Ký sự
VĂN VIỆT
Buổi
sáng trời lập xuân Canh Dần, chúng tôi bắt đầu rời Quân cảng Cam Ranh,
Khánh Hòa sau một hồi còi tàu dài nhổ neo chuyển bến. Hàng chục sĩ quan Vùng 4-
Hải quân ra tận mạn tàu tiễn chúng tôi ra biển cả. Nắng vàng óng và những con
sóng dập dềnh trong vịnh biển Cam Ranh bỗng chốc cũng xa khuất dần phía sau; nâng
đẩy con tàu hướng tới phía trước trùng dương mênh mông với những thử thách đón
chờ...
Đoàn
nhà báo chúng tôi theo đoàn công tác gồm 15 người đại diện các báo trung ương
và địa phương các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Cách một ngày xuất bến, hai
địa điểm chính được đơn vị hải quân Vùng 4 bố trí xe đón nhà báo là Bến xe liên
tỉnh thành phố Nha Trang và ngã ba Mỹ Ca thuộc thị xã Cam Ranh. Chiều hôm trước
khi vào cuộc hải trình, Đại tá Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Vùng 4 và đoàn công
tác đã có cuộc gặp gỡ cởi mở, chân tình với các nhà báo. Đoàn trưởng và Đoàn
phó nhà báo được “bổ nhiệm” ngay lúc đó để làm đầu mối liên lạc trong suốt
chuyến đi với Chỉ huy Vùng 4. “Tết năm nào cũng vậy, Vùng 4 - Hải quân đều cử
đoàn công tác ra thăm cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên tất cả những hải đảo
trong vùng. Sự có mặt của những nhà báo trong đoàn công tác luôn góp thêm những
niềm vui lớn cho bộ đội…”- Đại tá Đặng Minh Hải nói và lưu ý thêm với nhà báo
về cuộc hải trình tuy đến những đảo gần bờ nhưng thời gian tàu đi trên biển
phải xuyên qua cả ngày đêm, những thử thách của sóng gió khơi xa là điều không
thể tránh khỏi, nhất là đối với những người lần đầu tiên đi ra biển lớn.
Dẫu
vậy với cánh nhà báo chúng tôi gần như chỉ thoảng qua những lo lắng ban đầu rồi
tất cả đều nhường lại cho không khí phấn chấn xuống con thuyền VH - 785 của Hải
quân Vùng 4. Chúng tôi sắp hàng điểm danh trước khi “nhập ngũ”. Cả chục sĩ quan
hải quân đứng hai bên dắt tay từng nhà báo chúng tôi bước từng bước thang từ bờ
cảng trên cao đi xuống khoang thuyền. Khoang thuyền dành riêng cho nhà báo nghỉ
ngơi trên suốt hải trình với giường ngủ 2 tầng bố trí san sát nhau, có đủ hệ
thống ổ cắm điện để tác nghiệp. Trong đoàn có duy nhất một nhà báo nữ được bố
trí duy nhất một phòng riêng với trang bị cả dàn máy vi tính riêng…
Chuẩn bị
xuất bến, chúng tôi lên khoang buồng lái nhìn qua ô cửa kính bao la một màu
xanh thẳm. Thuyền trưởng, thượng úy Tống Đức Mạnh, đã hơn 30 tuổi, có vợ con
rồi mà trông vẫn con trẻ măng như lính mới nhập ngũ. Ay vậy mà khi vào nhiệm vụ,
khẩu lệnh của Mạnh điều khiển cả thủy thủ đoàn ( cũng đều là những sĩ quan trẻ
măng) nghe rất rắn chắc, đanh gọn: “Nhổ neo. Tháo dây mũi. Xuất phát…” Trên
buồng lái, Trưởng đoàn công tác, Thượng tá Vũ Văn Tiến, Phó Tham mưu trưởng
quân sự Vùng 4- Hải quân kiểm tra lần nữa tuyến đường biển sẽ đi trên bản đồ
hàng hải. Chỉ tay trên tấm bản đồ, Thượng tá Tiến cho biết : “ Trong 24 giờ
tới, tàu của đoàn công tác chúng ta sẽ cập cảng đảo Phú Quý, Bình Thuận. Đi theo
tuyến đường biển hình tháp nhọn, kết hợp với tuần tra. Phần lớn tàu đi theo
hướng hải trình ngược gió. Chắc chắn sẽ gặp phải những cơn sóng lớn dồn dập,
mỗi người phải gắng sức để vượt qua…”
Mới
hay nhà báo chúng tôi lên tàu hải quân cũng được xem như là quân nhân mới nhập
ngũ, mệnh lệnh chiến đấu chỉ được biết để thi hành ngay tức thì và thi hành
trong vòng 24 giờ tới. Chúng tôi yên tâm ra mạn thuyền săn ảnh biển cả nhưng
bất ngờ chỉ có được những khoảnh khắc không lâu khi những đoàn sóng cao ngất ầm
ào kéo đến. Tiếng loa của thuyền trưởng Mạnh phát lệnh : “Sóng biển đang rất
lớn. Đề nghị nhà báo vào khoang thuyền để đảm bảo an toàn !” Chúng tôi chạy
nhanh vào khoang thuyền, lên giường nằm và bất giác chống chọi với những cơn
say sóng ập đến quá nhanh. Con thuyền liên tục vút cao, lao xuống thấp rồi tung
mạnh lên sang phải đến sang trái, khiến cả đoàn nhà báo chao đảo, bám chặt
thành giường. Rồi hết nằm đến ngồi- đủ mọi tư thế, hầu hết nhà báo rất khó khăn
khi nhấc chân xuống giường vì nhức đầu, chóng mặt. Bữa cơm trưa, cơm tối của bộ
phận hậu cần trên tàu chuẩn bị rất tươm tất đến tận phòng nghỉ của nhà báo, có
đủ thịt, cá và rau củ xanh, nhưng gần như đều bưng đến rồi bưng ra cất vào tủ.
Các nhà báo chỉ ráng nhấp được mấy ngụm sữa chua, mấy múi cam, quýt để cầm hơi.
Thấy không yên lòng, bộ phận hậu cần trên tàu nấu nhanh những nồi cháo gà nóng
hổi rồi “năn nỉ” nhà báo cố ăn cho mau lại sức…
Những
chén cháo gà của bộ phận hậu cần tàu hải quân đã giúp cho nhà
báo được những giờ vàng ngủ thiếp đi sau 24 giờ thử thách sức chịu đựng cùng
biển cả. Ngày hôm sau khi nắng đã lên cao, thiếu úy hải quân Nguyễn Minh Hải,
trưởng bộ phận anh nuôi trên tàu, hiện rõ vui mừng khi thấy chúng tôi đều ngồi
dậy được, cầm máy ảnh đi ra mạn thuyền. Thiếu úy Hải lại nghĩ về sức khỏe của
chúng tôi : “Được phục vụ nấu ăn cho đoàn nhà báo đi thăm bộ đội hải đảo; nhà
báo phải đi được đến nơi về được đến chốn là chúng tôi mới hoàn thành được
nhiệm vụ ! ” Lúc này, tàu đã thả neo. Trước mặt là hình của cảng đảo vươn mình
ra biển, gắn lên hai chữ tên đảo “Phú Quý”.
Xa xa trên đảo có một ngọn núi cao
nhất gọi là Núi Cấm. Trên núi luôn có những màu áo trắng bộ đội hải quân ngày
đêm quen với sóng gió, vững vàng tay súng giữ bình yên cho biển trời đất Việt.
Những nhà báo chúng tôi chợt trách mình mới lần đầu ra khơi xa, chưa kịp thích
nghi với sóng gió cuộn về…Tháng 3/2010