cho mọi người nguôi ngoai cơn giận vì đi lâu quá không có tin tức về làng, Khải phân trần rằng đã có ân nhân chỉ giúp một khu vực đất bỏ không khá thuận lợi để trồng nhiều loại cây hư cà phê, cây lúa, cây bắp…Giờ chỉ việc dân làng kéo nhau vào đó dựng nhà và sản xuất. Vật liệu dựng nhà đã cây rừng tre nứa tự nhiên. Con suối kề bên nước trong lành, đầy ắp quanh năm. 
Nghe thì nghe vậy nhưng người dân làng M6ng phải đến gần hai tháng sau giải tỏa hết bao cơn giận dòn nén lâu ngày. Tranh thủ cơ hội này, Khải mới thuyết phục được bốn người Mông trong làng trở lại Lộc Thành. Phải một tuần sau khi đến Lộc Thành, nhóm năm người Mông của Khải mới dựng xong cơ bản một căn nhà bằng vật liệu tre nứa và cây bụi tạp khia thác tại chỗ. Nhà rộng thành năm gian, nằm l5t thỏm ở khu vực phía sau đồi pháo binh. Làm xong nhà mới, cả năm người tất tả ra phố Bảo Lộc mua con gà trống, ký nếp, ký đường…đưa về dâng cúng xin phép thần núi, thổ công cho được định canh. Những người địa phương dẫn đường cũng đã nhận lời mời đến uống chén rượu về đất mới của người Mông. Cuốc, xẻng, xà gạc, gùi…cũng được mua về chuẩn bị đào những hố đất trỉa bắp lấy ngày. Tất cả mọi việc tự tổ chức ra mắt với đất mới cũng gọi là tàm tạm thể tất, chỉ xum lại với nhau đốt nhang khói lên là khỏi phải lo lắng về chuyện cúng bái nữa. Nhưng nào ngờ khi năm người đi chợ phố Bảo Lộc hăm hở trở về cách lán trại vài trăm mét bỗng thấy xuất hiện đám lửa cháy rừng rực. Cả năm người lao đến nơi thì hỡi ơi, cả năm gian lán trại đã cháy rụi thành tro. Mới hay lực lượng kiểm lâm địa bàn trong khi tuần tra đã lập biên bản vắng chủ về hành vi dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, xử lý bằng cách đốt dọn lán trại lấn chiếm, trả lại đất cho rừng.
      Lại lần nữa trong nhóm năm người Mông thì ba người chán nản đón xe ngược về quê miền Bắc. Hai người, trong đó có Khải không giám về lại quê ngay vì không biết ăn nói sao với họ hàng, bà con trong làng. Đành xin quay lại xin tá túc thêm một thời gian trong nhà hàng của vợ chồng người chủ tốt bụng ở Bảo Lộc. Nghe kể sự tình, ông chủ quán mới vỡ lẽ rằng Khải và nhóm người Mông đã lấn chiếm đất lâm nghiệp chứ không phải đất nương rẫy tái sinh cây bụi. Lần này đích thân ông chủ quán dẫn Khải đến gặp trực tiếp ông K’Toàn, Bí thư xã Lộc Thành để trình bày nguyện vọng. Sự khép nép của Khải đã xua tan ngay từ lúc đầu gặp mặt khi Bí thư K’Toàn với phong cách hết sức gần gũi, thể hiện tấm lòng cảm thông về nhu cầu đi tìm đất mới của người Mông. Rồi Bí thư K’Toàn hướng dẫn Khải làm đơn xin khai hoang 50 ha đất nông nghiệp chưa sử  dụng ở khu vực phia Tây Tà Ngào. Bên dưới đơn, Bí thư K’Toàn bút phê “Kính gửi anh Hai Thông, Chủ tịch xã Lộc Thành xem xét đề nghị cấp đất cho bà con người Mông…” Đến lượt Chủ tịch Hai Thông phê “Kính chuyển lên Phòng Nông- Lâm -Thủy huyện Bảo Lâm lập thủ tục cấp đất theo nguyện vọng chính đáng trong đơn…   ” 
        Khải nói mình không thể nào và không bao giờ diễn tả hết được nỗi mừng vui lúc được cấp đất. Cầm giấy tờ giấy xét cấp đất về làng quê Bắc Cạn, cả làng người Mông rộn ràng quây quần bên Khải như ngày hội. 12 hộ gia đình người Mông rời làng đợt đầu đã theo chân Khải đến định canh trên 50 ha đất ở vùng Tà Ngào, Lộc Thành. Không lâu sau đó, toàn bộ diện tích đất cấp mơi được nhà nước cấp quyền sử dụng đất cho dân làng Mông, thành lập địa giới hành chính cấp thôn của xã. Khải hớn hở nói với tôi vừa xây xong căn nhà mới lên đến một trăm rưỡi triệu đồng, một cơ ngơi mà hai mươi năm trước đây may mắn lắm, Khải mới thấy được trong giấc mơ. Tôi theo Khải về nhà mới. Con đường đá rộng mở từ đường lộ chính về làng dễ đến gần mười cây số. Có đoạn lên trên đỉnh đồi cao xanh và cũng có đoạn bất ngờ đổ dốc thẳng đứng dưới thung sâu. Nắng cao nguyên ban trưa lồng lộng gió mát, dìu dịu hơn khi hai bên đường vào làng Mông choàng lên một màu xanh mơn mởn của chè và cà phê. Đây là khu vực bên tây bàu Tà Ngào vốn hai mươi năm trước phủ lau cỏ um tùm. Còn bên kia đồi pháo binh là bên đông bàu Tà Ngào có khu vực đất phẳng phiu với nguồn nước ở hạ nguồn tích trữ dồi dào hơn. Đến nay tổng số hộ trong thôn 10C là 174 hộ, trong đó hiện có 40 hộ người Mông; còn lại là số hộ  đồng bào các dân tộc anh em như K’Ho, Tày, Nùng, Dao, Kinh, Hoa…hàng năm đến đây cùng người Mông lập nghiệp. Từ cây bắp độc canh qua gần hai mươi năm hình thành và phát triển, thôn 10C đã phủ xanh một vùng chuyên canh cà phê, chè, măng tre, lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm…Hộ được cấp sổ đất ít nhất là 0,5 ha; nhiều nhất lên đến 4 ha. Điện lưới quốc gia đã phủ kín, đường sá thênh thang, trường học, y tế…đến tận khu dân cư. 
Khải được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn 10C. Và được cấp ủy địa phương tạo môi trường làm việc, lao động để rèn luyện, phấn đấu, Khải đã trở thành Đảng viên và giữ chức Bí thư Chi bộ thôn. Bây giờ nhìn lại với tình đất, tình người nơi Lộc Thành, Bảo Lâm qua hai mươi năm - từ cuộc hành trình không đơn độc của Khải- đã và đang xây dựng nên một làng người Mông trù phú và những con người Mông luôn chịu thương, chịu khó, hết mực gắn bó thủy chung với vùng đất mới. Thào Hùng Khải đến nay luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương xã Lộc Thành, Bảo Lâm khen ngợi:: “Thào Hùng Khải đã luôn xứng đáng là người Mông đầu tiên được kết nạp Đảng ở xã này…” Được vinh dự này, Khải bày tỏ  : “Người Mông chúng tôi di cư đến vùng đất khách Lộc Thành này đã hai mươi năm. Đất khách giờ đây đã là đất quê hương thứ hai. Ơn đất khách với người Mông chúng tôi rộng lớn như trời đất, núi rừng, sông suối của cao nguyên Lâm Đồng …”  Tết Tân Mão 2011