Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Lính đảo trẻ và mùa xuân ở lại

Ký sự: VĂN VIỆT
Không nề hà gian khó, các chiến sĩ hải quân đã cống hiến sức trẻ của mình vì nhiệm vụ cao cả - nhiệm vụ bảo vệ biên cương biển đảo của Tổ quốc. Sự hồn nhiên cùng những nụ cười tươi rói luôn thường trực, những chiến sĩ trẻ giữa biển trời mênh mông, đã nhanh chóng tạo cho chúng tôi những tình cảm thân quen giữa đất liền và hải đảo xa xôi.

Những chàng trai còn rất trẻ đang ở cái tuổi “áo chưa sờn đã chật” mà chúng tôi gặp đã tạm gác lại bao nỗi niềm riêng nơi quê nhà, vượt ngàn trùng sóng gió biển khơi ra đảo xa để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng cuả Tổ quốc. Xa gia đình bước vào môi trường quân ngũ, những chàng lính trẻ nơi đảo xa đã trở nên chững chạc lên rất nhiều. Môi trường quân đội được các lính trẻ coi là điều kiện để rèn luyện bản thân trưởng thành hơn. Nét mặt thư sinh nay đã nhuốm màu nắng gió biển khơi. Ở mỗi ca trực bên cánh sóng ra đa, chiến sĩ trẻ luôn thực hành tốt kỹ thuật nghiệp vụ chiến đấu và kỷ luật giờ giấc. 
Hết giờ trực luân phiên nhau, anh em lại về trạm cùng đồng đội tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Binh nhất Nguyễn Văn Ngọ (sinh năm 1991), hiện đóng quân tại Trạm Rađa 565 bộc bạch: “Tết nay vì đảm bảo quân số nên em ở lại trực cùng anh em trên đảo. Đây là năm đầu tiên em ăn tết xa gia đình, người thân ở đất liền. Nhưng không vì thế mà làm cho em buồn vì ở đảo anh em chiến sĩ coi nhau như anh em ruột thịt một nhà. Tuy vẫn có lúc nhớ nhà, nhưng rồi cũng thoảng qua mau vì em hiểu rõ tầm quan trọng của công việc được cấp trên giao phó. Sau tết em được chỉ huy cho nghỉ phép về thăm gia đình và người thân ở Vũng Tàu và em sẽ kể cho mọi người nghe về kỷ niệm đầu tiên em được ăn tết nơi hải đảo xa xôi trong sự yêu thương của anh em chiến sĩ trong đơn vị”. 
Không biết khi ở nhà những chàng trai trẻ hiện đang làm nhiệm vụ ở các đảo xa này được bố mẹ nuông chiều thế nào chứ  khi đã khoác trên mình bộ quân phục hải quân, cánh lính trẻ thay đổi rất nhiều. Binh nhất Hàng Hồng Thành, quê ở thành phố Hồ Chí Minh giờ trông đàng hoàng hơn sau gần một năm nhập ngũ về đơn vị ra đa núi Cấm thổ lộ: “Những ngày đầu ra đảo Phú Quý nhận nhiệm vụ, tâm trạng em hơi buồn vì từ nhỏ đến lớn em chưa bao giờ rời xa nơi chôn rau cắt rốn. Nhưng được sự quan tâm đùm bọc yêu thương của các cán bộ, chiến sỹ trên đảo nên nỗi buồn cũng mau qua đi để giành mọi thời gian cho công tác và chiến đấu…” Tuy mới khoác trên mình bộ quân phục hải quân, nhưng những chàng trai trẻ nơi đảo xa luôn tự tin và vững vàng trước những thử thách của môi trường mới. Những tình cảm riêng tư được các chiến sĩ trẻ nén chặt vào lòng để thay vào đó là những dự định về tương lai sau khi hết thời gian nghĩa vụ trong quân ngũ. Có chiến sĩ này thì muốn phục vụ quân đội lâu dài, chiến sĩ khác lại muốn khi ra quân sẽ về đi học một ngành nghề nào đó. 
Với cánh nhà báo chúng tôi, hải trình đến với miền hải đảo là những kỷ niệm sâu đậm khó quên. Mỗi đảo đến là một câu chuyện nặng nghĩa nặng tình bên những người lính trẻ. Xác định “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, nên mỗi cán bộ chiến sĩ trẻ đều thể hiện tình cảm yêu quý nơi mình đóng quân, hình thành mối giao lưu với bà con dân đảo thân thuộc như quan hệ với gia đình thứ hai. Trong cuộc sống cũng như trong công việc, những chiến sĩ hải quân ngoài hải đảo luôn giữ gìn đoàn kết, phấn đấu vươn lên. Thiếu uý Nguyễn Văn Dậu, người đang đến năm thứ 3 liên tục ăn tết ở đảo Hòn Tre chia sẻ: “Là chiến sĩ quân y duy nhất trên đảo nên tết nào em cũng ở lại đảo để chăm sóc sức khoẻ cho anh em chiến sĩ, bởi ba ngày tết anh em phải tăng cường độ làm việc và trực chiến đấu cao hơn ngày thường. 
Nếu không may có một chiến sĩ bất ngờ đổ bệnh nào đó mà không có em điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thành tích chiến đấu chung của đơn vị. Vì vậy từ ngày lên đảo đến nay năm nào em cũng ở lại đảo ăn tết và “trực y tế” 24/24 giờ tại đơn vị. Đối với những chiến sĩ quân y như em, việc chăm sóc tốt sức khỏe cho đồng đội nơi đảo xa là hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu được cấp trên giao phó và cũng là cách “cất giữ” hiệu quả nhất về những nỗi nhớ xóm làng, cha mẹ, người thân ở quê nhà…”. Ở trên các hòn đảo chúng tôi tới nơi nào cũng đầy ắp tiếng cười nói sinh hoạt vui nhộn của những chàng lính trẻ . Binh nhất Phan Anh Chiến, đóng quân tại đảo Phú Quý hồ hởi: “Cuối giờ làm việc, tụi em thường ra sân luyện tập thể thao. Bóng đá, bóng chuyền, tập tạ, cờ tướng… là những môn thể thao được tụi em ưa chuông nhất. Và cũng nhờ luyện tập thể thao thường xuyên mà em biết được thể lực của mình ngày càng tốt hơn để sẵn sàng thi hành nhanh chóng và chính xác những mệnh lệnh quân sự được giao…”.
Những chiến sĩ trẻ chúng tôi gặp phần lớn đều chưa lập gia đình riêng; đều là những người năng động, xử lý nhanh với mọi tình huống diễn tập và trực chiến đấu bên cánh sóng ra đa, luôn nêu cao tinh thần vượt qua bất kỳ những gian khổ nào để cống hiến nhiệt huyết tuổi trẻ phục vụ cho Tổ quốc. Trong bữa cơm thân mật được quây quần ngay dưới sân đảo Bình Ba, chúng tôi đã có dịp ngồi bên nhau thật lâu, chia sẻ thật nhiều hơn những tâm tình của lính trẻ. Và những ngày công tác bên cạnh với nhiệm vụ canh giữ đảo của anh em chiến sĩ trẻ, những mến phục, tin yêu cứ lan toả trong tâm trí chúng tôi rồi từ đó có cảm nhận như mùa xuân vẫn ở lại mãi nơi này …
Tháng 3/2010