Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Xây dựng "mắc ca 5 sao" ở Lâm Hà

VĂN VIỆT

Qua hơn mười năm tập trung đầu tư thâm canh vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ, sản phẩm mắc ca ở huyện Lâm Hà đang hội đủ các tiêu chí để nâng cấp xếp hạng 5 sao OCOP cấp quốc gia trong năm 2020.

Chọn chủ thể sản phẩm OCOP mắc ca 5 sao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, huyện Lâm Hà là một trong những địa phương trong tỉnh Lâm Đồng triển khai khá sớm chương trình OCOP với các sản phẩm thế mạnh, trong đó sản phẩm mắc ca sấy đã được xếp hạng 3 sao OCOP trong năm 2019. Thống kê đến nay, tổng diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Lâm Hà khoảng 1.100 ha, trong đó có 200ha diện tích đang vào thời kỳ kinh doanh, đạt năng suất bình quân 2 tấn/ha. Trong năm 2019, diện tích mắc ca toàn huyện Lâm Hà trồng mới hơn 340 ha. Tỷ lệ mắc ca trồng xen canh với cây cà phê chiếm khoảng 60%, phân bổ trên địa bàn 15/16 xã, thị trấn của huyện Lâm Hà gồm: Đông Thanh, Nam Ban, Mê Linh, Nam Hà, Tân Văn, Phi Tô, Gia Lâm, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Phú Sơn, Tân Thanh và Đạ Đờn.

Trong gần 10 cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu hạt mắc ca trên địa bàn huyện Lâm Hà, đáng kể có cơ sở của Công ty TNHH Hoàng Anh Maca (Văn phòng tại Đà Lạt, Chi nhánh tại thôn Đức Hà, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà) với các dòng sản phẩm mắc ca sấy công nghệ lạnh mang thương hiệu The Macanut, được kiểm định bởi Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Sở Y tế Lâm Đồng, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn ISO 22000: 2018, đạt sản lượng xuất khẩu khoảng 60 tấn hạt/năm

“Để góp phần phát huy tiềm năng phát triển sản phẩm mắc ca chế biến sâu của huyện Lâm Hà, cơ sở của Công ty TNHH Hoàng Anh Maca được xác định đủ điều kiện chọn lựa triển khai liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xếp hạng OCOP 5 sao cấp quốc gia trong năm 2020”, theo ngành nông nghiệp Lâm Đồng.

Phóng viên đã tiếp xúc với Giám đốc 8X Nguyễn Hoàng Anh để tìm hiểu thêm về năng lực của cơ sở sản xuất, chế biến và tiêu thụ mắc ca đang cần được nâng cấp hạng 5 sao OCOP quốc gia vừa nêu. Mới hay Công ty TNHH Hoàng Anh Maca của Giám đốc 8X Nguyễn Hoàng Anh vừa xuất khẩu chính ngạch thành công gần 22 tấn mắc ca sấy lạnh sang thị trường Trung Quốc, chiếm tỷ lệ gần 18% trên tổng sản lượng chế biến tại nhà máy ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương. Và tỷ lệ khoảng 10% xuất khẩu tiểu ngạch sang các nước Nga, Đông Âu. Còn lại tỷ lệ 72% tiêu thụ tại các điểm du lịch Đà Lạt và hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, đại lý của công ty ở nhiều vùng miền trong nước. Đến thời điểm giữa tháng 10/2020, công ty của Giám đốc 8X Nguyễn Hoàng Anh đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu sản phẩm mắc ca sấy lạnh thương hiệu The Macanut sang thị trường Canada với khối lượng dự kiến khoảng trên dưới 20 tấn vào đầu năm tới.  

Tăng 5-10 % giá bán nguyên liệu và 10-15% giá bán thành phẩm mắc ca

“ Với tổng diện tích 500m2 nhà máy sản xuất tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, Công ty TNHH Hoàng Anh Maca chúng tôi hiện đạt công suất chế biến 120 tấn mắc ca/năm. Dự kiến nhà máy tiếp tục nâng cấp dây chuyền thiết bị máy móc, đến cuối tháng 12/2020 sẽ chế biến đạt sản phẩm mắc ca với tổng cộng suất khoảng 400 tấn/năm. Bởi vậy, công ty chúng tôi sẵn sàng thu mua tất cả sản lượng mắc ca của nông dân Lâm Hà theo thỏa thuận ngang bằng hoặc một tỷ lệ cao hơn mức giá thị trường… ”, Giám đốc Nguyễn Hoàng Anh thông tin.


Được biết khi thành lập vào giữa tháng 3/2015, Công ty TNHH Hoàng Anh Maca triển khai trồng thuần đồng loạt 20ha mắc ca trên diện tích đất lâm nghiệp xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Đến năm 2018, công ty tiếp tục trồng thuần mắc ca trên diện tích 20ha đất lâm nghiệp tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương. Đây vùng nguyên liệu phục vụ chế biến tại chỗ trong 5 năm tới. Trước mắt với sản phẩm mắc ca nâng hạng OCOP 5 sao, Công ty TNHH Hoàng Anh Maca đang phát triển liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ với 15 hộ nông dân ở huyện Lâm Hà, mỗi hộ sản xuất khoảng 2ha xen canh đang trong thời kỳ thu hoạch đạt năng suất trung bình 2 tấn/ha. Trong thời gian còn lại của năm 2020, Công ty TNHH Hoàng Anh Maca đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ các hạng mục đầu tư cho hộ nông dân liên kết sản xuất hoàn chỉnh quy trình đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; chuyển giao áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; chi phí xây dựng quy trình HACCP trong chế biến; chi phí nhãn mác, phần mềm, tem truy xuất nguồn gốc điện tử; quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm mắc ca thương hiệu The Macanut tại 9 điểm du lịch của thành phố Đà Lạt...

 


Mục tiêu của mô hình liên kết giữa Công ty TNHH Hoàng Anh Maca với 15 hộ nông dân ở huyện Lâm Hà muốn đưa sản phẩm hạt mắc ca mang thương hiệu The Macanut đạt sản phẩm OCOP 5 sao tới tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ đó tăng 5-10 % giá bán nguyên liệu và 10-15% giá bán thành phẩm mắc ca, góp phần phát triển công nghệ chế biến sâu các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng”, Giám đốc Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ./.

*thang 10/2020