VĂN VIỆT
Lời hát quen thuộc “Lầu Ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng…” như ngưng đọng lại khi lần đầu tiên tôi đặt chân lên Lầu Ông Hoàng của phố biển Phan Thiết. Không ngờ cảnh hoang tàn, rêu phong nơi đây lại có sức cuốn hút kỳ lạ đối với du khách bốn phương.
Mấy ngày lưu lại ở phố biển Phan Thiết, một đồng nghiệp
ở Báo Bình Thuận thông báo sẽ có chuyến tham quan Lầu Ông Hoàng, bởi đến Phan
Thiết mà chưa đến Lầu Ông Hoàng là hãy khoan nói đã đến Phan Thiết; mà đến rồi nhưng
không trở lại thì sẽ cảm thấy thiếu sót lỗi hẹn với ai đó một điều gì. Tôi là một
du khách hoàn toàn mới lạ nên khi đặt chân đến nơi mà vẫn ngơ ngác hỏi Lầu Ông
Hoàng là đâu. Ngay khi xe của đoàn mình đậu lại một khu vực rộng lớn, tôi bước
xuống xe vào cổng tham quan Lầu Ông Hoàng nhưng chỉ gặp một tấm biển lớn: “Di
tích tháp Pô Sah Inư, Khu phố 5, phường Phú Hải, thành phố Phan Thiết…” Lại hỏi
Lầu Ông Hoàng ở khu vực nào vẫn chỉ nhận câu trả lời còn khá mơ hồ của người bảo
vệ “Cứ vào tham quan là gặp…” Đoạn dừng
chân đầu tiên ở khu vực đền tháp Pô Sah Inư trầm mặc giữa những mây trời thăm
thẳm, trong đó ngọn tháp cao nhất lên đến 15 mét. Nền văn hóa Chăm rực rỡ trong
quá khứ đã để lại phong cách kiến trúc đền tháp đặc sắc về kiểu dáng và phát lộ
nhiều kỹ thuật độc đáo về xây dựng để ngày nay vẫn còn tiếp tục khám phá.
Loanh quanh với ngọn tháp bí ẩn rồi đi lên hướng dốc
cao theo lối đá cuội mòn, một tấm bảng chỉ đường bằng hai bàn tay xếp cạnh vào
nhau, hiện ra dòng chữ bên trên hình mũi tên “Đường lên phế tích Lầu Ông
Hoàng.” Mới hay, Lầu Ông Hoàng nằm trên đỉnh cao nhất của khu đồi-. độ cao 105
mét so với mặt biển, còn gọi là Đồi Bà Nài. Tấm bảng ghi lịch sử ở đây đã tóm tắt
: Năm 1910- 1911, công tước Pháp tên là Demontpensier khởi công xây dựng khu biệt
thự để nghỉ dưỡng, săn bắn mỗi khi đến Phan Thiết. Biệt thự xây dựng xong với lối
sống xa hoa, tiện nghi sang trọng của người Pháp nên người dân Phan Thiết gọi chết
tên là “Lầu Ông Hoàng”. Năm 1934- 1935, Lầu Ông Hoàng là nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử
và nữ sĩ Mộng Cầm hẹn nhau đến ngắm trăng và sáng tác thơ. Năm 1946, thực dân
Pháp xây dựng khu đồn bót bên cạnh Lầu Ông Hoàng nhằm bảo vệ tuyến đường từ
Phan Thiết đi Mũi Né và các vùng phụ cận. Ngày 14/6/1947, Trung đội Hoàng Hoa
Thám, Trung đoàn 42, Bình Thuận, cải trang sĩ quan và lính Pháp, bất ngờ tập
kích cứ điểm Lầu Ông Hoàng, tiêu diệt và bắt 35 sĩ quan, binh lính Pháp.
Cũng có tài liệu ghi rằng, biệt thự Lầu Ông Hoàng có diện
tích 536 mét vuông, nằm cách xa cụm tháp Pô Sah Inư trên cao khoảng 100 mét;
cách xa thành phố Phan Thiết 7 cây số về hướng Đông Bắc. Biệt thự gồm cả thảy
13 căn phòng hiện đại nhất Phan Thiết lúc bấy giờ. Qua tầng tầng, lớp lớp bụi
thời gian với những biến cố, đứng bên biệt thự Lầu Ông Hoàng bây giờ là một khoảng
không gian hoang tàn, bao quanh với cây cỏ dại khẳng khiu, khô úa giữa mùa xuân.
13 căn phòng biệt thự xưa giờ chỉ còn lưu dấu lại những mảng nền xi măng rệu rã,
loang lổ dưới bước chân người. Nhưng kỳ lạ thay, đứng giữa nền Lầu Ông Hoàng phế
tích này, du khách lần đầu tiên như tôi thường thích thú vô cùng khi đón nhận những
làn gió lồng lộng thổi từ thung lũng biển biếc thổi lên; từ một khoảng trời
xanh cao bất tận thổi xuống mát rượi. Nhìn từ đình đồi Lầu Ông Hoàng nhìn xuống
theo dáng nghiêng nghiêng của sườn núi nhô ra biển. Bên dưới là toàn cảnh thành
phố Phan Thiết uốn lượn theo bở cát dài óng mượt, ngày đêm ôm trọn những con
sóng ngan ngát của biển vỗ về. Xa xa kia
là Mũi Né vươn dài ra biển, là mái nhà trú ngụ bình yên nhất của thuyển bè mỗi
khi gặp mùa biển động…
Và từ Lầu Ông Hoàng dõi mắt về phía chân trời kia là
những dãy núi điệp trùng của cao nguyên Lâm Đồng – Đà Lạt, chập chùng như một
vòng tay lớn nối dài với phố biển Phan Thiết. Hai khoảng trời nối rừng với biển
này đã từng ngất ngây cảm xúc Hàn Mặc Từ, từ đó ra đời hai thi phẩm trở thành sản
phẩm du lịch nổi tiếng của hai vùng miền: “…Ai
hãy làm thinh chớ nói nhiều. Để nghe dưới đáy nước hồ reo. Để nghe tơ liễu rung
trong gió. Và để xem trời giải nghĩa yêu…( Đà Lạt trăng mờ)” và “…Ta lang lang thang tìm tới chốn lầu trăng.
Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang. Nơi đã khóc đã yêu thương da diết. Ôi trời
ôi là Phan Thiết, Phan Thiết…Trăng vàng ngọc trăng ân tình chưa phỉ. Ta nhìn
trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng…( Phan Thiết, Phan Thiết !)… ” Phan Thiết- Đà Lạt tháng 3.2012