Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Khi rừng hóa rẫy

Phóng sự điều tra VĂN VIỆT

( Giải Nhì Giải báo chí  tỉnh Lâm Đồng năm 2005)

Nhiều năm qua, rừng thuộc các tiểu khu 450, 451, 456, nằm trên địa bàn các xã Lộc Tân, Lộc Quảng và B’Lá của huyện Bảo Lâm ( Lâm Đồng) dồn dập hóa rẫy. Ba cụm tiểu khu rừng nói trên về lý thuyết có đến hàng ngàn ha nhưng thực tế chỉ còn trông thấy những trảng cây rừng sót lại trên các đỉnh chóp cao, thưa thớt, nhạt mờ, dù đó là dạng rừng tái sinh sau nương rẫy lâu năm, rừng thông trồng đều đặn từ hai chục năm trước trở lại đây. Lấn át rừng là những rẫy trà tiếp nối rẫy trà uốn lượn đến tít chân trời

Giữa rừng…“thổ cư”  !
. Ở địa bàn xã B’Lá nằm khuất sau khu du lịch thác Đạm Bri, Bảo Lộc, xuất hiện chừng mười lán trại của người dân chui rúc khoanh vườn kiếm sống. Lẽ cố nhiên làm sao có thể kéo điện lưới về thắp sáng giữa rừng lúc này. Nước cũng vậy. Nước uống và nước tưới tiêu đều sử dụng máy bơm cũ kỹ hút từ dưới suối cạn hoặc các ao nước tù tự đào ở thung sâu lên. Một “lâm phu đồn điền” ở đây cho biết: Cứ nhìn tuổi cây chè hạt, chè cành chủ yếu cũng đã năm năm lùi về trước. Nguồn gốc đất rẫy thường chung câu nói cửa miệng “đất tự khai phá, không tranh chấp”, rồi để lâu trở thành hàng hóa, mua bán công khai với nhau bằng giấy viết tay, được dăm ba người “đồng cảnh láng giềng” ký làm chứng. Trường hợp đôi ba người quen biết với ông này, bà nọ ở xã, cũng đóng được con dấu đỏ tròn của chính quyền, lấy đó làm “bửu bối” đánh bóng mình, làm tin với người khác. Đơn cử như bút tích ngày 27/5/2004 của L.T.M., cán bộ địa chính xã B’Lá: “xác nhận ông P.V.M.có canh tác đất tại địa bàn thôn 3, xã B’Lá với diện tích khoảng 18 ngàn mét vuông chè hạt đang canh tác ổn định không có tranh chấp, đất chưa phủ lưới đo đạc địa chính”. Ký và đóng dấu bên dưới là ông T.N.T., Chủ tịch xã này.
Đến thời điểm đầu tháng 11-2005, ai có nhu cầu mua “thổ cư” giữa rừng thì giá mỗi ha từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng tùy theo vị trí. Đôi năm gần đây, có đến ba công ty của Đài Loan từ phố huyện, phố tỉnh Lâm Đồng vào các vùng rừng giáp ranh này mua tập trung nhiều quả đồi trồng trà Ô Long. Người dân cũng mon men bắt chước trồng theo cây Ô Long, từng luống bắt đầu nức chồi ra lá xanh xanh, khiến giá đất đã nhích bổng lên như vậy. Ông D.T.T., Chủ tịch xã Lộc Quảng nói rằng, ba công ty Đài Loan đó đã mua 135 ha đất của dân, sau đó được huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng hợp thức hóa bằng cách ra quyết định thu hồi đất có “sổ đỏ” hoặc ra quyết định đền bù hoa màu trên đất chưa có “sổ đỏ”, sau đó lập hợp đồng cho thuê lại phía đối tác. Ông chủ tịch xã đã không e ngại khi nói rằng, nguyên thủy rừng Lộc Quảng nhiều lắm, nhiều vô kể nhưng mới đôi chục năm mà bây giờ chỉ…đếm được vài chục ha. Phần lớn rừng mất đến đâu, rẫy trà mọc lên đến đó hết rồi  ! 

Chân dung người giữ rừng !

Thực trạng rừng hóa rẫy quanh năm diễn ra trên các vùng giáp ranh Lộc Quảng, Lộc Tân, B’Lá có tên Cụm tiểu khu 450, 451, 456 thuộc Ban Quản lý rừng Bảo Lâm. Cụm có ba người, đứng đầu là Cụm trưởng T.V.T. khét tiếng với người dân cùng khổ, cô thế nhưng lại “hiền lành”  với những thành phần giao thiệp, quan hệ rộng rãi. Bằng chứng là một đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Bảo Lâm vừa phát hiện 2 công ty Đài Loan lấn chiếm 3,5 ha đất rừng từ năm 2004 đến nay. Việc lấn chiếm công khai giữa đường đi, trước mặt nhiều người dân rẫy. Không hiểu sao, cụm trưởng T.lại phớt lờ (?!) Một vụ khác, T.lập biên bản về hành vi lấn chiếm trái phép 70 mét vuông đất lâm nghiệp từ năm 2002, nhưng đến nay-cuối năm 2005, đương sự này đã…xây xong nhà trên đất này. Đó là chủ nhân N.V.P. hiện thường trú tại thôn 4, xã B’Lá. Vụ khác nữa, Thơm gọi lâm tặc bằng “chú” khi viết một giấy tay đề nghị cán bộ dưới quyền của mình trả lại tang vật phá rừng “…Chú H.sang nhà. Anh cho chú xin lại máy cắt cỏ. Anh cho chú H.làm giấy nhận lại máy…”
Tương phản lại, trường hợp can phạm P.T. Q., 47 tuổi, trông thật cám cảnh. Nửa đời gom góp cơ nghiệp, trôi dạt từ vùng Thốt Nốt, Cần Thơ lên đây mua đất trồng trà, kiếm sống cầm hơi. Bà Q. học hết lớp I. Chồng bà không làm được việc nặng nhọc nữa vì đã suy kiệt sức khỏe từ lâu. 7 đứa con trong nhà gần như không chữ nghĩa gì cả. Ngôi nhà vách nứa, ván mục nát, lợp mái cỏ tranh, trống huơ hoác trước sau. Bà Q. nơm nớp : “Tòa sắp sửa xử tôi tội phá rừng rồi. Không biết nếu phải vào tù thì cả gia đình tôi sẽ biết sống sao đây ???“
Đọc kết luận điều tra cùng với bản cáo trạng về “vụ P.T.Q.-vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng” chợt thấy cay đắng quá. Họ xâu chuỗi bà Q. có tiền sự vào ngày 06/12/2004 khi bị xử lý phạt 570 ngàn đồng, tịch thu 01 chiếc xe đạp thồ vì…vận chuyển 0,236 mét khối gỗ xẻ hộp kiền kiền. Tiếp theo vào ngày 09/9/2005, bà cùng con trai 15 tuổi, chuyển về nhà 0,105mét khối gỗ kiền kiền thì bị mai phục tịch thu, bị khởi tố rồi đến ngày 14/10/2005, Viện Kiểm sát huyện Bảo Lâm ra cáo trạng truy tố trước tòa hình sự. Bà Q.thật thà: “Cả hai lần tôi chỉ đi mót gỗ về thay cái vạc giường nằm đã cũ; đóng cái tủ đựng mấy tấm áo còn lành cho chuột khỏi cắn xé. Đâu biết đã phạm tội điều này, luật nọ như thế này…” Mà ngay trong bản kết luận điều tra cũng đã ghi “…Bà Q.cùng con trai vào rừng cắt 01 đoạn ngọn của cây gỗ kiền kiền đã bị người khái thác trước, cắt mất phần thân gỗ…”
Đầu tháng 11-2005, tôi gặp Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm được nhận “tin nóng”: Hạt vừa cho ra về một thanh niên D.V.H.mà cụm trưởng T.V.T.dẫn giải đến. Lý do hồ sơ vụ việc không đảm bảo. Cách nói của ông Hạt trưởng là vậy, nhưng thực chất cụm trưởng T. đã lộng quyền bắt người không có hành vi phạm pháp. Đối chiếu trong bản đồ trồng rừng thì diện tích 600 mét vuông mà D.V.H..đang làm là rẫy vườn trà của gia đình đã trồng từ lâu rồi. Vả lại đất này nằm cặp sát dưới mé suối. Vậy là gán tội phá rừng là phá cái gì đây chứ ?! Bà mẹ của thanh niên H. “phát lộ” nghi vấn: “Phải chăng gia đình tôi không biết điều với cụm trưởng T.nên mới bị trấn áp ráo riết chăng” (?!) Kết luận ban đầu của Công an huyện Bảo Lâm có nêu: Sự việc ông Đ.X.T. ( cán bộ Ban Quản lý rừng Bảo Lâm, người cùng đoàn đi trấn áp với T.V.T.) đã dùng còng số 8 còng tay H.là sai trái. Đề nghị phải kiểm điểm và xử lý kỷ luật !…
Lâm tặc được tiếp tay
Liều lĩnh hơn, cụm trưởng T.V.T.còn trực tiếp bảo kê cho các lâm tặc phá rừng giữa ban ngày. Chúng gồm 3 người mang theo cưa máy, đi trên chiếc xe công nông cải tiến, biển số 49H-2671, chọn khoảnh rừng gần đường đi lớn trên tiểu khu 450 để tàn phá. Chúng vung cưa phạt ngang từng đoạn cây dài từ 80cm đến 1,8 m; đường kính từ 8cm đến 18cm, và do gọi là củi nên khi chất đầy lên xe, “đo đếm” khoảng hơn 2,2 ste. Bất bình quá, người dân vội chạy cấp báo thì chính Ban Quản lý rừng Bảo Lâm ra đón bắt xe lâm sản lậu này đưa về Ban. Nhưng đây chỉ là một động tác xoa dịu vì xe và lâm tặc về Ban đậu đỗ chưa nóng chỗ đã được tức khắc cho…tùy nghi di tản(?!)
Thực tế vụ việc trên đã xảy ra từ ngày 03/7/2005, mãi đến ngày 10/10/2005, việc điều tra, xác minh của công an huyện Bảo Lâm mới có kết quả. Theo đó, công an huyện đã làm văn bản đề nghị Ban quản lý rừng Bảo Lâm “tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật phù hợp với sai phạm của ông T.V.T.” nhưng đến đầu tháng 11-2005 vẫn chưa thấy “hồi âm” gì. T. vẫn ngày ngày vào ra “bình an” trên những khoảnh rừng “hùng cứ một phương” của mình (?!)
Một lần vào giữa giữa rừng “thổ cư” còn nghe xôn xao thêm nhiều chuyện ông T. gây ra tại tiểu khu 450 nhưng không được xử lý như: Để ông D. xe đò từ B’Lá vào cưa hạ cây rừng tươi chở ra Lộc Phát bán; đứng đằng sau một vụ phá rừng đến  5 ha; cùng “giúp sức” với Trưởng ban Đ. bên trên và cán bộ T.Q.bên dưới …đã, đang “làm ăn “ rôm rả trên rất nhiều ha rừng, đất rừng…Thiết nghĩ, trước những nghi vấn của người dân hết sức bức xúc này, các ngành chức năng của huyện Bảo Lâm, của tỉnh Lâm Đồng nên cấp kỳ rà soát, kiểm kê tất cả những cán bộ có đất rừng trên địa bàn, làm rõ từng cán bộ vi phạm để xử lý nghiêm minh, công khai trước công luận. Được vậy, trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của Bảo Lâm mới thực sự được lập lại ! ./.Bảo Lâm - Đà Lạt tháng 10/2005